Ảnh: Bridgeman Images.

 
Thứ Tư | 18/12/2024 13:55

Nạn xả rác tại Ấn Độ có thể được giải quyết như thế nào?

Cách giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải ở Ấn Độ rất khó khăn nhưng không phức tạp.

Panjim, thủ phủ của bang Goa của Ấn Độ, nổi tiếng với những nhà thờ xinh đẹp và những ngôi nhà theo phong cách Ấn Độ - Bồ Đào Nha. Nhưng 20 năm trước, nơi này trông giống như bất kỳ thành phố nào khác của Ấn Độ: bẩn. Khoảng 1.500 thùng rác cộng đồng tràn ngập rác hỗn hợp. Sau đó được đổ cạnh một ngôi làng gần đó, ngày một nhiều, chất thành núi. Cuối cùng, vào mùa gió mùa năm 2005, đống rác đã sụp đổ, khiến rác thải tràn vào nhà dân. Nhà nhà nổi loạn, làng làng nổi loạn, địa điểm này đã bị đóng cửa. Giới chức thành phố đã tìm kiếm một địa điểm khác nhưng không ai chịu nhận rác của họ.

Panjim ngày nay là một nơi rất khác. Thành phố đã thay thế hệ thống thùng rác bằng dịch vụ thu gom tận nhà. Các tòa nhà chung cư phải phân loại rác thải ướt (chủ yếu là thực phẩm) dùng làm phân trộn và khí sinh học, và 16 loại rác thải khô. Tiểu bang này hiện có chính sách không chôn lấp.

Phải mất thời gian, ý chí chính trị, chính sách thưởng phạt, nhưng đến năm 2021, 99% rác thải thu gom được ở Panjim đã được phân loại tại nguồn, 80% được xử lý và 90% đường phố được quét dọn hiệu quả, theo báo cáo của NITI Aayog, một nhóm nghiên cứu của chính phủ, và Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE ), một nhóm nghiên cứu khác ở Delhi. Một hệ thống sinh ra từ khủng hoảng ngày nay đã được làm ví dụ điển hình để các thành phố khác noi theo.

 

Tuy nhiên, những mô hình này vẫn là những điểm sáng biệt lập. Phần lớn Ấn Độ được bao phủ bởi một lớp túi nhựa, gói đồ ăn nhẹ, chai đựng đồ uống và chất thải hữu cơ thậm chí là chất thải của con người. 1/5 dân số không có hệ thống thu gom rác thải. Những đống rác chất đống ở các góc phố, dọc theo các tuyến đường chính và đường ray xe lửa. Vấn đề đang trở nên cấp bách hơn: các khu đô thị của Ấn Độ tạo ra khoảng 50 triệu tấn chất thải rắn đô thị vào năm 2021. Theo CSE, con số này có khả năng tăng lên 125 triệu tấn vào năm 2031. Bà Shobha Raghavan của Saahas Zero Waste, một công ty quản lý chất thải, than thở rằng: "Dù chinh phục được khoa học tên lửa nhưng chúng ta không thể triển khai hệ thống phân loại rác."

Khi lượng rác thải tăng lên, bản chất và tác hại của chúng cũng thay đổi. Hầu hết rác thải của Ấn Độ trước đây là rác hữu cơ, giờ đây, tỷ lệ rác thải không phân hủy sinh học đang tăng lên. Ấn Độ ngày nay có nhiều hàng tiêu dùng hơn và nhiều người có nhiều tiền hơn để chi tiêu cho những hàng hóa đó. Sự phát triển của thương mại điện tử và các ứng dụng giao đồ ăn đã dẫn đến làn sóng bao bì gia tăng.

Rác không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, tại các thành phố, rác còn lây lan bệnh tật và thu hút sâu bọ. Ở nông thôn, rác làm ô nhiễm đất và nguồn nước. Và ở nhiều nơi không có hệ thống thu gom hay xử lý, rác thải thường bị đốt cháy hoặc, ở các bãi chôn lấp thải ra khí mêtan, tự bốc cháy làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí của Ấn Độ.

Dưới thời thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã ưu tiên vấn đề vệ sinh. Năm 2016, chính phủ đã xây dựng các quy định quốc gia về quản lý chất thải rắn, trong đó có quy định phân loại rác thải. Vào cuối năm 2021, ông Modi đã khởi động một phiên bản mới của “Sứ mệnh Swachh Bharat” hay “Sứ mệnh Ấn Độ sạch”, chủ yếu tập trung, với một số thành công, vào việc xây dựng nhà vệ sinh và xóa bỏ tình trạng đại tiện ngoài trời. Mục tiêu của chương trình mới hơn là biến tất cả các thành phố của Ấn Độ thành nơi không có rác thải.

 

Cách giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải ở Ấn Độ rất khó khăn nhưng không phức tạp. Yếu tố quan trọng nhất là phân loại rác thải theo hộ gia đình, văn phòng và cửa hàng. Các thành phố nên bắt đầu với mục tiêu khiêm tốn, yêu cầu phân loại ướt và khô, trước khi thêm các danh mục cho rác tái chế và rác thải vệ sinh. Những động thái đơn giản, chẳng hạn như thu gom các loại rác thải khác nhau vào những ngày khác nhau, có thể giúp ích. Những nỗ lực giáo dục công dân và khuyến khích tuân thủ cũng phải nhất quán.

Các thành phố lớn nhất của Ấn Độ thường là đơn vị chậm trễ nhất. Mumbai đã ra lệnh phân loại rác thải vào năm 2016. Ông Mahendra Ananthula tại Antony Waste, một công ty xử lý phần lớn rác thải của thành phố, cho biết hiện nay chỉ có khoảng 1/4 rác thải ướt được phân loại đúng cách. Đối với một thành phố cực kỳ đông đúc, với khoảng một nửa dân số sống trong các khu ổ chuột, "đó không phải là một thành tựu tồi", ông nói. Nhưng đó cũng không phải là điều gì đó đáng để khoe khoang.

Thay vào đó, chính các thành phố nhỏ hơn đang dẫn đầu trong việc quản lý chất thải. Họ ít phải đối mặt với sự can thiệp từ các nhà lãnh đạo nhà nước hơn và ít có sự phản đối từ các chính trị gia trong việc trao cho họ một số quyền tự chủ. Họ "vẫn có khả năng quản lý tốt hơn và có thể làm điều này nhanh hơn và tốt hơn", bà Sunita Narain, giám đốc CSE cho biết.

Có thể bạn quan tâm:
Nỗi buồn của nền kinh tế từng dẫn đầu châu Âu

Nguồn The Economist