Món Pháp đương đại giữa lòng Sài Gòn ở Le Corto
Nhà hàng Le Corto nằm trên con đường khá yên tĩnh ngay phía sau lưng Nhà hát thành phố. Để thưởng thức món ăn của đầu bếp Pháp Sakal lừng danh ở Sài Gòn, 15 năm làm bếp trưởng cho khách sạn 5 sao Sofitel, thực khách phải tìm đến Le Corto.
Đẩy cửa bước vào, một không gian cổ điển u trầm nhưng hiện đại hiện ra. Chiếc cầu thang gỗ cao cao khá ấn tượng đưa bạn lên lầu, đây mới là không gian mang điểm nhấn của nhà hàng. Nếu thích yên tĩnh với phòng V.I.P thì căn phòng nhỏ xinh với 10 chỗ ngồi với tông màu đỏ đen vững chải rất thích hợp cho các cuộc gặp mặt riêng tư.
Với tôi, ngồi trong căn phòng lớn nơi có quầy bar với tiếng nhạc jazz được mở không quá to, không quá nhỏ, làm nền cho các cuộc nói chuyện vui vẻ giữa những người bạn hay các cặp tình nhân thực sự thú vị hơn.
Chủ nhân của quán, một người Pháp đã sinh sống lâu ở Sài Gòn có thú sưu tập và thưởng thức nhạc jazz đã chăm chút kỹ lưỡng cho âm nhạc của nhà hàng, tinh tế đến nỗi thứ nhạc jazz vốn khó nghe với nhiều người lại trở nên rất dễ chịu và cung cấp sinh khí vừa ấm áp, vừa vui tươi cho thực khách.
Không thể tưởng tượng lại thiếu nhạc jazz trong căn phòng bàn ghế gỗ màu gụ thâm trầm, ghế sofa êm ái màu xanh rêu, với bức tường màu bút chì than, có treo những tấm gương kiểu Âu mạ vàng, xen lẫn những tấm gương loang màu thời gian, kết hợp với trần nhà sơn đen, màu tím của những tấm ri-đô, tạo cảm giác đầy bí ẩn nhưng thật dễ chịu.
Tên của nhà hàng, Le Corto, lấy từ tên của một nhân vật truyện tranh Corto Maltese, xuất bản vào năm 1967 của tác giả Hugo Pratt, người Ý, nổi tiếng trên thế giới về thể loại truyện tranh. Corto Maltess là một thủy thủ lịch lãm, bao dung, yêu đời, thích phiêu lưu mạo hiểm, đi nhiều, giao du rộng, bạn bè nhiều. Con vật cưng của chàng thủy thủ Le Corto là chú mèo bí ẩn. Logo của Le Corto là thú cưng của chàng Le Corto.
Thật ngạc nhiên khi kiến trúc sư thiết kế nhà hàng chính là Reda Amalou, tác giả vẽ nên resort mang tên The Nam Hai ở Hội An và The Six Senses ở Côn Đảo. Ông đã tự mình chọn lựa từng chiếc bàn, chiếc ghế, tấm gương kiểu Pháp được gia công tại Việt Nam, phối hợp theo quy tắc của chính ông để tạo ra một phong cách riêng không giống bất cứ nhà hàng Pháp nào ở Sài Gòn.
Quầy bar đầy màu sắc và ánh sáng đẹp hắt ra từ ánh đèn trầm ấm khiến căn phòng thêm lung linh. Trong không gian ấy, có lẽ nên bắt đầu khám phá những món ăn Pháp vừa giữ nét truyền thống, vừa được thổi hồn nét đương đại để mang lại những thú vị bất ngờ.
Bếp trưởng Sakal chia sẻ, yếu tố đương đại được thể hiện từ chiếc đĩa thức ăn được tuyển lựa từ lò gốm miền Bắc, mang vẻ độc đáo hơn những chiếc đĩa được sản xuất hàng loạt, có vẻ thô ráp và mang tính nghệ thuật, trên đó là những món ăn được trình bày đẹp mắt như khách sạn 5 sao và hơn thế nữa, mang dấu ấn của chính Sakal.
Món ăn Pháp tất nhiên vẫn giữ lối chế biến truyền thống ở những nguyên liệu và gia vị cơ bản, tuy nhiên, đã được đầu bếp Sakal biến tấu một chút cho phù hợp với môi trường bản xứ. Chẳng hạn, hương vị Pháp nhưng sử dụng một số gia vị địa phương cho việc decór, trang trí món ăn bằng cọng rau má hay rau càng cua… mang lại hiệu quả bất ngờ. Cách trang trí món ăn của Sakal vừa truyền thống, vừa hiện đại, mang đến sự duyên dáng đến mức bạn chỉ muốn ngắm thỏa thích trước khi nhẹ nhàng chạm vào món ăn, như vẫn còn lưu luyến vẻ đẹp của nó.
Sakal chia sẻ, anh rất siêng đi chợ để tìm ra nguyên liệu mới cho món ăn, đồng thời tự mình đặt những trang trại ở Đà Lạt cung cấp những loại rau củ của Pháp và Bắc Âu đã du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây.
Những món để lại dấu ấn của nhà hàng có thể kể tên như gan ngỗng, paté gan vịt, hàu Pháp đút lò, gà nấu rượu vang, thăn bò chế biến kiểu Le Corto, sườn bò, sườn cừu nướng, heo sữa quay, cá tuyết nướng dùng kèm rau củ hầm, cá hồi, súp từ nấm quý của Pháp, cùng những đồ tráng miệng ngọt ngào như kem và yogurt đặc trưng không nơi nào có do nhà hàng thực hiện.
Theo bếp trưởng Sakal, đặc trưng của ẩm thực Pháp được thể hiện ở cách phối hợp các nguyên liệu để tạo ra sự tổng hòa tinh tế, không có vị nào nổi trội quá mạnh như quá chua hay quá cay, chua vừa đủ, cay vừa đủ, thật vừa vặn, nhẹ nhàng, tinh tế. Vị ngon đến từ sự không thái quá đó.
Chẳng hạn, để tạo ra một loại sốt nấm, Sakal ngâm nấm khô qua một đêm, hôm sau dùng nước ngâm nấm có mùi thơm thoảng nhẹ ấy để làm sốt cho món ăn. Để cảm nhận được mùi hương ấy, thực khách phải thưởng thức chậm rãi để nhận ra vẻ đẹp tinh tế của món ăn.
Thực đơn của Sakal sẽ không tìm thấy ở bất cứ một nhà hàng nào khác. Mỗi một món ăn là sự tinh hoa được đúc kết từ hương, vị và sắc của nhiều nền ẩm thực khác nhau, có một chút nhẹ nhàng, hài hòa của ẩm thực Pháp, một chút nồng nàn, ghi dấu của ẩm thực Á. Mỗi một đĩa thức ăn là cả một tác phẩm nghệ thuật được Sakal kiến tạo bằng cả tình yêu dành cho ẩm thực đủ để khiến người ăn nhớ mãi.
Giang Vũ
Nguồn Thanh Niên