_12116636.png)
Trần Mạnh Tuấn chọn kể một câu chuyện thật thà, giản dị, nơi âm nhạc trở thành phương tiện để chạm đến trái tim người nghe. Ảnh: TL
Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn: Tiếng kèn tái sinh
Thong Dong là hành trình tôi viết cho chính mình, sau những ngày nằm lặng trong bệnh viện, lắng nghe từng nhịp thở, từng nhịp tim, để hiểu rằng tự do lớn nhất là biết sống trọn vẹn trong hiện tại”, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn chia sẻ trong buổi giới thiệu tác phẩm vào một ngày cuối tháng 4/2025.
Với Thong Dong, Trần Mạnh Tuấn không cố gắng trình diễn hay chinh phục kỹ thuật. Anh chọn kể một câu chuyện thật thà, giản dị, nơi âm nhạc trở thành phương tiện để chạm đến trái tim người nghe. Tiếng kèn của anh lần này không chỉ là một trải nghiệm thính giác mà còn là một hành trình nội tâm vừa sâu lắng vừa bay bổng, dẫn dắt cảm xúc bình an. “6 năm trước tôi đã thầm nghĩ sẽ có lúc mình phải sống chậm lại và an nhiên hơn nhưng sự đam mê cháy bỏng đã khiến tôi không kìm chế được bản thân, nên mọi chuyện mới xảy ra và bị chậm lại sớm hơn dự định. Bây giờ, tôi cũng dần hồi phục để nhìn cuộc sống chậm hơn, để được quay trở lại với âm nhạc ở một tâm thế khác an nhiên và thiền định hơn. “Thong Dong là buông bỏ phiền muộn, là sự giàu có của nội tâm”, anh nhắc đến hành trình trở về từ cái chết sau 4 lần mổ não cho đến sáng tác nhiều ý nghĩa ở hiện tại.
Theo chị Kiều Đàm Linh, bạn đời của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, gia đình nhiều lần nghĩ đến tình huống xấu nhất. Người thân từng chọn trước mộ phần cho chồng chị ở Huế, nằm bên cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. May mắn là sức khỏe của anh hồi phục thần kỳ.
Trên trang cá nhân, nam nghệ sĩ từng viết: “Tròn một năm tập luyện phục hồi chức năng cùng sự tận tình của các bác sĩ, sự yêu thương của người yêu tiếng kèn Trần Mạnh Tuấn, gia đình và đặc biệt là người bạn đời, Tuấn đã hồi phục một cách ngoạn mục”.
![]() |
Khi rời chiếc xe lăn, có thể đi bình thường, chơi lại saxophone, trước sáng tác Thong Dong, Trần Mạnh Tuấn đã thực hiện album Mùa Thu Cho Em dành tặng vợ, như một cách thể hiện lòng biết ơn người đã có 30 năm dài yêu thương đồng hành cùng anh. Nói về người bạn đời của mình, anh xúc động chia sẻ: “Có 2 trạng thái cảm xúc khiến người ta thăng hoa trong nghệ thuật, đó là rất đau khổ hoặc rất hạnh phúc, tôi thuộc trường hợp thứ 2. Có những lúc tôi chỉ cần nhìn vào ánh mắt của vợ mình là đủ biết phải sống tiếp và phải thổi kèn hay hơn”.
Chị Đàm Kiều Linh cũng cho biết: “Điều đầu tiên anh quay lại nghệ thuật sau bạo bệnh không phải đi diễn show, diễn sự kiện mà anh dành thời gian tham gia, biểu diễn tại các hoạt động thiện nguyện”. Chị kể trong một chương trình thiện nguyện, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã bán đấu giá chiếc kèn saxophone cổ được 1 tỉ đồng. Và tại một sự kiện khác ở Đà Lạt, anh tiếp tục bán đấu giá được 1 tỉ đồng nữa. 2 tỉ đồng này được nam nghệ sĩ đóng góp vào Quỹ Từ thiện Nâng Bước Tuổi Thơ để điều trị cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mắc dị tật, thương tật về mắt, hàm mặt, các bệnh lý tim mạch bẩm sinh, bệnh mạch máu...
Trước đó, vào tối 1/4, mặc dù vừa bị bệnh nặng, dù tay run, bước đi không vững nhưng nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn vẫn quyết tâm tập luyện và đến biểu diễn đầy thăng hoa tại đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
An Trần, cô con gái tài năng nối nghiệp cha, từng nghẹn ngào nói về biến cố sức khỏe của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn: “Bố là người thầy lớn nhất trong đời tôi, không chỉ về âm nhạc mà còn về cách sống. Có những khoảnh khắc tôi chỉ cầu mong bố được khỏe mạnh, dù không còn thổi kèn cũng được. Nhưng bố vẫn cố gắng đứng dậy, vẫn tập thổi từng chút một. Với tôi, bố là hình ảnh của lòng kiên cường không bao giờ chịu khuất phục”
“Tôi hợp với những gì mộc mạc, chân phương” Đâu là lý do tình cảm vợ chồng anh bền chặt suốt 30 năm nay? Nhiều người thấy tôi thường đeo xâu tràng hạt trên cổ thì hỏi: “Anh tu đấy à?”. Bộ quần áo tôi mặc cũng vậy, bằng vải thô. Thực ra không phải tôi tu tập mà đó là cách sống, quan niệm sống của tôi, cứ tiết giản, mộc mạc. Cơ bản là tôi hợp với những gì mộc mạc, chân phương. Tình cảm vợ chồng tôi gắn bó cũng mộc mạc, chân phương như thế. Nhạc jazz hòa tấu của anh thuộc loại nhạc kén tai nghe. Vậy lý do nào nhạc anh vẫn bán chạy với số lượng đĩa lớn? Trong cuộc sống hối hả, mọi người đều bận rộn, ngồi với nhau chung một bàn mà cũng không ai nói với ai câu nào, chỉ cắm mặt vào iPad, iPhone. Chính trong đời sống hiện đại quá bận rộn và công nghệ như vậy mà mỗi người cần những giờ phút thực sự thư giãn. Người châu Á chúng ta lại rất nhạy cảm, rất thích những gì mềm mại, lãng mạn, êm đềm... Và thật hay là jazz đáp ứng được tất cả nhu cầu đó. Không chỉ lớp người trung niên mà chính các bạn trẻ, đa số đã cảm thấy bão hòa với dòng nhạc sôi động. Bây giờ có quá nhiều cuộc thi âm nhạc, quá nhiều game show âm nhạc, nhiều ca sĩ với hàng loạt MV... thì jazz có lối đi riêng, có lượng người ủng hộ ngày càng đông đảo.
Nhưng trước hết và trên hết, người ta vẫn biết đến anh là một nghệ sĩ saxophone nhiều hơn. Saxophone có vị trí thế nào trong đời sống âm nhạc của anh? Đúng là trước đây rất ít người biết Trần Mạnh Tuấn còn là người soạn nhạc, soạn những tác phẩm không lời, tham gia rất nhiều dự án trên thế giới, tham gia bao nhiêu cuộc giao lưu văn hóa, thậm chí tôi từng trong tình huống chỉ một tiếng đồng hồ nữa thôi, tôi phải chỉ đạo tập luyện một ban nhạc có sự giao thoa giữa 4 nghệ sĩ nhạc dân gian Việt Nam và 4 nghệ sĩ nhạc dân gian của nước Pháp cho buổi kỷ niệm 40 năm bang giao giữa Việt Nam và Pháp. Những cái đó truyền thông ít quan tâm, còn hình ảnh một saxophone gắn bó sâu đậm với tôi quá rồi. Chỉ như vậy là đủ và tôi hạnh phúc vì điều đó, bởi ít nhất mình có một cái tên trong lòng công chúng. |