Trong năm đầu tiên, Áo dài Năm Tuyền tung ra thị trường khoảng 2.000 chiếc áo dài ngũ thân. Ảnh: TL

 
Văn Khoa Thứ Năm | 10/04/2025 14:48

Nghệ nhân Áo dài Năm Tuyền: Người cũ nối lại nghề xưa

Đối với nghệ nhân Năm Tuyền, áo dài ngũ thân không chỉ là tình yêu mà còn là trách nhiệm với văn hóa mặc của người Việt.

Văn hóa mặc không đơn thuần là thời trang mà còn là di sản. Câu chuyện về chiếc áo dài luôn đầy sức sống và thú vị. Tất nhiên, để di sản có thể tiếp biến vào đời sống thì cần những sáng tạo thiết thực, gần gũi và đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng. Mà muốn tiếp biến hài hòa, trước hết phải hiểu rõ và hiểu đúng giá trị cốt lõi của nó.

Theo nghệ nhân Năm Tuyền (Phạm Văn Tuyền), trên thị trường hiện nay, áo dài nam có 2 loại. Phổ biến nhất là kiểu áo lai Ấn Độ, thường được mặc định là áo dài. Với kiểu áo này, vải nào may cũng được, tiết kiệm nguyên phụ liệu, may nhanh, phom dáng dễ định hình, giá thành vì thế rẻ hơn. Áo ngũ thân mới phổ biến trong vài năm trở lại đây, khó may hơn và nghe xưa cũ hơn nên ít tiệm cận.

“Vì áo có thân liền với tay, trước sau liền nhau nên để không co dúm, không phải vải nào cũng phù hợp. Thứ 2, áo nhìn tuy đơn giản nhưng để may đẹp hài hòa phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật xử lý của người thợ. Thứ 3, ở một số công đoạn, áo ngũ thân cần làm thủ công chứ không may bằng máy toàn bộ nên giá thành và thời gian hoàn thành lâu hơn. Với áo may 2 lớp, từng chiếc cúc cũng được làm thủ công bằng chính vải áo và khâu tay để không bị lộ chỉ khâu ở mặt trong làm mất thẩm mỹ của áo”, ông nói.

Con đường gắn bó với áo dài ngũ thân của nghệ nhân Năm Tuyền dẫu chỉ mới bắt đầu cách đây 7 năm nhưng đã để lại nhiều dấu ấn. Bởi ông đã thành công xây dựng quy trình may một cách bài bản, khoa học và chuyên nghiệp trong tất cả các khâu, từ thiết kế cho đến vận hành, sản xuất. Còn chủ nhân của nó đã bén duyên với chiếc áo dài từ những ngày còn là cậu học sinh cấp 3 yêu nghề may trên quê hương Thái Bình. Tốt nghiệp cấp 3, ông lại theo học nghề cơ khí. Mãi đến khi học xong, ông mới trở lại với nghề may như một sự run rủi lạ kỳ. Năm 1992, ông vào làm cho một hãng chuyên may đồ cưới nước ngoài tại TP.HCM. 5 năm sau đó, ông rời vị trí quản lý và mở một cửa hàng may nhỏ. Trải qua hơn 30 năm, thương hiệu áo cưới A Soẻn của ông từng bước khẳng định vị thế trong ngành may đồ cưới trong và ngoài nước, với phong cách áo cưới Âu đạt chuẩn quốc tế.

Mặc dù vươn lên dẫn đầu ngành áo cưới ở thị trường xuất khẩu nhưng nghệ nhân Năm Tuyền vẫn canh cánh tình yêu dành cho áo dài - chiếc áo thi thoảng ông vẫn may theo đặt hàng. Nhiều năm qua ông luôn trăn trở trước sự mai một của văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa mặc. Cuộc hội ngộ với Câu lạc bộ Đình Làng Việt và sau đó là với Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, người có nhiều đam mê với áo dài ngũ thân trong Đề án Huế - Kinh đô Áo dài, đã tiếp thêm cho ông động lực dấn thân. “Trước tiên, cần phải khẳng định, áo dài Năm Tuyền không phải là ngã rẽ của tôi mà là tôi có thêm một công việc. Phong trào mặc cổ phục, trong đó có áo dài ngũ thân, đã rộ lên cách đây 5-6 năm. Trên hành trình đó, tôi được truyền lửa từ tình yêu và lòng say mê của các bạn trẻ. Kiến thức, nghiên cứu của các bạn trẻ giúp tôi tiếp cận nhiều tư liệu quý và hiểu thêm về áo dài ngũ thân”, ông nói.

Ông cho rằng, để áo dài ngũ thân được lan tỏa, trước hết bản thân chiếc áo phải tạo sự thoải mái và dễ chịu cho người mặc. “Nhìn thấy áo phải đẹp, sờ vải thấy thích, mặc vào thấy dễ chịu, giặt ủi thuận tiện, làm gì cũng tiện dụng, thoải mái để mặc một lần, lần sau vẫn muốn mặc lại. Thứ đến, giá thành cần nằm trong mức tiếp cận được. Nếu không bảo đảm được 2 yếu tố này thì có khuyến khích, kêu gọi thì áo vẫn rất khó được ưa chuộng và phổ biến”, ông nói.

Vậy nên, ông bắt đầu khảo sát, phân tích chỉ số cơ thể nhằm quy ra kích cỡ quy chuẩn như Âu phục. Tiếp đến, ông bắt tay chuẩn hóa quy trình, từ chọn chất liệu đến khâu cắt may, sản xuất, thành phẩm. Để có được quy trình này, Năm Tuyền đã đặt áo ngũ thân từ khắp nhiều vùng miền trong cả nước, mặc thử suốt một thời gian, chọn ra những điểm cầu tiến nhất. Hiện Áo dài Năm Tuyền có thể may cùng nhiều chất liệu vải khác nhau. Áo cũng có thể giặt ủi thoải mái, ít hoặc không bị nhăn, tiện lợi cho việc mặc, gấp lại hay vận chuyển. Áo ngũ thân có nhiều dòng, từ tay thụng đến tay chẽn. Ngoài ra, còn có thêm áo Nhật Bình và các dòng áo dài dạ hội.

Trong năm đầu tiên, Áo dài Năm Tuyền tung ra thị trường khoảng 2.000 chiếc áo dài ngũ thân. 90% áo dài ngũ thân Năm Tuyền sản xuất là nam, còn lại là áo nữ. Hiện tại, mỗi chiếc áo dài ngũ thân thương hiệu Năm Tuyền được bán với giá từ 1,7 triệu đồng, mức giá nhiều người có thể tiếp cận. Thương hiệu này còn có thêm dịch vụ cho thuê áo với giá thấp hơn thị trường khoảng một nửa. Tất nhiên, để có được mức giá này, ông Tuyền đã chấp nhận hy sinh lợi nhuận của thương hiệu. Ông nói rằng việc làm áo dài ngũ thân với ông không đơn thuần là tình yêu, đam mê mà còn là trách nhiệm của ông với nghề may, với văn hóa mặc của người Việt.