Mỗi giờ tình nguyện viên dành cho người cao tuổi sẽ được ghi vào tài khoản mở tại ngân hàng. Ảnh: TL.

 
Cẩm Tú Thứ Tư | 24/07/2024 16:55

Ngân hàng thời gian: Sáng kiến mới trong "nền kinh tế tóc bạc"

Để giảm tác động kinh tế từ dân số già, mô hình ngân hàng thời gian đã ra đời, mang lại hiệu quả cao khi có thể hỗ trợ người cao tuổi.

Do giáo sư luật người Mỹ Edgar Cahn phát triển vào những năm 1980, mô hình Ngân hàng thời gian hiện nay được khoảng 20 quốc gia áp dụng, với cơ chế hoạt động là khuyến khích công dân thực hiện các dịch vụ cộng đồng để đổi lấy các vật phẩm hoặc dịch vụ công khác. Mô hình này đang tỏ ra hiệu quả ở một số nước đẩy mạnh việc sử dụng ngân hàng thời gian hỗ trợ người lớn tuổi.

Tại Thụy Sĩ, từ năm 2015, thành phố St. Gallen đã triển khai mô hình ngân hàng thời gian dựa trên cơ chế cung cấp và nhận dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, mà không cần thông qua tiền làm phương tiện trao đổi. Cứ một tiếng làm việc, tình nguyện viên sẽ đổi được 1 tiếng đồng hồ tín dụng, sau đó đánh dấu “có” vào tài khoản của mình, hoạt động thông qua hệ thống an sinh xã hội. Sau đó, khi đến độ tuổi cần giúp đỡ, họ có thể dùng tài khoản này để nhận sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên khác.

Từ năm 2018, Thái Lan cũng bắt đầu thử nghiệm dịch vụ ngân hàng thời gian và đến nay đã có khoảng 80 ngân hàng thời gian đang hoạt động trên khắp đất nước chùa Vàng. Cùng với sự hỗ trợ của Quỹ Xúc tiến Y tế Thái Lan và mạng lưới của tổ chức Ngân hàng thời gian Thái Lan, mô hình này nhận được sự tham gia đông đảo của cộng đồng tại thành phố lớn Bangkok, với phạm vi dịch vụ đa dạng bao gồm: lái xe, làm việc nhà, làm vườn, làm tóc và chăm sóc bệnh nhân cao tuổi nằm liệt giường. Mọi người tham gia vào hệ thống sẽ chủ động thiết lập mối quan hệ tin cậy và trực tiếp trải nghiệm những dịch vụ mà ngân hàng thời gian mang lại.

Tình nguyện viên không nhận lương cho những công việc này. Thay vào đó, họ được trả “xu thời gian” để có thể đổi miễn phí các dịch vụ hỗ trợ khi đến tuổi 75. Nguồn: Colipot
Tình nguyện viên không nhận lương cho những công việc này. Thay vào đó, họ được trả “xu thời gian” để có thể đổi miễn phí các dịch vụ hỗ trợ khi đến tuổi 75. Nguồn ảnh: Colipot.

Với Trung Quốc, quốc gia có hơn 264 triệu người từ 60 tuổi trở lên, mô hình ngân hàng thời gian phần nào bù đắp khoảng trống trong hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi. Từ năm 2018, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống ngân hàng thời gian và đề nghị khởi động kế hoạch thí điểm ở địa phương, sau đó nhân rộng và triển khai trên toàn quốc.

Tại quận Hồng Kiều ở phía Tây thành phố Thượng Hải, chính quyền quận đang triển khai một lực lượng chăm sóc mới. Người cao tuổi trong khu vực được chia thành 2 nhóm: từ 60-75 tuổi và người trên 75 tuổi. Nhóm người ít tuổi hơn được khuyến khích chăm sóc những người nhiều tuổi hơn. Mô hình này cũng được triển khai ở các thành phố Nam Kinh, Bắc Kinh. Những người cao tuổi được hướng dẫn sử dụng các loại dịch vụ hỗ trợ, học cách sử dụng máy vi tính, thiết bị thông minh, được đưa đi khám bệnh, hoặc làm việc vài giờ ở công ty. Tình nguyện viên không nhận lương cho những công việc này. Thay vào đó, họ được trả “xu thời gian” để có thể đổi miễn phí các dịch vụ hỗ trợ khi đến tuổi 75.

Còn ở Ấn Độ, ngân hàng thời gian đang được mở rộng tại thành phố Dehradun, bang Uttarakhand. Mỗi giờ tình nguyện viên dành cho người cao tuổi sẽ được ghi vào tài khoản mở tại ngân hàng. Đến khi những tình nguyện viên này có nhu cầu, sẽ có các tình nguyện viên khác đến hỗ trợ họ. Đã có hơn 600 tình nguyện viên thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau đăng ký làm thành viên ngân hàng thời gian ở Dehradun.

Có thể bạn quan tâm:

Công trình văn hóa cho thành phố 10 triệu dân