Hoài niệm, cảm thức về dòng ca khúc Bolero Việt
Có thể ai đó mà khả năng thẩm âm của họ được giáo dục để chỉ cảm thụ nhạc giao hưởng, opera… nhưng liệu có chắc là không hề có cảm xúc gì khi bên tai bỗng vang lên giai điệu của một bản bolero, nhất là khi tình trạng cảm xúc họ đang có nhu cầu tự tình trước cảnh trí thiên nhiên hay nỗi niềm nhân thế.
Có thể ai đó chỉ thuộc giới bình dân ít học, việc họ đón nhận điệu thức và ca từ bolero không phải là để thay thế câu ca dao, điệu hò, bản vọng cổ mà chính là để lấp đầy nhu cầu muốn cất giọng tự tình nâng cảm xúc bản thân sao cho khớp với những biến động nhân sinh, phận người đa đoan, tình người dâu bể.
Người ta có thể kể về trường hợp cây đàn ghita du nhập và đã trở thành cây đàn ghita phím lõm, một tài sản vô giá của đờn ca tài tử, vọng cổ, sân khấu cải lương. Và sẽ là bất công nếu không tin rằng trong những điệu tân nhạc du nhập vào Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20, điệu bolero bỗng nhiên trúng khía một cách kỳ lạ với nhu cầu tự tình của người Việt. Tất nhiên để đạt được chuyện gãi đúng chỗ ngứa, điệu bolero phải được chế cho khớp để xe duyên, để có cuộc hôn phối với chất cảm âm Việt.
Và nếu nhìn vào sức thuỷ chung của cuộc hôn phối này rồi đem so với việc du nhập các dòng tân nhạc khác cũng như đặt cạnh những giá trị lớn khác từ văn hoá phương Tây, thì đây là một trong những cuộc hôn phối sâu rộng – tròn đầy.
Trên con đường bolero - tự tình, nhiều thế hệ người Việt từ lúc học tiểu học đã cất giọng: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…” Nhiều thế hệ nhạc sĩ sáng tác ca khúc bolero đã đặt được chất trong sáng của giai điệu bolero và ca từ vào tâm hồn tuổi học trò.
Và rồi những cô cậu học trò vào tuổi dậy thì lại ngẩn ngơ thì thầm Ngày xửa ngày xưa, đôi ta chung bước đôi ta chung trường… bolero tự tình tiếp tục rời con đường làng, phố thị tỉnh lẻ đến những ngã ba, ngã tư của những cung bậc gập ghềnh, éo le trớ trêu hơn của tình tự con người với những Nỗi buồn gác trọ, Mưa nửa đêm, Sao chưa thấy hồi âm, Chuyến tàu hoàng hôn… Cứ vậy, điệu bolero chở cảm xúc con người đi, và thật sự bolero Việt đã đi qua biết bao là biến động nhân sinh, kể cả những khổ nạn chiến tranh… những nơi chốn mà tưởng chừng chỉ có người may mắn, kẻ mạnh mới có thể tồn tại thì điệu bolero tưởng như uỷ mị, mềm yếu lại là nơi nương tựa, đỡ đần cho tâm hồn con người.
Một dòng nhạc, một bài hát luôn có không gian riêng và chỉ khi thuộc về không gian riêng đó hiệu ứng mới đủ làm nên cảm thụ sâu sắc. Nếu nhìn từ góc độ đó, không gian tình tự bolero quả thật rất rộng và sâu.
Một ca khúc bolero hay không chỉ làm chủ phạm vi sân khấu biểu diễn, không chỉ nâng dìu cảm xúc người đồng điệu mà còn khiến thính giả hát theo trong đầu hoặc hát thầm trong miệng khi lời ca tiếng đàn vang lên. Hát theo, để đánh thức những chi tiết kỷ niệm! Liệu sự thức giấc của vùng cảm xúc thường tình có phải là chiều chuộng cảm xúc vụn vặt của mình chăng! Làm mình không sang trọng, không trí thức, không xứng, quá sến chăng! Có lẽ đúng vậy và cũng không cần giấu lòng.
Nếu nói loại ra hoặc bỏ rơi tính tự sự - tự tình trong đời sống âm nhạc thì nhu cầu ca hát của công chúng cũng sẽ không còn. Tất nhiên không sức mạnh nào có thể làm được điều đó, chính vì thế tôi thấy tiếc cho những bạn trẻ không chịu hiểu hoặc không hát được bolero Việt, và mừng vì mình và bạn bè luôn còn nguyên một gia tài ca khúc bolero.
Bolero và hoài niệm
Thoạt tiên chỉ là cuộc chơi lúc trà dư tửu hậu giữa một số anh em doanh nhân và nhà báo trong tiệc thân mật tại nhà hàng Blue Ginger.
Bữa tiệc ấy diễn ra cách nay đã ngoài mười năm khi một anh chàng nào đó trong men vui của rượu vớ lấy cây guitar của nhà hàng và hát một ca khúc theo tiết tấu bolero rất quen thuộc ở phía Nam khoảng thập niên 60 thế kỷ trước. Hầu hết thực khách trong bàn tiệc hôm ấy đều thuộc thế hệ 4X hoặc 5X, từng lớn lên ở miền Nam trước đó, đồng loạt kéo gân cổ hát theo chàng ca sĩ nghiệp dư kia với sự hào hứng bất ngờ.
Nhạc bolero mà đem ra hợp ca thì kết quả ra sao ai cũng rõ, nó biến thành sự vui nhộn dù ca từ thê thiết đến mấy chăng nữa. Cho đến một lúc, có ai đó đề nghị phải hát thực sự nghiêm túc, tức phải đơn ca, phải nỉ non kể lể, phải diễn cảm mùi mẫn.
Để làm được điều đó buộc phải thuộc trọn vẹn ca từ của một ca khúc bolero. Hầu hết các ca khúc bolero mà anh em “biểu diễn” đều rất thịnh hành ở thập niên 60, 70 do các nhạc sĩ Trúc Phương, Mạnh Phát, Châu Kỳ… sáng tác.
Có thể chàng trai ngày cũ đã chuyển sang yêu thích các dòng nhạc “sang cả” của Phạm Duy, Cung Tiến… hoặc những ca khúc đẹp như thơ của Hoàng Quý, Tô Vũ, Đoàn Chuẩn… thời tiền chiến.
Vậy mà, vào một cơ hội nào đó, trong một cuộc tâm tình bầu bạn bên men say, khi nghe các ca khúc bolero ngày xưa, lòng tự dưng chùng xuống, rưng rưng với kỷ niệm. Tâm trạng ấy hệt như khi ta xếp dọn đống sách báo cũ đã nhiều năm vứt bỏ, bỗng nhặt ra được tập “lưu bút ngày xanh” mấy năm đầu tiên ở bậc trung học với những dòng chữ lưu niệm giữa bạn bè đồng lớp trước khi chia tay nghỉ hè.
Những dòng lưu niệm ấy phần lớn đầy sáo ngữ nhưng giờ đây đọc lại ta bỗng run lên vì xúc động trước các hình ảnh của quá khứ ùa về. Sự xúc động ấy chẳng phân biệt “sang” hay “sến”…
Sự thành công quá mức của bữa tiệc “bolero” đầu tiên khiến những bữa tiệc về sau của anh em phải luôn có phần nhạc bolero tự diễn kèm theo như một điều kiện cần và đủ.
Dần dà số người tham gia đông hơn, không chỉ là doanh nhân hay nhà báo nữa mà có cả các vị trí thức khoa bảng tốt nghiệp ở phương Tây hẳn hoi, trong đó không ít người mê nhạc hàn lâm thứ thiệt của Bach, Mozart, Beethoven… Những vị này vốn cũng trải qua một thời bolero ở miền Nam trước khi du học, nay tham gia bữa tiệc “bolero” để được sống lại với những kỷ niệm thời trai trẻ.
Các bữa tiệc “bolero” ấy dần dà thu hút không chỉ thế hệ 4X, 5X mà còn có cả thế hệ 7X, 8X nữa. Sự tham gia của thế hệ trẻ chứng tỏ sức sống lạ lùng của dòng nhạc này. Có ai đó đã vui gọi sinh hoạt ca hát của nhóm anh em chúng tôi là “Câu lạc bộ bolero”, hoành tráng hơn nữa là “Hội bolero”. Loại câu lạc bộ bolero này theo tôi nghĩ, chắc phải có hàng vạn trên khắp đất nước.
Với ai thì không rõ nhưng với phần lớn anh em chúng tôi khi tụ tập hát bolero cho nhau nghe cốt chỉ để sống lại một thời trai trẻ của mình, cái thời mà chúng tôi cũng là thành viên trong đám bình dân đại chúng kia. Và để “sống lại” với hoài niệm thì điều kiện cần thiết chính là “không khí bolero” chứ không phải “không gian biểu diễn”. Ở đâu cũng thế, miễn có người đồng điệu là được.
Nguồn SGTT