Thứ Hai | 20/10/2014 09:07

Modiano và những điều chưa kể ở Trung Quốc

Modiano và Mo Yan đều là những người chỉ nổi tiếng ở đất nước của họ, cho tận đến khi trở thành chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học.
Giải thưởng Nobel Văn học là một hiện tượng toàn cầu. Là câu chuyện đang được bàn luận ở mọi quốc gia trên thế giới, nhưng riêng ở Trung Quốc, Nobel Văn học được đặt ở một vị trí vô cùng đặc biệt, bởi truyền thống văn hóa và lịch sử của những cuốn sách. Đi trước châu Âu nhiều thế kỷ, Trung Quốc đã in những cuốn sách đầu tiên từ giấy - phát minh vĩ đại của họ. Cũng vì thế mà từ lâu, đọc và học luôn rất được coi trọng trong tư tưởng người Trung Quốc.

patrick Modiano, chủ nhân giải thưởng Nobel Văn học 2014.
Patrick Modiano, chủ nhân giải thưởng Nobel Văn học 2014.

Giải thưởng Nobel Văn học vừa qua rất được chú ý ở Trung Quốc và trở thành sự kiện được tất cả các báo khai thác. Dù cho một số tiểu thuyết của Patrick Modiano đã được dịch sang tiếng Trung Quốc nhưng doanh số bán thì vẫn luôn khiêm tốn. Tuy nhiên, điều này đã hoàn toàn thay đổi khi giải Nobel được công bố, lượng tiểu thuyết củaPatrick Modiano đã được dịch trong kho sách cũng cạn kiệt, còn những ấn bản mới đang đặt sẵn dưới máy in.

Ở Trung Quốc, người ta nhận thấy ở Modiano có nét gì đó giống hệt với Mạc Ngôn (Mo Yan) - nhà văn đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến thời điểm hiện tại mang giải thưởng Nobel về cho Trung Quốc: tất cả các tiểu thuyết của cả hai nhà văn đều chỉ viết bằng ngôn ngữ gốc và sự phổ biến bị giới hạn trong khuôn khổ quốc gia. Lần này, Modiano đoạt giải và tờ nhật báo của Trung Quốc lại có dịp phát biểu lại một mệnh đề khẳng định đã từng đưa ra khi Mo Yan đoạt giải: "Chỉ khi nào hoàn toàn bắt nguồn từ những vùng đất riêng của mình, văn học mới có thể truyền bá đi khắp thế giới".

Bên cạnh đó, điều cũng được chú ý đó là sự lấn lướt của văn học Pháp trên thế giới, mà bằng chứng tiêu biểu nhất là giải thưởng Nobel Văn học thứ 15 mà người Pháp vừa mới giành được. Điều gì làm cho những tác gia Pháp thành công đến vậy?

Lưu Chấn Vân (Liu Zhenyun) - tác giả lớn nhưng ít được biết đến ở Pháp (dù đã xuất bản một vài tiểu thuyết bằng tiếng Pháp) từng phát biểu tại một hội nghị tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Bắc Kinh rằng: "Tư tưởng và tranh luận là hai điều giàu có của nước Pháp (...) Những nhà văn giỏi ở Pháp cũng là những nhà tư tưởng lớn".

Điều không kém phần thú vị là khi báo chí Trung Quốc nhắc lại danh sách các nhà văn Pháp đoạt giải Nobel, họ đã không bỏ qua Cao Hành Kiện (Gao Xingjian) - người đoạt Nobel Văn học năm 2000. Nhưng có một chuyện lạ là vào năm đó, khi Cao Hành Kiện đoạt giải, báo chí Trung Quốc gần như không đả động gì đến giải thưởng Nobel Văn học.

Nhưng ngày hôm nay, sự im lặng đó đã bị phá vỡ. Gao Xingjian đã được giới thiệu trang trọng, là một nhà văn Pháp gốc Trung Quốc, "người mở ra những con đường mới cho nghệ thuật tiểu thuyết và nghệ thuật kịch của Trung Quốc".

Nguồn Gafin/Theo DVO


Sự kiện