plo.vn
Nghệ thuật nude đi về đâu?
Nghệ thuật hội họa, điêu khắc và nhiếp ảnh đã đặt vẻ đẹp hình thể con người vào vị trí là một trong những đề tài truyền cảm hứng nhất mọi thời đại. Đề tài khỏa thân (nude) đã xuất hiện ở hầu hết mọi phong trào nghệ thuật chính, từ trường phái lập thể cho đến biểu hiện trừu tượng, đến nghệ thuật chính trị của thời đại gần đây. Thế nhưng, khỏa thân đến nay vẫn là đề tài tế nhị đối với giới nghệ sĩ và công chúng tại Việt Nam khi đứng giữa ranh giới mong manh của nghệ thuật và phản cảm. Vì vậy, nhiều năm qua, thị trường nghệ thuật này có những rào cản nhất định. Thậm chí, thị trường tranh, ảnh mảng đề tài khỏa thân gần như không có cơ hội phát triển. Người mẫu e dè, tác giả có tranh, ảnh không dám treo, không bán được...
Chẳng hạn, Việt Nam hiện có nhiều nhà nhiếp ảnh theo đuổi chủ đề nude nghệ thuật như Thái Phiên, Dương Quốc Định, Trần Huy Hoan, Dương Minh Long... có tiếng trong giới nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Nhưng còn nhớ, nghệ sĩ Thái Phiên dù được cấp phép xuất bản sách ảnh chụp khỏa thân nhưng triển lãm ảnh khỏa thân của anh vẫn nhiều lần bị từ chối bằng nhiều hình thức. Điều đáng nói, sách ảnh Xuân Thì của Thái Phiên đã tái bản mấy lần, bộ ảnh nude Bước Thời Gian giúp nghệ sĩ này nhận tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc (E.VAPA/G). Không chỉ vậy, nhiều năm qua, có rất nhiều triển lãm ảnh nude đã bị từ chối cấp phép, phần nào dựng lên lằn ranh nhất định đối với cả người sáng tác và người thưởng thức.
Mới đây, triển lãm Tạo tác gồm 50 bức ảnh khỏa thân của nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên đã được tổ chức tại TP.HCM. Có thể thấy trong đa số ảnh nude của Hạo Nhiên được thể hiện bằng sự cách điệu thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình hơn là đi sâu vào phần mô tả. Giới nhiếp ảnh cho rằng đây là cách thể hiện nhằm “lách” qua được rào cản về giấy phép tổ chức. Mặc dù vậy, triển lãm ảnh nude của nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên đang diễn ra được giới nhiếp ảnh ví như “bước ngoặt lịch sử cho loại hình nghệ thuật này”. Sự kiện trên cho thấy, các nhà quản lý văn hóa đã có cái nhìn thoáng hơn về tác phẩm nghệ thuật khỏa thân.
Trước đó, triển lãm Phượng với chủ đề khỏa thân đã diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội). Triển lãm Phượng với 37 tác phẩm tranh, tượng nude của 14 họa sĩ cũng có thể gọi là lần đầu tiên một triển lãm tác phẩm nghệ thuật nude chính thức. Trong số 14 họa sĩ đó, có những cái tên đã có tiếng với những tác phẩm tranh, tượng nude tham dự các triển lãm mỹ thuật ở nước ngoài. Điển hình là họa sĩ Nguyễn Đình Hợp từng có tranh sơn mài trưng bày tại Sydney và London. Một triển lãm tầm cỡ về tranh của cố họa sĩ Lưu Công Nhân do Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) tổ chức tại Hà Nội. Tại đây cũng trưng bày rất nhiều tranh nude ca ngợi vẻ đẹp hình thể phụ nữ của danh họa này.
Theo họa sĩ Nguyễn Đình Hợp, từ xưa đến nay nude vẫn là đề tài nhạy cảm và đa số vẫn e dè với loại hình nghệ thuật này. Thực tế, chẳng có quy định nào cấm không triển lãm ảnh nude, cấm các nghệ sĩ chụp ảnh nude, chỉ cấm những bức ảnh dung tục, phản cảm... Nhưng dường như ranh giới phân định giữa nghệ thuật và phản cảm trong các tác phẩm ảnh nude còn quá mong manh, khiến nhà quản lý phải thận trọng. Thực tế, không ít sự nhốn nháo của giới showbiz, của giới trẻ mạng xã hội cho thấy sự thận trọng này là có cơ sở. Đã có rất nhiều tranh luận về việc người đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được chụp ảnh không có trang phục. Mốt khoe nội y, xuyên thấu của một số người mẫu có bị cấm tại Việt Nam hay không?
Thậm chí, ngay cả thế giới ảo internet của Facebook, Google, hay YouTube cũng có quy định rất rõ về khỏa thân và dung tục hay lõa thể (nudity, nude art hay naked). Kenneth Clark, sử học gia nghệ thuật tiêu biểu của Anh trong tác phẩm, chỉ ra cái yếu tố then chốt làm nên giá trị nghệ thuật đích thực của các tác phẩm với đối tượng khỏa thân: dù là phô diễn một cách tượng trưng, được tỉ lệ hóa, hay phơi bày chân thật, trần trụi, dù là tôn vinh vẻ đẹp hoàn mỹ, lý tưởng, sức sống trong sáng hay là vẻ đẹp trần tục và khơi gợi những cảm xúc bản năng, nghệ thuật nude cuối cùng vẫn phải là sự tôn trọng con người, tôn trọng sự nhào nặn của tạo hóa.
Hình ảnh khỏa thân càng giống đời thực càng gây tranh cãi trong giới nghệ thuật trên thế giới, từ hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh đến new media (sắp đặt, trình diễn...). Những nghệ sĩ về nghệ thuật khỏa thân ngày nay rất muốn nhắc chúng ta rằng việc ngắm nhìn cơ thể luôn là một hành động phải trả giá và rất riêng tư. Tạp chí dành cho người lớn Playboy cũng đã dừng đưa hình ảnh khỏa thân để phù hợp với quy định giám sát nội dung của Facebook và các trang mạng xã hội khác khi chia sẻ. Vì thế, trước rào cản này, nhiều nghệ sĩ cho rằng cần có một hội đồng thẩm định cấp phép có chuyên môn về nhiếp ảnh nói chung và nghệ thuật nói riêng về đề tài nhạy cảm này.
Vì vậy, sự cởi mở bước đầu của các cơ quan quản lý và sự đón nhận của công chúng là niềm vui đối với giới nghệ thuật Việt Nam. Lâu nay, đề tài khỏa thân ca ngợi và tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ luôn là sự thôi thúc trong mỗi nghệ sĩ. Mỹ thuật Việt Nam hiện đại tính từ khi thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, khóa mỹ thuật đầu tiên là bộ tứ danh họa Nghiêm - Liên - Sáng - Phái rồi các danh họa Lê Phổ, Vũ Cao Đàn, Lê Thị Lựu... đều vẽ tranh nude rất nhiều. Nay các triển lãm tranh ảnh khỏa thân được cấp phép coi như đã có sự công khai thừa nhận những tác phẩm thuộc thể loại này. Giới mỹ thuật rất tán đồng các triển lãm chủ đề khỏa thân lần này mang ý nghĩa mở rộng không gian nghệ thuật làm cho không khí sáng tạo nghệ thuật của chúng ta mới hơn, hay hơn, phóng khoáng hơn. Dù còn chưa nhiều nhưng đây cũng là dấu hiệu chứng tỏ được sự phát triển của bộ môn nghệ thuật này tại Việt Nam.
Như họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, nhận định về triển lãm ảnh nude của Hạo Nhiên: “Trước giờ chưa được triển lãm ảnh khỏa thân bởi vì vẫn tồn tại khoảng cách khá xa giữa chủ thể sáng tạo với chủ thể quản lý. Ảnh khỏa thân của Hạo Nhiên rất đẹp, rất kín đáo, ý nhị, người mẫu khỏa thân chỉ là cái cớ để sáng tạo thôi, không hề dung tục. Triển lãm ảnh Hạo Nhiên lần này đã khẳng định sự đổi mới trong tư duy quản lý và bước đột phá trong nghệ thuật của TP.HCM”. Còn họa sĩ Đỗ Đình Hợp nhận định: “Việc tổ chức triển lãm Phượng không chỉ hướng tới thị trường hội họa nói chung, thị trường tranh nude nói riêng mà hơn hết, chúng tôi muốn giới thiệu một thứ văn hóa thực sự đẹp tới gần hơn với công chúng”.
Hoàng Quân