Nhân lực hướng dẫn viên đặc thù cho các dịch vụ du lịch cao cấp khan hiếm trong khi loại hình du lịch này đang ngày càng phát triển. Ảnh: TL.
Mở đường cho “tour độc”
Mỗi tour xem chim có giá từ 3.000-7.000 USD/người, kéo dài khoảng từ 1-3 tuần, đang là sản phẩm “hốt bạc” của du lịch Việt. Tuy nhiên, Công ty Du lịch Chim Việt (Viet Bird Tour), một công ty chiếm thị phần lớn về tour xem chim tại Việt Nam, cho biết đang bị thiếu hụt nguồn hướng dẫn viên xem chim chuyên nghiệp. Ông Lê Hồng Phúc, Giám đốc Viet Bird Tour, chia sẻ Công ty đã phải từ chối một số tour xem chim vì không đủ nhân lực hướng dẫn viên để đảm đương hết số lượng du khách ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Hoài Bảo, Giám đốc Công ty Wildtour, cũng cho biết trong khu vực, Việt Nam đứng thứ 3 về số lượng loài chim nhưng loại hình du lịch xem chim lại phát triển chậm hơn các nước như Thái Lan và Malaysia; một trong các lý do chậm phát triển là thiếu hướng dẫn viên. Tất cả hướng dẫn viên tour xem chim ngoài nghiệp vụ, thẻ và chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch quốc tế còn phải có kiến thức về sinh thái.
Sự thiếu hụt này không chỉ ở các hướng dẫn viên tour xem chim. Mỗi năm ngành du lịch Việt Nam cần hơn 40.000 nhân lực du lịch chất lượng cao (theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), nhưng trên thực tế, hầu hết chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thị trường. Riêng nhân lực hướng dẫn viên đặc thù cho các dịch vụ du lịch cao cấp lại càng khan hiếm trong khi loại hình du lịch này đang ngày càng phát triển.
Năm ngoái, trang tin du lịch uy tín ở châu Âu Travel Dudes tôn vinh Việt Nam là một trong những nơi lặn biển hấp dẫn nhất hành tinh với ít nhất 4 điểm lặn tuyệt đẹp là Nha Trang, Phú Quốc, Côn Ðảo, Cù Lao Chàm. Song thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu, trong đó có việc thiếu hướng dẫn viên lặn biển. Để trở thành một hướng dẫn viên lặn biển, ngoài kỹ năng lặn thuần thục và các chứng chỉ lặn quốc tế, họ còn phải học thêm chứng chỉ cứu hộ cứu nạn trên biển, chưa kể còn phải có sức khỏe và một loạt kỹ năng như quan sát tốt, có kiến thức về sinh thái biển, đánh giá tình huống chính xác, kỹ năng chụp ảnh, quay video dưới nước...
Một số đơn vị ở Hà Nội, TP.HCM, Ðà Nẵng, Nha Trang gần đây mở các khóa đào tạo lặn chuyên nghiệp, cung cấp đồ lặn tiêu chuẩn quốc tế, cấp chứng chỉ của Hiệp hội Hướng dẫn viên Lặn biển chuyên nghiệp Thế giới (PADI) hoặc Hiệp hội Lặn biển Quốc tế (SSI). Khóa học thường gồm ít nhất 5 buổi với giá 6-9 triệu đồng. Thế nhưng, đầu ra và số lượng hướng dẫn viên bám trụ được với nghề chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu. Ông Dương Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Du lịch Núi San Hô (OnBird Phú Quốc) tại Phú Quốc, Kiên Giang, cho biết Công ty hiện có 16 hướng dẫn viên lặn biển cơ hữu nhưng không đủ cho những mùa cao điểm du lịch trong năm.
Ngày càng nhiều du khách quốc tế, cả các đầu bếp từ các nước và khách nội địa, ngoài trải nghiệm “food tour”, còn muốn trực tiếp học đi chợ và đứng nấu món Việt. Đáp ứng nhu cầu này của họ là các hướng dẫn viên ẩm thực - những người vừa phải có tay nghề đầu bếp thuần thục vừa có vốn ngoại ngữ và kỹ năng thuyết trình cùng một số kỹ năng mềm khác như biết cách quản lý và dẫn dắt đám đông. Ngoài một số khách sạn lớn có sẵn đầu bếp giỏi nghề kiêm luôn hướng dẫn viên ẩm thực, vài năm gần đây, nhiều lớp học nấu ăn dành cho du khách được mở tại Việt Nam như tại TP.HCM có các lớp M.O.M Cooking Class, Saigon Cooking Class, Provincial Table Cooking Class…
Ông Nguyễn Đình Lê Hòa, sáng lập M.O.M Cooking Class, chia sẻ: “Chúng tôi phải chọn lựa kỹ lưỡng các hướng dẫn viên với kinh nghiệm tối thiểu 2 năm trong ngành ẩm thực, bao gồm kinh nghiệm hướng dẫn và nấu ăn, đồng thời phải bảo đảm năng lực ngoại ngữ, vì vậy việc tuyển dụng là không dễ”.
Bà Ilda Briosca (người Pháp), sáng lập Saigon Cooking Class, cũng cho biết đến nay lớp học duy trì mở 6 ngày trong tuần, liên kết với các công ty du lịch lữ hành để nhận tour hướng dẫn du khách nấu món Việt. Bà vẫn là người trực tiếp hướng dẫn cho du khách tại lớp cùng với nhóm đầu bếp kiêm hướng dẫn viên ẩm thực chuyên nghiệp mà bà tin cậy. “Tôi có kế hoạch mở rộng quy mô lớp học nhưng chưa thể thực hiện được vì chưa tuyển dụng được hướng dẫn viên ẩm thực ưng ý”, bà Briosca nói.
Trong cái khó, Wildtour chọn giải pháp tận dụng nguồn nhân lực. Theo đó, các hướng dẫn viên của công ty này hiện nay chủ yếu là sinh viên khoa sinh học của Đại học Khoa học Tự nhiên và sinh viên khoa nông nghiệp của Đại học Nông Lâm. Họ có kiến thức cơ bản, sau đó được Công ty đào tạo trước khi trở thành hướng dẫn viên chính thức. Công ty cũng liên kết với những hướng dẫn viên tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn. Bản thân ông Nguyễn Hoài Bảo, Giám đốc Wildtour, vốn xuất thân là một giảng viên nghiên cứu về sinh học và bảo tồn, có kinh nghiệm hơn 20 năm điều hành và dẫn tour, cũng trực tiếp tham gia dẫn tour.
Ông Dương Tuấn Anh gỡ khó cho OnBird Phú Quốc bằng cách tuyển dụng và đào tạo hướng dẫn viên với chương trình đào tạo bài bản chuẩn quốc tế, trả mức lương cao và nhiều đãi ngộ như hỗ trợ nhà ở, ăn trưa. “Tất cả nhằm bảo đảm chúng tôi đủ nguồn nhân lực chuyên nghiệp để phục vụ du khách trải nghiệm lặn biển an toàn và chân thực nhất vào mùa cao điểm du lịch, dù là hành trình khám phá san hô Nam Đảo hay chuyến thuyền buồm và lặn biển Tây Bắc Đảo”, ông Tuấn Anh cho biết.
Viet Bird Tour thì chọn giải pháp tuyển dụng, đào tạo hướng dẫn viên. Giữa tháng 8 năm nay Công ty đã kết thúc nhận hồ sơ ứng tuyển cho chương trình tuyển dụng, đào tạo hướng dẫn viên du lịch xem chim bán thời gian và toàn thời gian với mức lương căn bản tốt cùng nhiều đãi ngộ. Các ứng viên được lựa chọn sẽ trải qua 3 tháng đào đạo có trợ cấp và thực tập về chuyên môn với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực. “Chúng tôi hy vọng kết thúc khóa đào tạo vào cuối năm nay, Công ty sẽ bổ sung được nguồn nhân lực hướng dẫn viên đáng kể, khi đó mới có thể hạn chế được tình trạng từ chối tour”, Giám đốc Viet Bird Tour nói.