Ảnh: Quý Hòa
Ngành vàng chữa lành
Trên khắp thế giới và tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 và những tác động của nó đã trở thành động lực thúc đẩy lĩnh vực trị liệu tâm lý với sự đa dạng chưa từng có về phương pháp cùng các mô hình hoạt động.
Căn bệnh thời đại
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ 2 gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Nếu trước kia người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60-65 tuổi, thì hiện nay, trầm cảm có xu hướng trẻ hóa. Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), khoảng 8-29% trẻ em trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.
WHO cũng cho thấy, đại dịch COVID-19 là một sang chấn, sang chấn đó vừa gây tổn thương cơ thể vừa gây tổn thương về tinh thần nghiêm trọng dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần rất lớn.
Sức khỏe tinh thần bao gồm sự thích nghi với cuộc sống, khả năng đối phó với stress, khả năng duy trì các mối quan hệ xã hội. Những người bị stress mà không đối phó thích ứng kịp thì sinh ra rối loạn tâm thần. Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho biết: “Tài liệu khoa học thống kê hằng năm cho biết người mắc bệnh tâm thần chiếm đến 1/4 dân số, bao gồm các loại bệnh từ nặng đến nhẹ”.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiến, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, bệnh lý tâm thần hiện nay đã thay đổi hoàn toàn. Nếu trước đây bệnh viện thường tiếp nhận các ca tâm thần phân liệt thì nay rối loạn tâm thần do nghiện chất ngày càng tăng như nghiện rượu, ma túy, game. Đặc biệt, các bệnh lý trầm cảm, lo âu, stress cũng tăng. Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi bị rối loạn tâm thần như tự kỷ, tăng động, chậm phát triển tâm lý. Nguyên nhân thường do áp lực học tập, căng thẳng trong gia đình.
Theo thông tin của Bệnh viện Vinmec, tại các cơ sở y tế chuyên khoa Việt Nam, số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20-30% mỗi năm. Nhu cầu điều trị các bệnh liên quan cũng gia tăng, đòi hỏi có những liệu pháp điều trị tương ứng, nhất là trong lĩnh vực du lịch trị liệu.
Tỉ USD từ du lịch kết hợp trị liệu
Giám đốc Truyền thông của một tập đoàn khách sạn hạng sang cho biết, trước đại dịch họ chỉ tập trung vào các dịch vụ spa truyền thống. Giờ đây, mọi chi nhánh của khách sạn đều tổ chức các đợt đi bộ ngắm cảnh, thiền, yoga với sự dẫn dắt của chuyên gia trị liệu tâm lý.
Nhiều địa phương đã có các chương trình du lịch trị liệu chữa lành. Chẳng hạn, tour khám phá An Giang của du thuyền Victoria Mekong có lớp Hatha Yoga kết hợp thiền, vào chùa nghe thuyết pháp. Hay nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp đang có chương trình trị liệu thân tâm được yêu thích. Tuy nhiên, so với Thái Lan hay Ấn Độ thì Việt Nam chưa khai thác được nhiều từ lĩnh vực ngày càng sôi động này.
Lĩnh vực du lịch y tế của Ấn Độ năm 2020 ước tính trị giá 5-6 tỉ USD, trong đó chiếm tỉ trọng lớn là y học cổ truyền với các phương pháp trị liệu tâm lý lâu đời. Tour chữa lành của Ấn Độ từ miễn phí cho đến có tính phí với giá có thể lên tới 10.000 USD/tuần. Các điểm đến của tour tính phí thường là trang trại biệt lập rộng vài chục ha, có cách tổ chức, phục vụ bài bản.
Cùng với Ấn Độ, Thái Lan cũng là quốc gia đang làm tour trị liệu tâm lý gần như tốt nhất thế giới, trong đó chương trình ở Làng Mai được khá nhiều người Việt biết tới. Ngành trị liệu tâm lý tại nước này còn có các dịch vụ chữa trị cho người nghiện, bao gồm nghiện game, nghiện công việc, nghiện rượu đến nghiện tình dục và cả ma túy. Giá điều trị tại các resort hạng sang lên đến 16.000 USD/tháng.
Sau đại dịch, du lịch chăm sóc sức khỏe là cách hiệu quả để thu hút thân chủ từ nước ngoài và giữ họ quay trở lại những năm sau đó. WHO định giá nền kinh tế chăm sóc sức khỏe toàn cầu, dựa trên dữ liệu năm 2018, là 4.500 tỉ USD (hơn một nửa tổng chi phí y tế toàn cầu, trị giá 7.800 tỉ USD). Theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Toàn cầu, du khách thế giới đã thực hiện 691 triệu chuyến đi chăm sóc sức khỏe vào năm 2015, nhiều hơn 104,4 triệu so với năm 2013. Du lịch chăm sóc sức khỏe là thị trường trị giá 639 tỉ USD vào năm 2017, dự kiến đạt 919 tỉ USD năm 2022.
Nhìn lại Việt Nam, mô hình kinh doanh du lịch trị liệu tại Việt Nam còn ít sản phẩm trong khi sản phẩm lại thiếu tính đặc sắc, nên chưa đủ sức hấp dẫn du khách. Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, nguyên nhân chính khiến du lịch trị liệu vẫn bị bỏ ngỏ ở Việt Nam là do ngành du lịch chưa nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng cũng như chưa có định hướng, chính sách cụ thể trong việc phát triển loại hình này, mặc dù nhu cầu của khách du lịch tới Việt Nam được trải nghiệm mô hình này là rất lớn.
Minh chứng cho điều đó, năm 2018, khi COVID-19 chưa bùng phát có 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng và chi tiêu 2 tỉ USD. Trong khi đó, hằng năm cũng có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh kết hợp du lịch và chi tiêu tới cả tỉ USD.
Để du lịch chữa lành có thể phát triển mạnh mẽ, các chuyên gia cho rằng ngành du lịch cần phối hợp với ngành y tế để đưa ra các giải pháp mở rộng loại hình du lịch này. Sự liên kết giữa 2 ngành để xây dựng bộ tiêu chí chuẩn hóa các dịch vụ, quy trình khám, chữa bệnh tại những cơ sở du lịch; có chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xúc tiến quảng bá loại hình du lịch sức khỏe ở cả trong và ngoài nước... sẽ là những yếu tố quyết định thành công của du lịch chữa lành tại Việt Nam.