Ảnh: T.L.

 
Hoàng Linh Lan Thứ Bảy | 18/03/2023 08:00

Mô hình âm nhạc mới mang tên Mây Lang Thang

Xuất phát từ niềm đam mê du lịch và tình yêu âm nhạc, Mây Lang Thang đã kiến tạo nên mô hình âm nhạc kiểu mới.

Vũ Hoàng Việt (1985) và Nguyễn Trường Trung Huy (1986) gắn bó với nhau bằng tình yêu dành cho âm nhạc và sở thích đi du lịch.
Thường xuyên đi nghe nhạc ở các phòng trà Sài Gòn, cuối tuần rủ nhau lên Đà Lạt. “Chúng tôi cùng yêu Đà Lạt nhưng cứ đi chơi đến 2, 3 giờ chiều là cảm thấy chán. Sáng một cữ cà phê, trưa một cữ cà phê và rồi cứ vòng tròn luẩn quẩn ăn, cà phê. Trong một dịp ngồi với nhau tại mảnh vườn bây giờ là sân khấu Mây 1, chúng tôi nghĩ phải chi trong cái bảng lảng của mây trời, thông reo, chim hót, không phải âm nhạc phát ra từ chiếc loa mà là nhạc sống thì tuyệt biết bao”, Việt chia sẻ cơ duyên ra đời của Mây Lang Thang.

 

Cả 2 muốn Đà Lạt không chỉ có những điểm du lịch nổi tiếng, các quán ăn ngon mà còn phải có nơi kéo gần du khách với không gian văn hóa. Và khi hoàng hôn bắt đầu buông, sương vừa lãng đãng, âm nhạc nổi lên trong không khí se lạnh của thành phố sương mù.

Mê du lịch và yêu âm nhạc

Kể từ đó, âm nhạc và du lịch là 2 tiêu chí xuyên suốt trong các hoạt động của Mây Lang Thang, dù chương trình được tổ chức theo concept nào hay ở đâu chăng nữa. Từ chương trình chỉ có 1, 2 ban nhạc, Mây Lang Thang nhanh chóng trở thành điểm hội ngộ của hơn 10 ban nhạc, quy tụ nhiều tên tuổi trong giới indie đến các ca sĩ danh tiếng ở những dòng nhạc khác nhau.

Đêm nhạc đầu tiên của Mây chỉ có 100 khách, Việt, Huy và bạn bè, những tay ngang thực thụ trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn, lo từ A đến Z. Nhớ về những ngày đầu hoạt động, Việt tâm sự: “Dù 4 đêm nhạc đầu tiên lỗ nặng nhưng trong tôi luôn tồn tại niềm tin mãnh liệt mô hình này sẽ thành công”. 

Niềm tin của Việt hoàn toàn có cơ sở bởi từ những lượt khách đầu tiên, Mây đã chinh phục họ không chỉ bằng chất lượng âm nhạc, bằng những ý tưởng âm nhạc mới mẻ, đầy bất ngờ như Rock trên Mây, Indie trên Mây, A touch of Jazz, Đối thoại trên Mây... mà còn bằng sự chân thành, mộc mạc của những tri âm. Hơn thế nữa, Mây còn chinh phục được cả những ca sĩ từng đứng trên sân khấu của Mây bởi tình yêu, sự trân trọng và gần gũi khán giả dành cho họ. “Chính hiệu ứng truyền miệng, thông qua mạng xã hội đã giúp Mây được biết đến nhiều hơn”, Việt khẳng định.

 

Tiên phong tổ chức đêm nhạc ngoài trời và lưu trú, Mây Lang Thang tạo dựng nên mô hình âm nhạc kết hợp cùng các địa điểm du lịch, không chỉ có sức ảnh hưởng tại Đà Lạt mà còn lan tỏa đến các địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh... 

Riêng tại Đà Lạt, những mô hình tương tự Mây Lang Thang dần xuất hiện như Lululola, Thung lũng Mây - Camly 9+, Amazing... Bởi lẽ, ngoài ẩm thực và cảnh quan, bất kỳ địa phương nào cũng cần có thêm nhiều hoạt động để thu hút du khách, mang đến những trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Bản thân Mây Lang Thang cũng sở hữu 2 sân khấu riêng với Chiều nhạc trên Mây, Phòng trà âm nhạc trên Mây. Một sân khấu nằm trong tổ hợp homestay, biểu diễn các chiều trong tuần có sức chứa khoảng 300 khán giả và một sân khấu mang tên Mây in the Nest với khoảng 1.000 khán giả, chỉ diễn vào 3 ngày cuối tuần. Với giá vé dao động từ 150.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, các buổi diễn của Mây lúc nào cũng kín chỗ.
Mây “lang thang” đến TP.HCM, Hà Nội và một vài tỉnh, thành khác bằng các chương trình được thiết kế riêng, không lặp lại. Chẳng hạn, hướng đến phân khúc cao cấp, Mây tổ chức The Portrait of Mây như một liveshow thu nhỏ của các giọng ca hàng đầu Việt Nam mang màu sắc mới lạ, diễn tại khách sạn Renaissance như Hà Lê và Màu Nước Band, Bùi Lan Hương hát jazz, Thanh Lam hát thơ chữa lành với Trí Minh, Hà Trần và Hoài Sa Band, Tuấn Ngọc hát cùng Lân Nhã... Mô hình phòng trà - nhà hát của Mây đã thu hút hàng ngàn khán giả giữa thời điểm các show ca nhạc phải nhờ vào tài trợ, các phòng trà đìu hiu. Vé luôn được bán hết trên 70-80%, với lượng khán giả từ 200-250 người.

Tại Hà Nội, các đêm nhạc của Mây đã phá vỡ hình thức thường thấy của các phòng trà, mang đến đời sống âm nhạc phong phú và đáng chờ đợi hơn. “Mây đã làm được điều mà các phòng trà suốt những năm qua không làm được. Đó là tâm lý háo hức của người xem, sự háo hức của ca sĩ và bằng hình thức mới mẻ khi chỉ có 1 ca sĩ biểu diễn thay vì nhiều người trong đêm nhạc”, ông N.M., chủ một phòng trà tại Hà Nội, chia sẻ.

Hiện tại, trung bình mỗi tháng Mây tổ chức khoảng 20 đêm nhạc, ở các địa điểm khác nhau. Có đêm lời, có đêm huề vốn nhưng cũng có những đêm lỗ vì các khoản chi cho thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng, ban nhạc hay thù lao ca sĩ... nhưng như Việt bộc bạch, chỉ cần bù qua sớt lại vẫn cân đối được, anh sẽ tiếp tục làm.

“Sự đón nhận của khán giả và sự lớn mạnh của Mây cũng như sự sôi động của thị trường cho thấy mô hình âm nhạc này vẫn còn nhiều tiềm năng khai phá”, Việt chia sẻ. Giấc mơ của Việt chính là tổ chức được những festival âm nhạc tại các điểm du lịch như các nước trên thế giới.

Ít người biết, Việt có hơn 15 năm làm trong ngành truyền thông và marketing ở vị trí lãnh đạo, trước là tại Uniliver, sau là PepsiCo. Chính môi trường này đã giúp Việt từ một tay ngang trong lĩnh vực âm nhạc có thể vận hành trơn tru và không đóng khung sáng tạo của bản thân để tạo nên một đám mây phiêu lãng nhưng cũng rất mực tỉnh táo. Cuối tháng 2 vừa qua, Việt quyết định rời công ty để tập trung hoàn toàn cho Mây.