
Với đóng góp 1,3 nghìn tỉ USD, Trung Quốc được dự đoán sẽ vươn lên dẫn đầu toàn cầu trong thập kỷ tới. Ảnh: TL
Ngành du lịch đóng góp hơn 10 nghìn tỉ USD cho kinh tế toàn cầu
Bất chấp những thách thức như áp lực khí hậu và sự quá tải du lịch tại nhiều địa phương, ngành du lịch toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Theo Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới (WTTC), ngành này đã đóng góp 10,9 nghìn tỉ USD vào nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
Báo cáo Xu hướng Tác động Kinh tế năm 2024 của WTTC cho thấy, ngành du lịch đang trên đà tăng trưởng bền vững. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo quy mô ngành này sẽ đạt 16 nghìn tỉ USD vào năm 2034, chiếm hơn 11% GDP toàn cầu.
Du lịch là động lực kinh tế chính của nhiều quốc gia, tạo ra việc làm, cơ sở hạ tầng và kết nối toàn cầu. Biểu đồ dưới đây nêu bật 10 quốc gia hàng đầu theo quy mô nền kinh tế du lịch, bao gồm mọi thứ từ lưu trú tại khách sạn và chuyến bay đến các điểm tham quan và dịch vụ.
![]() |
Theo WTTC, Mỹ tiếp tục giữ vị trí nền kinh tế du lịch lớn nhất thế giới trong năm 2024, với mức đóng góp kỷ lục 2,36 nghìn tỉ USD, gần gấp đôi so với quốc gia đứng thứ 2 là Trung Quốc. Mỹ được hưởng lợi từ ngành du lịch nội địa phát triển mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và các điểm đến mang tính biểu tượng toàn cầu như: New York (thành phố được ghé thăm nhiều thứ 8 trên thế giới), Las Vegas và các công viên quốc gia rộng lớn.
Với đóng góp 1,3 nghìn tỉ USD, Trung Quốc được dự đoán sẽ vươn lên dẫn đầu toàn cầu trong thập kỷ tới, nhấn mạnh vai trò là trung tâm chính cho cả du lịch quốc tế và trong nước. Thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và sự tập trung vào phát triển du lịch tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng. Điều này bao gồm một số chính sách, trong đó có việc nới lỏng các hạn chế về thị thực và đưa ra các chính sách mua sắm hoàn thuế mới. Đáng chú ý trong danh sách top 10, Nhật Bản đã vươn lên vị trí thứ 4, với mức đóng góp 297 tỉ USD.
Trong khi các “ông lớn” truyền thống như Đức, Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha vẫn giữ vững vị trí trong top 10 nền kinh tế du lịch hàng đầu thế giới. Tất cả các quốc gia này đều được hưởng lợi từ di sản văn hóa phong phú cũng như hệ thống đường sắt và đường hàng không thuận tiện. Các nền kinh tế châu Á như Hồng Kông, Malaysia và Philippines cũng đang nhanh chóng nổi lên như những cường quốc du lịch khu vực.
Nhiều quốc gia cũng ghi nhận mức chi tiêu du lịch quốc tế tăng vọt so với thời kỳ trước đại dịch, bao gồm: Ả Rập Xê Út (tăng 91,3%), Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 38,2%), Kenya (tăng 33,3%), Colombia (tăng 29,1%), Ai Cập (tăng 22,9%).
Ấn Độ đã có bước tiến nổi bật, hiện xếp thứ 8 thế giới về quy mô kinh tế du lịch, với mức đóng góp 231,6 tỉ USD, tăng hạng so với vị trí thứ 10 trước đó. Thành tựu này cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Ấn Độ trong ngành du lịch toàn cầu, và WTTC dự báo quốc gia này sẽ vươn lên vị trí thứ 4 trong thập kỷ tới.
Có thể bạn quan tâm: