
Các concert cũng đồng thời mang lại nhiều cơ hội lớn cho ngành âm nhạc và những đối tác liên quan. Ảnh: TL
Mỏ vàng công nghiệp concert
Bộ phim điện ảnh Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai The Movie dự kiến khởi chiếu vào tháng 5/2025 tại các cụm rạp Galaxy trên toàn quốc. Phim đã bán sạch vé premiere (buổi công chiếu đầu tiên) trong vòng 1 phút. Sự kiện mở bán trực tuyến diễn ra vào ngày 17/4 trên website Galaxy Cinema và App Galaxy Cinema.
![]() |
Phim concert bắt đầu bùng nổ tại Việt Nam. Định dạng phim này là ghi hình các buổi biểu diễn âm nhạc cùng những câu chuyện, tâm sự đằng sau mỗi chương trình và thành công của nghệ sĩ. Đây là cách để nghệ sĩ duy trì hình ảnh, sức nóng của các đêm concert. Nhà sản xuất, ca sĩ và nhóm nhạc phải đầu tư nghiêm túc, bài bản để bảo đảm tiêu chuẩn đem lại trải nghiệm khác với khi thưởng thức đêm nhạc trực tiếp. Trên tất cả, sự cộng hưởng giữa âm nhạc và điện ảnh đang mở ra một hướng mới thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa.
Trước Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai The Movie, bộ phim Chúng Ta Là Người Việt Nam - Vietnamese Concert Film của ca sĩ Hoàng Thùy Linh đã ra mắt. Hay phim concert Anh Trai Say Hi: Kẻ Phản Diện Tạo Nên Người Hùng được làm từ sức lan tỏa của chương trình truyền hình thực tế Anh Trai Say Hi cũng chiếm các suất chiếu áp đảo.
Thực ra, tiềm năng cho sự phát triển của phim concert đã có từ trước như Đen Vâu và Hà Anh Tuấn từng thực hiện phim hòa nhạc Show Của Đen và Những Vết Thương Lành từ các concert cùng tên của họ hay Sơn Tùng M-TP có phim Sky Tour: The Movie về chuỗi liveshow Sky Tour của mình.
Những tháng đầu năm 2025 tiếp tục chứng kiến các sự kiện âm nhạc Việt Nam quy mô lớn, thu hút hàng chục ngàn khán giả như concert Sketch A Rose của Hà Anh Tuấn, concert 5 Anh Trai Say Hi, concert 3 và 4 Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai và gần đây nhất là Chị Đẹp Concert. Sự phát triển mạnh mẽ của các buổi biểu diễn âm nhạc trực tiếp tại Việt Nam cho thấy sự thay đổi lớn trong thói quen giải trí, khi ngày càng nhiều người tham gia các sự kiện này. Họ là lực lượng khán giả có trình độ thưởng thức âm nhạc, bao gồm không ít người nước ngoài và du khách, chọn concert được đảm bảo chất lượng. Riêng du khách rất ấn tượng với sân khấu, bối cảnh, đạo cụ cờ trống, nón lá..., những nét văn hóa được khắc họa đậm trong nội dung biểu diễn.
Bà Ngô Thị Vân Hạnh, Tổng Giám đốc Yeah1, đơn vị đứng sau các concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, Chị Đẹp, cho biết: “Khi chúng tôi gửi những đoạn clip, Recap tới cho các đối tác ở Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc..., họ cũng nói là không thể tưởng tượng nổi những gì mà chúng tôi làm, quy mô tổ chức, chất lượng biểu diễn, đặc biệt là sự cuồng nhiệt của khán giả, các bạn và họ kết nối thành một khối vững chắc, điều mà không phải nền âm nhạc nào trên thế giới cũng làm được”.
Các concert cũng đồng thời mang lại nhiều cơ hội lớn cho ngành âm nhạc và những đối tác liên quan. Đối với nghệ sĩ, các sự kiện này không chỉ là sân chơi để thu hút đối tượng khán giả rộng và đa dạng hơn, mà còn tăng cường tương tác và đẩy mạnh lượt nghe nhạc trên những nền tảng số như YouTube và Spotify.
Đối với thương hiệu, việc tài trợ/hợp tác với các sự kiện âm nhạc trực tiếp là cách tiếp cận hiệu quả để nâng cao độ nhận diện thương hiệu, đặc biệt là đối với khán giả trẻ. Các thương hiệu có thể tận dụng cơ hội như sản phẩm thương hiệu độc quyền kết hợp với nghệ sĩ (branded merchandise), trưng bày quảng cáo và kết nối kỹ thuật số để gắn kết với người tiêu dùng yêu âm nhạc.
Tuy số lượng khán giả của các concert đang tăng lên, các sự kiện này vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Tần suất xuất hiện ngày càng nhiều đòi hỏi ban tổ chức và nghệ sĩ tham gia concert phải cân nhắc giữa chi phí sản xuất, doanh thu từ tài trợ và chỉ tiêu bán vé để đảm bảo lợi nhuận.
“Nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: số lượng người chi cho các ứng dụng nghe nhạc và mức độ tham dự các sự kiện âm nhạc trực tiếp. Mặc dù người Việt Nam đã bắt đầu đi xem concert thường xuyên, nhưng vẫn thấp hơn các nước Đông Nam Á. Để thị trường thực sự phát triển, việc tham dự các sự kiện âm nhạc trực tiếp cần trở thành thói quen. Điều này sẽ giúp tạo ra một thị trường concert bền vững hơn để nghệ sĩ phát triển và ngành công nghiệp âm nhạc có thể thăng hoa”, ông Trần Thăng Long, Trưởng Bộ phận Phát triển nghệ sĩ và Marketing nhạc Việt tại Universal Music Việt Nam, nhận định.
![]() |
Ông Phạm Minh Toàn, đại diện Vietfest, đơn vị tổ chức 2 mùa đầu tiên của Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hò Dô, cũng cho biết nhiều nghệ sĩ quốc tế được mời biểu diễn đã bày tỏ quan điểm không thích diễn miễn phí mà phải bán vé, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhà tài trợ.
Cùng với đó, chuỗi concert hàng chục ngàn thậm chí trên 100.000 khán giả nhưng con số đều do ban tổ chức đưa ra. Công nghiệp âm nhạc Việt Nam cần dữ liệu chuẩn xác hơn và nhiều yếu tố khác để phát triển.
Tại một hội thảo về công nghiệp nhạc Việt mới đây, ông Châu Lê, CEO Bamboo Artists Agency, đơn vị tổ chức chương trình Huế Symphony tại Huế, nêu vấn đề các hệ thống bán vé ở Việt Nam chưa liên kết với nhau nên chưa có “big data” về số lượng khán giả sẵn sàng bỏ tiền cho âm nhạc. Ông nói: “Thực ra con số 78.000 vé, 53.000 vé thông báo trên truyền thông là không có kiểm chứng, nên chúng ta thiếu big data. Thiếu big data thì không thể nào phát triển được công nghiệp văn hóa. Chúng ta cần có dữ liệu ngầm, tốt nhất là hệ thống bán vé hoặc tất cả các đơn vị tham gia bán vé đăng ký. Mỗi code vé bán được sẽ liên kết với hệ thống nhà nước hoặc một đơn vị kiểm tra”.