Nếu đến thăm đất nước Myanmar vào Ngày Tết Té nước mừng năm mới hay những dịp lễ hội, chúng ta sẽ có dịp được biết đến phong tục tô mặt thanakha truyền thống được dùng trong những nghi lễ tôn giáo, và của những người phụ nữ ở đất nước này.
Thanakha là một loại mỹ phẩm lấy từ thiên nhiên đã có từ rất xa xưa trong các làng xã ở Myanmar, và được sử dụng phổ biến cho đến ngày nay. Từ thanakha, theo tiếng Myanmar, có 2 nghĩa: vừa là “Mỹ phẩm làm đẹp mặt”, vừa là “tẩy sạch”. Đúng như tên gọi của nó, loại mỹ phẩm truyền thống này có nhiều tác dụng, tuy nhiên, thanakha thường được phụ nữ Myanmar sử dụng rộng rãi với mục đích chống nắng và làm cho làn da tươi mát.
Thanakha được chế biến chủ yếu từ loại cây thanakha ở Myanmar theo một quy trình khá đơn giản và vẫn không có gì thay đổi từ suốt nhiều thế kỷ nay. Trước hết, rễ và vỏ cây được lấy ra khỏi cây rồi đem ngâm trong nước, sau đó được giã và nghiền nhỏ bằng cối và một hòn đá có mặt phẳng để trở thành một loại kem màu vàng, có hương thơm được các cô gái dùng để tô lên mặt. Phụ nữ Myanmar thường rất thích sử dụng thanakha để xoa, bôi lên mặt sau khi tắm xong. Thậm chí nhiều phụ nữ Myanmar khi đi du lịch hay đi xa nhà cũng đem theo bên mình cả thanakha cùng với một chiếc cối đá nhỏ để dùng, chẳng khác gì phụ nữ những nước khác đem theo son phấn trang điểm vậy.
Không giống như những loại phấn bôi mặt của phụ nữ các nước phương Tây, thanakha được dùng ở dạng còn tươi và giữ được hương thơm khá lâu trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở Myanmar. Nếu như phụ nữ ở những quốc gia nhiệt đới khi sử dụng các loại mỹ phẩm hiện đại vào mùa hè thường gặp nhiều khó khăn do mồ hôi chảy ra, thì với thanakha, chị em phụ nữ Myanmar không gặp phải vấn đề đó.
Phong tục tô mặt thanakha có một bề dày truyền thống quan trọng trong lịch sử Myanmar. Loại mỹ phẩm này được sử dụng không chỉ trong cuộc sống thường ngày, mà còn được dùng trong các dịp lễ nghi để thể hiện ngôi thứ, địa vị xã hội của những người phụ nữ. Vào thời Myanmar còn ở chế độ quân chủ, các cung tần và thị nữ trong triều đình hằng ngày đã phải dành ra nhiều giờ đồng hồ để chuẩn bị trước thanakha cho hoàng gia Myanmar sử dụng. Loại thanakha màu sáng và nâu nhạt có điểm xuyết các hạt bụi vàng nhỏ li ti được những phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu Myanmar sử dụng và được coi là loại thanakha quý và đẹp nhất. Những công chúa trong hoàng cung thường được dùng loại thanakha có pha lẫn với bụi vàng lấp lánh để trang điểm. Tầng lớp bình dân thường dùng loại thanakha có pha lẫn với những phấn hoa màu vàng của loại hoa gant gaw. Đây là loài hoa có hương thơm rất quyến rũ. Ngày nay, người dân Myanmar vẫn sử dụng phấn của loài hoa này để làm thanakha.
Thanakha cũng được dùng trong những nghi lễ tôn giáo. Tại chùa Mahamuni Buddha, một ngôi chùa được coi là thiêng liêng nhất ở Mandalay, Myanmar, hằng sáng thường diễn ra nghi lễ rửa mặt cho Phật bằng những chiếc khăn tẩm thanakha. Buổi lễ nào cũng có đông người đến dự. Sau khi nghi lễ rửa mặt cho Phật kết thúc, chiếc khăn đó sẽ được tặng cho những người đến dự làm kỷ vật cầu may. Một nghi lễ khác được tổ chức tại Sittwe, thủ phủ bang Rakhine vào đêm giao thừa trước Ngày Tết Té nước mừng năm mới ở Myanmar. Vào buổi tối giao thừa, các cô gái trẻ bắt đầu nghiền vỏ cây thanakha để làm thành một loại kem mịn, trong khi các chàng trai nhảy múa và chơi các nhạc cụ. Khi thanakha được chế biến xong, tất cả mọi người kéo nhau đến những ngôi chùa gần đó để làm lễ rửa mặt cho Phật.
Theo các nhà nghiên cứu, các phương pháp làm đẹp cho phụ nữ đã có trong xã hội loài người ngay từ thủa xa xưa, như người Indians ở châu Mỹ, người Ai Cập cổ và người trong những bộ lạc châu Phi trước đây cũng đã từng sử dụng nhiều loại mỹ phẩm lấy từ thiên nhiên khác nhau, tuy nhiên, ngày nay các phương pháp kể trên hầu như không còn được áp dụng nữa. Tục tô mặt còn tồn tại ở một số nơi, nhưng chủ yếu là trong những lễ hội truyền thống đặc biệt nhằm thu hút khách du lịch. Bởi vậy, việc phong tục thanakha vẫn được phụ nữ Myanmar duy trì và sử dụng rộng rãi trong thời đại ngày nay là một hiện tượng đáng chú ý, cho thấy sức sống mạnh mẽ của nền văn hóa truyền thống ở quốc gia này.
Nguồn Tour Outbound/Dân Việt