Chúng ta phải tôn trọng và thực thi văn hóa địa phương thì mới có thể hòa nhập tốt. Ảnh: shutterstock.com.
Nền tảng cho công dân toàn cầu
Sau khi dạy ở San Francisco State University một thời gian, một đại học ở Phần Lan đã mời tôi làm giáo sư thỉnh giảng mỗi năm một lớp cao học. Tôi hỏi ý kiến của Trưởng khoa thì ông khuyên rằng “nên đi”. Ông nói, một giáo sư phải dạy ít nhất ở 3 nơi: Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á thì mới được xem là giáo sư quốc tế. Tôi đã dạy ở Việt Nam và Mỹ rồi, qua Phần Lan dạy nữa là coi như đủ. Qua Phần Lan dạy được vài lần, tôi thấy thấm câu nói của vị Trưởng khoa. Môi trường giảng dạy và làm việc ở Phần Lan rất khác ở Mỹ hay Việt Nam. Thời gian làm việc ở Phần Lan giúp tôi hiểu sâu sắc hơn con người, xã hội, môi trường đại học và đất nước này, không như đọc sách hay đi du lịch.
Gần đây, tôi thấy từ “công dân toàn cầu” được sử dụng rộng rãi như một sáo ngữ. Người ta gắn nó vào rất nhiều thứ, kể cả các chương trình giáo dục. Nhưng ít thấy nơi nào lượng hóa một cách cụ thể thế nào là công dân toàn cầu. Nhiều nơi chỉ cần đưa một số đề tài mang tính thời trang (hay thời thượng) vào chương trình đào tạo thì đã tự nhận là giáo dục công dân toàn cầu. Việc giảng dạy hay thảo luận các đề tài mang tính thời thượng không làm cho chúng ta trở thành công dân toàn cầu vì các đề tài này đến rồi đi. Về cơ bản, công dân toàn cầu là người có khả năng làm việc và sống hòa nhập vào xã hội ở nhiều quốc gia khác nhau. Như vậy, để đào tạo ra một công dân toàn cầu chúng ta phải làm được 2 việc:
1. Đào tạo được một người có khả năng làm việc (và kiếm sống) ở nhiều quốc gia khác nhau. Bạn không thể trở thành công dân toàn nếu bạn không có khả năng làm việc và kiếm sống ở nhiều quốc gia khác nhau. Để làm được điều này, chúng ta cần phải đào tạo những kiến thức và kỹ năng để một người có thể kiếm được việc làm hoặc tự kinh doanh ở nhiều quốc gia khác nhau, thậm chí là làm việc xuyên biên giới ở nhiều quốc gia cùng một lúc.
Những ngành nghề dễ liên thông từ quốc gia này qua quốc gia khác là các ngành quản trị kinh doanh và STEM. Khi đánh giá một chương trình giáo dục công dân toàn cầu, điều đầu tiên chúng ta phải đánh giá là họ có đào tạo được những người có khả năng đi làm hoặc kinh doanh ở nhiều quốc gia hay không. Cụ thể là những cựu học viên của họ hiện nay đang làm việc ở những quốc gia nào và họ có ứng dụng được các kiến thức và kỹ năng được học ở chương trình đó vào trong công việc của họ hay không.
2. Đào tạo văn hóa toàn cầu. Mỗi quốc gia, mỗi vùng miền đều có nền văn hóa riêng. Để có thể sống hòa nhập vào một quốc gia hay một vùng miền thì chúng ta phải hiểu, tôn trọng và tuân theo các giá trị văn hóa đó. Khi chúng ta học và nghiên cứu văn hóa một cách bài bản, chúng ta sẽ biết được văn hóa không có đúng hay sai, tốt hay xấu, mà chỉ có khác biệt. Do đó, chúng ta phải tôn trọng và thực thi văn hóa địa phương thì mới có thể hòa nhập tốt. Càng hòa nhập được vào nhiều nền văn hóa khác nhau, bạn càng giống công dân toàn cầu hơn. Nếu chỉ đến du lịch hoặc sống co cụm trong cộng đồng cùng quê ở một quốc gia khác thì không thể gọi là hòa nhập.
Một trong những sai lầm cơ bản trong vấn đề văn hóa là cho rằng có một thứ gọi là “văn hóa toàn cầu”. Thật ra không có tồn tại điều này trong thực tế. Những cái gọi là “văn hóa toàn cầu” thật ra chỉ là sản phẩm của truyền thông. Học văn hóa toàn cầu không phải là học những thứ được đề cao trên CNN hay New York Times. Ngay cả người Mỹ cũng không như thế. Ở trong một quốc gia, văn hóa mỗi vùng miền cũng đã khác. Văn hóa ở Texas rất khác với văn hóa California. Thậm chí, văn hóa ở Nam California cũng khác với văn hóa ở Bắc California. Sai lầm này làm cho một số người không có khả năng hội nhập vào nhiều môi trường văn hóa đa dạng trên thế giới.
Học văn hóa toàn cầu là học sự khác biệt và tôn trọng sự khác biệt. Tôn trọng sự khác biệt không chỉ là tôn trọng văn hóa khác biệt của người khác mà còn phải tự trọng văn hóa của bản thân. Đề cao văn hóa của nơi khác nhưng hạ thấp văn hóa của quê hương thường sẽ dẫn đến sự thiếu tôn trọng từ phía người khác, như thế cũng khó có thể hòa nhập.
Am hiểu văn hóa quê hương cũng là một lợi thế cho hội nhập vào một nền văn hóa mới. Không có vốn văn hóa của quê hương, bạn khó có thể trao đổi về văn hóa với một người ở quốc gia khác. Như thế, thật khó để một người không am hiểu văn hóa quê hương có thể trở thành công dân toàn cầu. Nếu không thể hòa nhập vào chính quê hương của mình, làm thế nào có thể hòa nhập vào cộng đồng có văn hóa khác?
Sau khi được học một chương trình đáp ứng được 2 điều ở trên, bạn vẫn chưa phải là công dân toàn cầu. Bạn phải bắt tay vào thực hành, đi đến các quốc gia khác nhau để làm việc và hòa nhập vào xã hội ở những nơi ấy. Quốc gia đầu tiên mà bạn làm công dân lúc nào cũng cần một quá trình khá dài để hội nhập, cho dù chính trên quê hương của bạn. Quốc gia thứ 2 sẽ nhanh hơn và dễ hơn. Cho đến khi bạn đã làm việc và hội nhập được ở vài quốc gia ở các châu lục khác nhau trên thế giới thì bạn có thể xem mình là công dân toàn cầu.
Trở thành công dân toàn cầu là một quá trình. Bạn càng đi nhiều và hội nhập nhiều ở các nền văn hóa khác nhau thì bạn càng trở thành công dân toàn cầu nhiều hơn. Trên con đường này, nỗ lực của bản thân quan trọng hơn rất nhiều so với việc đi học một trường lớp nào đó.
Có thể bạn quan tâm: