Một yếu tố quan trọng đem lại đa dạng nguồn thu nhập chính là bản sắc riêng của nghệ sĩ.

 
Thái Tuệ Thứ Sáu | 24/01/2025 15:00

Nghệ sĩ Việt kiếm tiền đa kênh

Năm 2025, cơ cấu thu nhập của nghệ sĩ Việt Nam từ âm nhạc sẽ trở nên đa dạng hơn, phân thành 2 nhóm: trực tiếp và gián tiếp.

Khuấy động đêm nhạc countdown cuối năm 2024, Sơn Tùng M-TP và dàn sao hạng A làm nóng Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM).

Đêm nhạc và Sơn Tùng M-TP là minh chứng điển hình cho xu hướng đa dạng hóa thu nhập của nghệ sĩ Việt Nam trong một năm đầy sôi động của thị trường nhạc Việt. Về thu nhập trực tiếp, anh thu về doanh thu “khủng” từ lượt nghe/xem của các bản hit trên các nền tảng số như YouTube, Spotify và Zing MP3. Kênh YouTube của Sơn Tùng M-TP ước tính mang lại doanh thu 81.600-1.300.000 USD (khoảng 2-32 tỉ đồng) mỗi năm. Các concert và buổi biểu diễn trực tiếp của Sơn Tùng M-TP cũng luôn thu hút đông đảo khán giả, với phí phải trả cho anh ước tính lên đến 1 tỉ đồng/show. Ngoài ra, vai trò đại sứ thương hiệu cho Ngân hàng MB và Ponnie của anh trong năm 2024 đã góp phần gia tăng đáng kể thu nhập từ quảng cáo và tham dự sự kiện.

Sơn Tùng M-TP cũng cho thấy thị trường âm nhạc Việt Nam đang trở nên sôi nổi với lượng khán giả ngày càng tăng về số lượng lẫn chất lượng. Theo dữ liệu từ Statista và We Are Social, 89% người Việt sử dụng nền tảng trực tuyến để thưởng thức âm nhạc có bản quyền, góp phần tăng thu nhập cho nghệ sĩ.

 

Các chuyên gia truyền thông và giải trí dự báo năm 2025, thu nhập của nghệ sĩ Việt Nam phân thành 2 nhóm: trực tiếp và gián tiếp. Thu nhập trực tiếp bao gồm bán album (đĩa cứng, kỹ thuật số, phát trực tuyến), vé concert, quảng cáo và xuất hiện tại các sự kiện. Thu nhập gián tiếp đến từ thương mại hóa thương hiệu cá nhân của nghệ sĩ qua nhượng quyền, nội dung số (phim ảnh, truyện tranh, YouTube), dịch vụ fanclub và bán merchandise.

Doanh thu trực tiếp từ quảng cáo và sự kiện vẫn chiếm phần lớn cơ cấu thu nhập của nghệ sĩ. Tuy nhiên, các nguồn thu nhập trở nên đa dạng hơn trong thời gian gần đây nhờ sự xuất hiện của việc phân phối nhạc qua nền tảng trực tuyến, các chương trình ca nhạc và dịch vụ gián tiếp khác. Việc áp dụng mô hình thu nhập đa dạng giúp nghệ sĩ Việt Nam tận dụng tối đa sức mạnh từ người hâm mộ, đạt được ổn định tài chính và thúc đẩy sự phát triển sự nghiệp bền vững của mình.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên cấp cao ngành truyền thông chuyên nghiệp, Đại học RMIT, cho rằng điều này giúp nghệ sĩ giảm mức độ bị chi phối bởi thương hiệu và các nhãn hàng, đồng thời tăng sự hiện diện cá nhân và phát triển âm nhạc theo tiêu chuẩn toàn cầu.

Tuy nhiên, cơ hội đem lại nguồn thu nhập đa dạng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho nghệ sĩ. Để tận dụng các cơ hội này, nghệ sĩ phải phát triển nhiều kỹ năng mới, mở rộng hoạt động vào những lĩnh vực giải trí khác nhau và học cách quản lý tài chính để đưa ra các quyết định thông minh, đồng thời vẫn phải duy trì chất lượng âm nhạc và hình ảnh cá nhân. Cạnh tranh trong ngành cũng tăng lên khi nghệ sĩ phải luôn giữ được sự nổi bật và tham gia vào nhiều nền tảng khác nhau.

Đối với thương hiệu, nguồn thu nhập đa dạng của nghệ sĩ giúp họ có nhiều lựa chọn hợp tác hơn. Những nghệ sĩ hiểu biết về thương hiệu và tiếp thị sẽ trở thành đối tác hấp dẫn hơn. Đồng thời, việc hợp tác này cũng giúp nghệ sĩ tăng khả năng lan tỏa âm nhạc của mình.

 

“Nghệ sĩ cần thương hiệu để được hỗ trợ, giúp bài hát đến gần khán giả hơn. Thương hiệu cũng cần nghệ sĩ để nâng cao hình ảnh. Đây là mối quan hệ qua lại, thương hiệu cũng rất cân nhắc khi chọn nghệ sĩ hợp tác với mình. Nghệ sĩ không chỉ có tài năng mà còn hiểu biết kinh tế, hướng tới việc kinh doanh bền vững trong tương lai”, á hậu Phạm Hồng Thúy Vân, nhà sáng lập và CEO SHeGAN, phân tích.

Đồng quan điểm, nhạc sĩ, DJ, nhà sản xuất âm nhạc người Pháp gốc Việt Nodey đang hoạt động âm nhạc tại Việt Nam cũng cho biết: “Các nhãn hàng tìm đến tôi và tôi cũng cần tiền, đó là cách nhãn hàng vận hành ở Việt Nam. Tôi làm khá nhiều nhạc dùng cho quảng cáo, đó cũng là nguồn thu nhập chính của tôi. Tôi hiểu, cuối cùng thì mục đích của họ vẫn là bán được sản phẩm. Cho nên tôi không muốn thay đổi quá nhiều mà là tìm cách cân bằng”.

Một yếu tố quan trọng đem lại đa dạng nguồn thu nhập chính là bản sắc riêng của nghệ sĩ. Ngày càng nhiều nghệ sĩ tự kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất âm nhạc, từ việc viết lời, sáng tác giai điệu, sản xuất cho đến xây dựng hình ảnh cá nhân. Việc này giúp họ thể hiện cá tính âm nhạc, đồng thời đảm bảo sự nhất quán và độc đáo trong sản phẩm của mình. Qua đó, nghệ sĩ có thể truyền tải câu chuyện cá nhân, cảm xúc và thông điệp một cách chân thực hơn, từ đó tạo ra sự kết nối sâu sắc hơn với khán giả.
Bà Nghiêm Phương Thảo, sáng lập kiêm CEO VMIN (Vietnam Music Industry Network), nhận xét: “Việc nghệ sĩ có khả năng xây dựng bản sắc cá nhân đang rất được chú trọng trong thị trường âm nhạc. Điều này được thể hiện khá rõ trong thế hệ nghệ sĩ trẻ, khi họ chia sẻ những câu chuyện đời tư, những thách thức tinh thần và ước mơ của mình. Họ hiểu rõ tầm quan trọng của việc dùng câu chuyện cá nhân trong hành trình phát triển nghệ thuật và sử dụng các công cụ như mạng xã hội, Reels để tương tác với người hâm mộ”.