Nghệ thuật phản chiếu đời sống và tranh của Lê Anh Quân thể hiện băn khoăn, suy tư của anh.
Mê đắm với tranh từ triển lãm “Những bé gái ballet”
Không quá vội vã nhưng vẫn đủ ấm áp, thân tình và có độ tĩnh lặng, có lẽ đó là lý do khiến Đà Lạt trong vài năm trở lại đây trở thành điểm hội ngộ lý tưởng của giới sáng tạo, từ người làm phim ảnh đến sáng tác âm nhạc hay hội họa, nghệ thuật đương đại. Lê Anh Quân chia sẻ: “Tôi chọn Đà Lạt cho triển lãm lần này bởi tôi tìm thấy ở thành phố sương mù những cảm xúc mãnh liệt thuộc về ký ức, chất xúc tác kết nối những chất liệu không tưởng vào sáng tạo của tôi”.
Tranh của hoạ sĩ Lê Anh Quân. |
“Những bé gái Ballet” gồm 17 tác phẩm đa dạng chất liệu từ gương, thủy tinh, gỗ và các chất liệu tổng hợp với sự bài trí công phu, phá vỡ khái niệm “tranh” truyền thống. Tranh của Lê Anh Quân từng được coi là một “hiện tượng thị giác’. Gọi là tranh, nhưng đó không phải cuộc chơi của màu sắc. Chất liệu mới là “nhân vật chính” của câu chuyện kể được ẩn mình trong đó.
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội và là một trong số ít những lớp họa sĩ trẻ sớm khẳng định phong cách riêng, Lê Anh Quân từng có nhiều triển lãm nhóm và cá nhân trong và ngoài nước, được giới chuyên môn đánh giá cao. Có thể kể đến vài cái tên như: Triển lãm cá nhân tại phòng tranh Young tại Hà Nội (2006), triển lãm nhóm Nghệ thuật Đương đại Châu Á tại New York (2008); triển lãm nhóm “Một chuyến đi” tại Berlin, Đức (2015); triển lãm nhóm “Không quan tâm đến Hà Nội” tại Paris, Pháp (2018); Triển lãm nhóm “Amitié” tại Paris, Pháp (2019); Triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Việt Nam (2019)…
“Những em bé Ballet” được lấy cảm hứng từ quãng thời gian Lê Anh Quân là giáo viên dạy mỹ thuật cho học sinh và tình yêu vô bờ bến với cô con gái Hạ Lam. Cả anh và con gái đều thích bộ môn múa Ballet. Cho nên khi có dịp đến Pháp, anh đã cố tìm mua cho bằng được cây đàn violon và một đôi giày Ballet để tặng con. Có lẽ bởi nguồn cảm hứng ngọt ngào ấy mà mỗi tác phẩm tại triển lãm lần này, từ “Đứa bé múa”, “Mưa - 2021”, “Mặt trời” đến “Thân phận 1”, “Thân phận 2”, “Thân thể”... đều khiến người xem phải trầm trồ, mê đắm.
Nhưng không chỉ dừng ở đó. Nghệ thuật phản chiếu đời sống và tranh của Lê Anh Quân thể hiện băn khoăn, suy tư của anh. Cho nên, khác với hình ảnh của những đứa trẻ trong tranh trước đây của Lê Anh Quân, từ những cái đầu trẻ em ám ảnh vì khói bụi ô nhiễm, khói thuốc chiến tranh, đến chùm tranh về những đứa trẻ đều bím tóc vung vẩy mà giờ đây hiếm gặp trên đường phố Hà Nội, “Những bé gái Ballet” bay bổng, lãng mạn, tinh tế và cũng đầy chiêm nghiệm.
Một số tranh tại triển lãm “Những em bé Ballet” của họa sĩ Lê Anh Quân: