Các bảo tàng châu Âu đã "đánh cắp" bao nhiêu món đồ cổ?
Quản lí cao cấp của Bảo tàng MET cho hay hiện tại phần còn lại của toàn bộ di sản này vẫn còn nguyên. "Chưa có thừa nhận nào liên quan đến các di sản khảo cổ này", Harold Holzer, phát ngôn viên cao cấp của MET cho hay. Tuy nhiên vụ việc này khiến nảy sinh một vấn đề quan trọng đối với các bảo tàng châu Âu và nước Mỹ: Có bao nhiêu đồ vật trong các bộ sưu tập đã bị đánh cắp hoặc tiếp nhận bất hợp pháp? Và nên mang trả bao nhiêu vật như thế về với "quê hương" của chúng?
Hiện tại, vẫn chưa có câu trả lời nào cho vấn đề này. Quá trình xác định các đồ vật bị đánh cắp trong bảo tàng và trả chúng về đúng quê quán được giới khảo cổ gọi là "hồi hương". Khái niệm này được dành để mô tả việc trả một vật về với nguyên quán của nó, hoặc đưa phạm nhân chiến tranh về quê gốc.
Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật trong bảo tàng có thể minh họa cho khái niệm này: Bức chạm khắc tinh xảo nhất của đền Parthenon, Hy Lạp, có tên ELgin Marbles, hiện thuộc Bảo tàng Anh ở London; Hoặc kho báu Priam, phát lộ tại thành Troy, đang được trưng bày tại bảo tàng Pushkin, Nga. Những vật này thường bị mang đi khỏi quê hương mình trong thời kì chiến tranh hoặc tranh chấp với chính phủ thuộc địa trong hơn 300 năm qua.
Đa số các món tạo tác bị đào trộm hoặc khai quật trái phép ngay tại quê hương chúng. Thực tế rằng không ai quan tâm tới những kẻ đào trộm là ai, người ta thường chỉ biết rằng chúng được mang ra khỏi biên giới nước mình và bán trôi nổi trên thị trường thế giới. Viện Khảo cổ Hoa Kỳ cho biết 85 - 90% các món đồ tạo tác trên thị trường không có giấy tờ xuất xứ.
Việc các bảo tàng châu Âu nên xác định và trao trả lại những đồ vật này chỉ xuất hiện trong khoảng hơn 50 năm qua, khi các nước thuộc địa của tư bản châu Âu và Mỹ tại châu Phi và châu Á khẳng định quyền độc lập của mình và đã tạo được những ảnh hưởng nhất định về chính trị.
"Hồi hương" các món đồ tạo tác đang trở thành đề tài nóng bỏng từ thập kỉ trước, nhiều nước thuộc thế giới thứ 3 đang cố gắng đòi quyền độc lập và bản sắc văn hóa riêng bằng cách yêu cầu đòi trả những đồ vật văn hóa của họ từng bị đánh cắp, Julia Fischer, giáo sư về lịch sử nghệ thuật tại Đại học Georgia Southern University cho hay. "Trong nhiều trường hợp, tôi nghĩ những đồ vật này nên được trả về nguyên quán".
Nhưng hiện tại không có số liệu và tiêu chuẩn xác định "đồ vật bị đánh cắp" liên quan tới những món đồ cần được "hồi hương" này. Liên Hiệp Quốc từng thiết lập Hiệp ước 1970 qui định hạn chế "xuất khẩu" các món đồ vật tạo tác, cho phép các nước đòi quyền "hồi hương" và trả tiền để "chuộc" số đồ vật này về.
Tuy vậy rất nhiều bảo tàng trên thế giới đã chen ngang và làm gián đoạn Hiệp định này bằng cách, nếu họ có thể chứng minh món đồ đang có nguy cơ bị trả về, có nguồn gốc trước năm 1970, thì họ có quyền giữ chúng.
Trong khi đó, một báo cáo năm 2012 của Liên Hiệp Quốc đã chỉ ra những nhược điểm to lớn của Hiệp định này và cho rằng "luật pháp quốc tế khó có thể hỗ trợ Hiệp định". Trong hơn 40 năm qua, mới chỉ có 6 trường hợp các món cổ vật được "hồi hương" thành công nhờ sự trợ giúp của Hiệp định 1970. Tuy vậy, các tổ chức khác như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) và một nhóm điều tra của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) vẫn cập nhập một danh sách các món tạo vật bị đánh cắp.
Hội đồng bảo tàng quốc tế (ICOM), một tổ chức tư nhân đại diện cho hơn 20.000 bảo tàng trên thế giới, cho biết "Nếu một bảo tàng có chút nghi ngờ gì về tính hợp pháp của một món đồ, bảo tàng đó nên gọi cảnh sát hoặc yêu cầu sự giúp đỡ từ phía các học giả có uy tín nhằm xác minh nguồn gốc của món đồ đó".
Tuy vậy, quan chức cấp cao của ICOM lại từ chối trả lời về tiêu chuẩn đánh giá các món đồ cần được "hồi hương'' tại các bảo tàng. Năm 2002, đại diện ICOM cho hay "Hồi hương một món tạo tác là vấn đề cần được giải quyết tuyệt đối cẩn thận. Những phán quyết khôn ngoan và cẩn thận là rất cần thiết. Nên tránh xa những quyết định hoặc đánh giá không cần phải quá quyết liệt".
Cùng lúc đó, ICOM cũng bắt đầu đưa những bức ảnh của các món đồ tạo tác lên mạng Internet, cho phép mọi người và đặc biệt là những người tại quê hương các món đồ đó có cơ hội được nhìn thấy chúng mà không cần phải đợi các bảo tàng trả lại. Chủ tịch ICOM nhấn mạnh rằng hỗ trợ về kỹ thuật này chỉ đưa ra một cách tiếp cận các món đồ ở góc độ khác, chứ không nhằm thay thế hoạt động "hồi hương" chúng.
Tại Mỹ, qui trình trả lại các món đồ cổ là không dễ dàng. Bảo tàng J.Paul Getty, tại bang California, từng trả lại 40 món đồ tạo tác cho nước Ý, trong đó có bức tượng gần giống tượng nữ thần Aphrodite, từng được bán với giá 18 triệu USD trong năm 1988.
Bảo tàng MET từng trả lại hàng chục món đồ tạo tác về Rome, Ai Cập, Ấn Độ trong 20 năm qua. Ông Harold Holzer nhấn mạnh "Chúng tôi tự nguyện trả lại các món đồ tạo tác. Đây là trách nhiệm của chúng tôi đối với hầu hết các món đồ đó. Bảo tàng MET không ngừng tìm hiểu và nghiên cứu về từng vật hiện hữu trong bảo tàng".
Thực tế là các bảo tàng tại Mỹ hành động độc lập và đơn lẻ trong quá trình trao trả đồ cổ nên không ai biết được hiệu quả chính xác của tổng các dự án liên quan đến vấn đề này đã đi được đến đâu. Cũng khó đoán định được sẽ có bao nhiêu vụ trao trả đồ tạo tác sẽ xảy ra trong tương lai gần, khi các bên liên quan lại vướng phải các xung đột về chính trị và kinh tế.
Thậm chí các phía hỗ trợ hoạt động "hồi hương" cũng cho rằng quá trình này còn đạt được nhiều bước tiến xa nữa, có thể xa tới mức khiến các bảo tàng châu Âu "sạch bong" các món đồ tạo tác. Giáo sư Fisher cho rằng "Nếu trả lại hết các món đồ tạo tác đó, các bảo tàng của chúng ta dễ bị thiếu mất tính đa dạng cần có để hiểu được một thế giới nghệ thuật toàn vẹn".
Đại diện Bảo tàng MET, ông Holzer nói "Sẽ không có bất kì hoạt động nào liên quan tới việc thanh lọc hay thẩm tra các món tạo tác". Bảo tàng MET thậm chí có thể giúp quá trình "hồi hương" diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng. "Nếu ai đó có thế chỉ ra bất kì vấn đề gì không ổn đối với các món tạo tác, đến nói với chúng tôi, chúng tôi sẵn lòng giúp đỡ".
Nguồn The Verge