Theo số liệu từ Wellness Creatives, quy mô thị trường yoga tại Mỹ đạt 14,5 tỉ USD, tăng trưởng trung bình 9,8% mỗi năm. Ảnh: QH.

 
Linh Lan Thứ Bảy | 20/08/2022 07:15

“Mỏ vàng” yoga

Với lịch sử hơn 5.000 năm, yoga đã vượt ra khỏi biên giới Ấn Độ để trở thành “mỏ vàng” trong ngành chăm sóc sức khỏe.

Yoga đã từ lâu đã trở thành quyền lực mềm văn hóa vượt ngoài biên giới Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không giấu tham vọng thu về 10 tỉ USD mỗi năm từ ngành công nghiệp yoga bao gồm các lớp học và các sản phẩm đi kèm. 

Tuy nhiên, con số này còn khá ít nếu so với những thị trường khác. Theo số liệu từ Wellness Creatives, quy mô thị trường yoga tại Mỹ đạt 14,5 tỉ USD, tăng trưởng trung bình 9,8% mỗi năm. Tổ chức này ước tính ngành công nghiệp yoga toàn cầu hiện có giá hơn 88 tỉ USD, dự kiến đạt 215 tỉ USD vào năm 2025. Con số này chỉ dừng ở thống kê lợi nhuận từ các phòng tập, chưa tính đến các loại hình dịch vụ “ăn theo” như kinh doanh trang phục, thiết bị phòng tập hoặc đào tạo huấn luyện viên... Chỉ riêng các loại hình này, Wellness Creatives ước tính lợi nhuận có thể lên đến 130 tỉ USD.

 

Cuộc cách mạng chăm sóc sức khỏe

Tài liệu về môn yoga tại Việt Nam được xuất bản vào năm 1964. Trong giai đoạn nở rộ các phòng tập thể hình và trung tâm rèn luyện sức khỏe, yoga thường đi kèm với các bộ môn fitness. Cho đến giữa thập niên 2000, ngành yoga mới thực sự bùng nổ tại Việt Nam với sự ra đời của các trung tâm thể dục chuyên dụng. Xu hướng này được thể hiện qua các lớp học được đông đảo hội viên tham gia, theo ông Dane Fort, Tổng Giám đốc FLG Việt Nam, tập đoàn sở hữu thương hiệu California Fitness & Yoga.

“Họ không chỉ tìm kiếm sự cải thiện về mặt thể chất như tính dẻo dai, tốc độ và sức mạnh mà quan trọng hơn là sự cải thiện về sức khỏe tinh thần với khả năng tập trung cao độ chỉ có được khi trải qua quá trình rèn luyện thiền định có kỷ luật”, ông Dane Fort nói thêm. 

Theo dữ liệu từ Q&Me, tính đến tháng 4/2022, California Fitness & Yoga là chuỗi phòng tập thể hình lớn nhất Việt Nam với hệ thống phòng tập lên đến 36. Curves đứng thứ 2 với 27 phòng tập và Elite Fitness với 14 phòng tập. Tuy nhiên, thống kê này chưa tính đến chuỗi Yoga Plus (ra đời năm 2016) thuộc sở hữu của California Fitness & Yoga với 3 cơ sở tại TP.HCM và Hà Nội và chỉ dừng ở phân khúc cao cấp. 

Bên cạnh phân khúc cao cấp, thị trường yoga Việt còn có hàng chục phòng tập ở phân khúc trung cấp như Vyoga World (6 cơ sở), Body Fit (3 cơ sở), Human Fitness & Yoga Center, Fitness Factory - The Stronghold... cũng như hàng trăm phòng tập, câu lạc bộ trên khắp Việt Nam. Trung bình, một buổi học yoga có chi phí từ 150.000-300.000 đồng, tùy lớp học. Người Việt dành từ 2-3 buổi/tuần cho các lớp học này.

Tài liệu về môn yoga tại Việt Nam được xuất bản vào năm 1964. Ảnh: TL
Tài liệu về môn yoga tại Việt Nam được xuất bản vào năm 1964. Ảnh: TL

Tuy chưa có thống kê chính thức về quy mô của ngành công nghiệp yoga tại Việt Nam, nhưng số liệu từ Statista cho thấy lợi nhuận của ngành fitness tại Việt Nam đạt 186 triệu USD trong năm 2020.

Về quy mô của yoga trong bức tranh toàn cảnh của ngành fitness, khảo sát của California Fitness & Yoga cho thấy, trung tâm này có hơn 250.000 hội viên tham gia tập luyện với hơn 1,2 triệu lượt mỗi tháng, trong đó có đến 65% hội viên thường xuyên tham gia các lớp học yoga. Mỗi câu lạc bộ sẽ có các lớp học với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, từ 8-10 người hay 80 người, tùy lớp học và độ phức tạp. Điều này cho thấy, trong tương lai, giá trị lợi nhuận ngành yoga mang lại trong bức tranh ngành fitness chiếm hơn 50%.

 

Yoga trực tuyến 

COVID-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng cũng như thói quen tập luyện của nhiều cá nhân. Yoga cũng không ngoại lệ. Các phòng tập đóng cửa tỉ lệ nghịch với sự phát triển và gia tăng mạnh mẽ của các lớp học và nền tảng trực tuyến. Q&Me uớc tính, phân khúc yoga trực tuyến tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt CAGR cao nhất khoảng 12,3% từ nay đến năm 2027.

Tại Việt Nam, California Fitness & Yoga được xem là đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ tập luyện trực tuyến và hoàn toàn miễn phí trong suốt thời gian giãn cách. Lớp Group X của đơn vị này thu hút hơn 600.000 lượt xem trong 2 tuần đầu tiên. 

Tương tự, các trung tâm khác như Human Fitness & Yoga Center, Vyoga World... hay các phòng tập nhỏ lẻ cũng cung cấp khóa học trực tuyến nhằm giữ chân khách hàng. Có hàng trăm hội nhóm, câu lạc bộ yoga trực tuyến đã ra đời trong khoảng thời gian giãn cách xã hội như Câu lạc bộ Yoga với hơn 125.000 thành viên.

Sự dịch chuyển này thúc đẩy doanh số bán trang phục và các trang thiết bị tập luyện lên đến 154% trong dịch, theo ước tính của một doanh nghiệp chuyên phân phối thiết bị phòng tập. Thử làm một phép tính nhẩm, giá một bộ đồ tập 300.000 đồng, một quả bóng cỡ nhỏ là 150.000 đồng và một tấm thảm loại cơ bản có giá thấp nhất khoảng 650.000-700.000 đồng.

Khi miếng bánh yoga ngày càng bị chia nhỏ, càng thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các đơn vị kinh doanh phòng tập. Do đó, giữa các đơn vị này ngày càng có sự phân chia rõ nét về phân khúc khách hàng cũng như phương thức tập luyện. Có thể là các lớp yoga thiên về rèn luyện sức khỏe, trị liệu, phục hồi hoặc huấn luyện theo yêu cầu. Với các đối thủ trong cùng phân khúc, việc thiết kế thêm các lớp yoga mới, tăng cường trải nghiệm dịch vụ hoặc duy trì chất lượng của đội ngũ huấn luyện viên là phương thức cạnh tranh hiệu quả.