Năm 2024 đánh dấu một bước quan trọng trong hành trình của A.I khi công nghệ này được đẩy mạnh trong lĩnh vực nghệ thuật. Ảnh: shutterstock.com.

 
Hồng Thu Thứ Ba | 06/08/2024 18:00

Nghệ sĩ đọ sức A.I

Cuộc tranh cãi về tận dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) để sáng tạo nghệ thuật đã lan trong giới nghệ sĩ Việt Nam.

Bản rap Nam Quốc Sơn Hà do Erik và Phương Mỹ Chi thể hiện từng đứng đầu danh sách thịnh hành trên kênh YouTube, với toàn bộ phần hình ảnh oai hùng, tươi đẹp của đất nước được thực hiện bằng công nghệ A.I. Mới đây, MV Em Ơi Ví Dầu của Đan Trường tạo hình nam ca sĩ bằng A.I nhận về nhiều ý kiến trái chiều, chủ yếu do “tay nghề” hạn chế của công ty phụ trách đã sáng tạo nên một Đan Trường A.I quá “giả trân”.

Các ví dụ trên dù ở nhiều cấp độ nhưng cho thấy thực tế là A.I đã thâm nhập vào giới sáng tác Việt Nam, còn tận dụng A.I đến đâu hay ứng xử với nó thế nào còn tùy vào mỗi nghệ sĩ. Chẳng hạn, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng nói “không quan tâm A.I”. Còn diễn viên Thái Hòa cho biết: “Sẽ chấp nhận bị A.I thay thế nếu diễn xuất của A.I khiến tôi tâm phục khẩu phục. Nhưng từ bây giờ đến lúc đó, xác định không nao núng mà càng phải trau dồi diễn xuất, sống hết mình cho nghiệp diễn”.

Trong khi đó, diễn viên Quang Tuấn không tin A.I có thể thay thế vai trò của các nhà làm phim mà nó đang và sẽ chỉ là một công cụ hữu ích cho các nhà làm phim trong việc mở rộng ý tưởng, tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao hơn trong các công đoạn kỹ xảo cũng như đưa ra được nhiều phương án hơn cho các khâu sản xuất để nhà làm phim lựa chọn.

Năm 2024 đánh dấu một bước quan trọng trong hành trình của A.I khi công nghệ này được đẩy mạnh, từ nền tảng cá nhân hóa đến các ứng dụng đa dạng trong đời sống hằng ngày, trong đó có lĩnh vực nghệ thuật.

Trên thế giới, sự giận dữ bùng nổ trong cộng đồng nghệ thuật vào năm ngoái khi các chương trình A.I có thể thực hiện những mệnh lệnh một cách thuyết phục như vẽ hình một con chó tương tự họa sĩ truyện tranh Sarah Andersen hoặc một nữ thần theo cách mà họa sĩ minh họa Karla Ortiz có thể làm... Nhiều nghệ sĩ đang chia sẻ những câu chuyện về công việc bị A.I giành mất và họ phản ứng bằng nhiều đơn kiện tập thể. Trước những khiếu nại về bản quyền từ nghệ sĩ, các công ty phần mềm A.I có khả năng tự bảo vệ bằng cách cho phép một tác phẩm sáng tạo từ A.I sử dụng phần trích đoạn hoặc xáo trộn so với bản gốc.

Tại Việt Nam, cũng có những tiếng nói mạnh mẽ phản ứng trước sự xâm lấn của A.I trong thế giới nghệ thuật. Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, người đầu tiên truyền bá phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp tới công chúng Việt Nam, vẫn phản ứng khá gay gắt với A.I. “Thứ “nghệ thuật” mà bạn thấy do A.I tạo ra là ăn bám trên những nghệ sĩ bị bóc lột. Không có nghệ sĩ nào đồng ý cho sử dụng tác phẩm của mình như vậy cả. Chúng ta không được đền bù bởi những công ty công nghệ khổng lồ đang ồ ạt bóc lột công sức của chúng ta”.

Điều khiến họa sĩ Nguyễn Đình Đăng bất bình chính là bản quyền tác giả. Theo ông, luật pháp phải được cập nhật nhanh chóng để đưa chủ của công cụ và người dùng công cụ vào giới hạn pháp luật cho phép. Nhiều tổ chức quốc tế, quốc gia như OECD, UNESCO, EU, ASEAN, Mỹ, Trung Quốc... đều đang xây dựng thể chế, chính sách và triển khai xây dựng bộ nguyên tắc thúc đẩy phát triển A.I đáng tin cậy và có trách nhiệm nhằm hạn chế tác động tiêu cực và giảm thiểu rủi ro. Điểm chung của các bộ nguyên tắc thế giới đều dựa trên lợi ích của con người, tôn trọng tính tự chủ và sự giám sát của con người đối với A.I, quyền riêng tư và quản trị dữ liệu, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Rất khó có thể dự đoán rằng A.I có thể thay thế con người đặc biệt trong lĩnh vực gắn liền với yếu tố cảm xúc như nghệ thuật. Tuy nhiên, một điều chúng ta có thể chắc chắn, sự tiến bộ đang giúp A.I ngày càng trở thành một phần không thể phủ nhận trong thế giới nghệ thuật. Mỗi ngày con người lại càng ngạc nhiên với những sáng tạo mới của A.I, cho dù là tác phẩm hội họa, văn học, điện ảnh hay âm nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: “Trong sáng tác âm nhạc, mặt tích cực của A.I là giúp nhạc sĩ hoàn thiện một bài hát trong thời gian sớm nhất mà không cần hiểu quá nhiều về nhạc lý, nền tảng từ ngữ sâu sắc, trải nghiệm cuộc sống, giảm thiểu thời gian, chi phí, đảm bảo tính “thức thời”. Còn mặt hại là cái gì không đến từ trái tim sẽ khó chạm được trái tim, đương nhiên sẽ không sâu sắc, khó tồn tại lâu dài”. 

Nhạc sĩ, ca sĩ Tăng Phúc, chủ nhân của bản hit 120 triệu view Chỉ Là Không Cùng Nhau, chia sẻ quan điểm: “Tôi cho rằng A.I không thể hoàn toàn thay thế con người trong những công việc liên quan đến nghệ thuật. Vì đa phần những công việc đó đều được xây trên nền tảng sáng tạo và cảm xúc. A.I có thể học được hoặc sáng tạo được nhưng lại không thể biểu đạt cảm xúc giống như người thật”.

Tin tốt là Việt Nam đang dựa trên kinh nghiệm quốc tế xây dựng bộ nguyên tắc riêng nhằm phát triển hệ thống A.I có đạo đức, trách nhiệm. Bên cạnh đó, các công ty công nghệ thế giới đã hoàn chỉnh những công cụ như Glaze, Nightshade để bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật khỏi A.I và thậm chí công cụ Nightshade còn có năng lực đầu độc A.I. Và tương lai tốt nhất cho A.I là khả năng sống chung với con người. Khi đó, sự kết hợp giữa công nghệ và con người cũng mang lại những đột phá đáng kể trong nghệ thuật. A.I hoàn toàn có thể trở thành một công cụ để thúc đẩy và hoàn thiện hơn năng lực sáng tạo của con người.