Hình ảnh minh họa: Pexels

 
Khánh An Thứ Tư | 14/12/2022 17:19

Nam giới đang có xu hướng kết hôn muộn hơn so với nữ

Đó là kết quả của cuộc điều tra biến động dân số được Tổng cục Thống kê công bố mới đây.

Hôn nhân là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới mức sinh và di cư, qua đó ảnh hưởng tới sự thay đổi của dân số. Trong Điều tra biến động dân số 2021, thông tin về tình trạng hôn nhân được thu thập cho tất cả những người từ 15 tuổi trở lên. Tình trạng hôn nhân của một người được phân thành hai nhóm: “đã từng kết hôn” và “chưa từng kết hôn”. Nhóm thứ nhất “đã từng kết hôn” là người đã từng kết hôn ít nhất một lần tính đến thời điểm điều tra, bao gồm: đang có vợ/chồng, góa, ly hôn hoặc ly thân. Nhóm thứ hai “chưa từng kết hôn” là những người chưa kết hôn lần nào (chưa có vợ hoặc chồng) tính đến thời điểm điều tra.

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu đang có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 1999-2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Tuổi kết hôn trung bình lần đầu đang có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 1999-2021. Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Xét về độ tuổi, tuổi kết hôn trung bình lần đầu (SMAM) thường được tính riêng cho từng giới. Trong báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố, số liệu SMAM được ước lượng gián tiếp thông qua tỉ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên “chưa từng kết hôn” của các nhóm tuổi từ 15-19 đến nhóm tuổi 50-54. 

Kết quả cho thấy SMAM có xu hướng tăng lên cho cả nam và nữ trong giai đoạn 1999-2021. Tuy nhiên, mức tăng SMAM của nam là cao hơn nữ và điều này đã kéo rộng thêm khác biệt giới của SMAM. Năm 2021, chênh lệch SMAM của nam và nữ là 4,2 năm.

 

Sau 22 năm kể từ Tổng điều tra dân số vào năm 1999, SMAM của nam đã tăng thêm 2,9 năm trong khi SMAM của nữ chỉ tăng 1,3 năm, chứng tỏ nam giới ngày càng có xu hướng kết hôn muộn hơn so với nữ giới.

Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy có sự khác biệt về SMAM giữa thành thị và nông thôn. SMAM của nam và nữ ở khu vực thành thị đều cao hơn nông thôn. Kết quả Điều tra biến động dân số 2021 cho thấy, chênh lệch SMAM của nam thành thị so với nam nông thôn là 1,6 năm, nữ thành thị so với nữ nông thôn là 2,9 năm. Như vậy, so với khu vực nông thôn, nam và nữ thành thị đều có xu hướng kết hôn muộn hơn.

So sánh theo vùng, cho thấy Đông Nam Bộ là vùng có SMAM cao nhất trong cả nước đối với cả nam và nữ lần lượt là 29,6 đối với nam và 26,2 đối với nữ. Vùng có SMAM thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (25,8 năm đối với nam và 21,3 năm đối với nữ). Thực tế cho thấy ở những vùng có mức độ đô thị hóa cao hơn hoặc có điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển hơn, người dân có xu hướng kết hôn muộn hơn (như các vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long). Trong khi đó, tại Trung du và miền núi phía Bắc, tỉ lệ lớn người dân tộc thiểu số sinh sống với các đặc thù về văn hóa, phong tục tập quán được xem là nhân tố chính ảnh hưởng đến quyết định kết hôn sớm của người dân trong vùng. 

Có thể bạn quan tâm 

Hai thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2022