Sự hào nhoáng, lộng lẫy từ công việc đến cuộc sống là những gì giới giải trí thường chọn xuất hiện trước công chúng. Việc giữ gìn hình ảnh không chỉ giúp họ thuận lợi khi làm việc cùng các nhãn hàng.
Lựa chọn ở cân bằng
Sự hào nhoáng, lộng lẫy từ công việc đến cuộc sống là những gì giới giải trí thường chọn xuất hiện trước công chúng. Việc giữ gìn hình ảnh không chỉ giúp họ thuận lợi khi làm việc cùng các nhãn hàng, giữ vững độ “hot” của tên tuổi mà còn khẳng định vị trí của một ngôi sao hàng đầu. Điều này vô hình trung đẩy nhiều ngôi sao vào trạng thái áp lực, căng thẳng về tinh thần.
Định nghĩa này đang dần được viết lại khi có không ít người nổi tiếng Việt Nam chọn lối sống gần gũi với đời thường và có trách nhiệm với xã hội qua chính nỗ lực hoàn thiện bản thân họ. Họ khắc họa một chân dung khác về người nổi tiếng với số đông: giản dị, yêu đời, cân bằng giữa danh tiếng và trách nhiệm cộng đồng, tràn ngập lòng biết ơn mọi thứ xung quanh, không phô trương mà sẻ chia chân thành.
Suboi: Rapper bước qua định kiến
Suboi viết nhạc từ năm 15 tuổi, 17 tuổi gặt hái được danh tiếng khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 2009, Suboi rap cho 2 ca khúc của ca sĩ Hồ Ngọc Hà, tiếng tăm tiếp tục vươn xa. 20 tuổi, Suboi có album đầu tay - Walk. Đi đến đâu cũng được chào đón. Tiền tiêu không phải nghĩ. Bạn bè thích món gì, cô đều có thể mua tặng.
Tuy nhiên, đó cũng là lúc Suboi cảm thấy trống rỗng nhất. Trục trặc với công ty quản lý cũ, mất hết bản quyền ca khúc, bạn trai cũ bạo hành, gia đình rơi vào cảnh nợ nần, bố bị tai nạn... Suboi chìm vào hố đen của danh tiếng và phẫn uất ném trả lại cuộc đời. Ý chí và tình yêu âm nhạc đã tiếp cho Suboi sức mạnh vượt qua tất cả những điều không may đó, để bắt đầu lại một lần nữa.
“Tôi biết ơn cú vấp đó. Những người bạn tốt và những người bạn xấu. Nhờ họ, tôi có nhiều trải nghiệm và trưởng thành hơn. Cuộc sống của tôi bước sang trang mới, vui vẻ, thoải mái hơn. Tôi có thể đi bất cứ nơi nào tôi muốn, có thể nói chuyện với bất kỳ ai tôi thích mà không phải xây một bức tường vô hình. Tôi nghĩ mình may mắn khi được làm điều mình thích nên tự nhủ hãy đứng dậy, tiếp tục vui vẻ làm việc”, cô nói.
Năm 2014, Run, album phòng thu thứ 2 do Suboi Entertainment phát hành độc quyền trên iTunes của 109 quốc gia. Cô liên tục nhận được khen ngợi từ các cơ quan truyền thông uy tín quốc tế như The Guardian, The Wall Street Journal... “Suboi giới thiệu với khán giả Mỹ phong cách rap mang bản sắc Việt Nam. Dù bằng tiếng Việt, tiếng Anh hay trộn lẫn cả 2 thứ tiếng, những phần diễn của cô đều mạnh mẽ và cuốn hút. Suboi giống như Queen Latifah hay Lauryn Hill của Việt Nam”, The Wall Street Journal viết.
Suboi còn tham gia trình diễn tại CAAMFest và South by Southwest - lễ hội âm nhạc lớn nhất nước Mỹ dành cho thể loại Hip-hop, được tổ chức vào tháng 4 hằng năm. Cô trở thành gương mặt Việt Nam duy nhất đại diện thương hiệu H&M trong chiến dịch H&M x Kenzo năm 2016 bên cạnh những tên tuổi đình đám như siêu mẫu Iman, nữ diễn viên Rosario Dawson, Chloe Sevigny, nghệ sĩ Hip-hop Chance The Rapper, nhà soạn nhạc Ryuichi Sakamoto... do nhiếp ảnh gia lừng danh Jean-Paul Goude thực hiện.
Còn rất nhiều thành tựu Suboi gặt hái được nhưng cô xem danh tiếng như một tấm gương phản chiếu thay vì một vương miện. Suboi không ngần ngại chia sẻ những khó khăn, vấp váp của cô khi trưởng thành, theo đuổi ước mơ, những ngộ nhận về tình yêu, khó khăn trong quá khứ, hành trình cô làm mẹ... một cách tự nhiên, chân thành.
Suboi đi con đường riêng biệt, đôi khi hơi lạc loài, song rất tự do tự tại và cũng chẳng cần các rapper đồng nghiệp thừa nhận. Âm nhạc với Suboi, đẹp nhất là khi chúng thể hiện bản thân cô cũng như tìm được sự đồng cảm nơi người nghe, những gì cô đã trải qua và tiếp thêm sức mạnh cho họ bước về phía trước. Âm nhạc của Suboi còn cho thấy sự trưởng thành nhiều trải nghiệm và óc quan sát tinh tế của cô.
Nổi tiếng sớm, vấp ngã, rồi lại đứng lên và tỏa sáng, Suboi cổ vũ nhiều người trẻ qua cách cô sống, làm việc chăm chỉ, lặng lẽ và thành công.
Đen Vâu: Bắt đầu bằng điều mình thích
Hỏi Đen tiền có quan trọng không, anh gật đầu: “Có chứ!” Nhưng viết nhạc vì thiếu tiền thì chưa. Nhận show diễn vì có quá nhiều tiền, Đen cũng lắc đầu nếu thấy không phù hợp. Đen bảo: “Phải viết nhạc trước cái đã!”. Rộng ra là “Cứ làm cái mình thích trước, nó sẽ tự mang lại lợi nhuận”. Bằng chứng là trước khi nổi tiếng, Đen chỉ nhận 3-4 show/tuần. Khi được săn đón, Đen cũng chỉ có thể hát tầm chừng ấy show. Đơn giản vì “sức mình chỉ đến đó”.
Vì với Đen, âm nhạc là mục tiêu quan trọng nhất. Để viết được nhạc, Đen cần một nơi thong dong, không bị áp lực của cuộc sống. Cho nên, anh vẫn chọn ở cùng ba mẹ tại quê nhà Quảng Ninh và chỉ “bay show” khi được gọi.
Tại Việt Nam, không hiếm rapper tài năng nhưng Đen Vâu lại có màu sắc riêng. Âm nhạc của anh không phải là những cú ném bất cần vào cuộc đời, cũng không bi lụy mà là lời tự sự, thủ thỉ tâm tình, vừa trăn trở vừa xoa dịu của một hay rất nhiều người trẻ trước nhịp sống đương thời. Nhẹ nhàng nhưng lay động, hợp xu hướng, đôi khi pha chút hài hước, giễu cợt. “Cuộc đời chua chát, ui nó chát và chua như trái me/Ước mơ nhiều lúc chỉ là đổ đầy xăng cho cái xe...” (bài Cảm Ơn). Đen Vâu (có lẽ) hiện là rapper được yêu thích nhất Việt Nam, không quá khi nói vậy.
7 năm trước, khi Đưa Nhau Đi Trốn - bài hát đầu tiên Đen Vâu thực hiện cùng Linh Cáo được cộng đồng yêu nhạc biết đến, có lẽ, anh không nghĩ một ngày sẽ được đứng trước đông đảo khán giả. Tốt nghiệp cấp 3, Đen trở thành công nhân vệ sinh bãi biển ở thành phố Hạ Long. Đen cũng gắn bó với công việc này suốt 7 năm. Tình yêu với rap khiến Đen rẽ hướng. Anh quyết định mở một quán cà phê cùng em trai, vừa kiếm sống, vừa làm nơi gặp những người chung sở thích. Quán lỗ, Đen tiếp tục đi làm lấy tiền duy trì, cốt giữ lấy niềm vui. Chợt nhìn ra bạn bè, đứa đi học cắt tóc, đi học xăm... có nghề nghiệp, đi đâu cũng sống được. Đen cũng muốn được đi đây đó, có nghề trong tay. Vậy là đóng cửa quán, cùng bạn bè đi xuyên Việt trước khi “trở thành người nghiêm túc không để ba mẹ phiền lòng”.
Chuyến đi ấy trở thành bước ngoặt cuộc đời anh. Tại Huế, Đen bất ngờ được mời biểu diễn chuyên nghiệp. Đó là lần đầu tiên Đen hát trước đông đảo khán giả. “Tôi từng muốn có một cuộc sống an toàn và ổn định nên đã chọn nghề công nhân vệ sinh. Rồi lại nghĩ, xã hội thay đổi từng ngày và chẳng có gì là an toàn cả. Khi bạn mạnh dạn đóng cánh cửa này lại thì có cánh cửa khác mở ra. Nếu cảm thấy bế tắc quá, hãy tìm một hướng đi khác”, anh bộc bạch.
Âm nhạc mang đến cho Đen rất nhiều, không chỉ là thay đổi về vật chất mà còn giúp Đen có mục tiêu để cố gắng và phấn đấu thay vì sống những ngày vô định không biết phải làm gì, không biết ngày mai ra sao. “Hành trình tôi đi cho tới bây giờ có quá nhiều may mắn nên không dám khuyên các bạn trẻ điều gì. Chỉ mong là nếu bạn có đam mê với điều gì đó thì đừng từ bỏ. Hãy cố gắng trau dồi để biến đam mê thành công việc”, Đen khiêm tốn trả lời.
Lê Cát Trọng Lý: Kẻ-mơ-mộng-hành-động-thực-tế
2021 là năm thứ 2 ngôi trường Cẩm Chướng của Lê Cát Trọng Lý và nghệ sĩ violin Nguyễn Thanh Tú đi vào hoạt động. Những tiếng cười vẫn vang lên giòn tan cùng nắng sớm, những giọt nước mắt chia xa khi khóa học kết thúc vẫn vẹn nguyên vị mặn dẫu thế giới ngoài kia không ngừng biến động. Tâm thế bình yên, vui với niềm hạnh phúc giản đơn của ngôi trường không giới hạn tuổi tác được Lý và Tú ấp ủ từ chuỗi chương trình Những kẻ mộng mơ (Dreamers Concert) thường niên 2014.
Ý tưởng ban đầu của chuỗi Dreamers Concert là đưa người nghe trở lại với thiên nhiên, mang họ về được bầu trời mộng mơ mà họ đã đánh mất hoặc lãng quên. “Làm sao để âm nhạc không còn bị đóng khung trong sự lịch sự và vỗ tay trong cơn buồn ngủ? Làm sao để con người ta trở lại mơ mộng, với đơn giản thôi, những giấc mơ được yêu, được đẹp bình thường? Và tháo đi tất cả những nhãn hiệu về chúng ta là ai, địa vị thế nào, bộ quần áo này đáng giá bao nhiêu, hay cặp mắt kính hàng hiệu này phải được thấy. Đây là một giấc mơ mà ở đó mọi người được bình đẳng với nhau ở một điểm: là những kẻ đang mơ một giấc mơ đẹp...”, Lý nói.
Kể từ lần đầu xuất hiện trên sân khấu Bài hát Việt 2008, Lê Cát Trọng Lý để lại ấn tượng đậm sâu nhờ phong cách âm nhạc mộc mạc, ca từ sâu lắng, nhiều triết lý. Cô liên tục nhận được nhiều giải thưởng danh giá, được mời biễu diễn trong các chương trình lớn, của những nghệ sĩ quốc tế, nhận học bổng du học nước ngoài... Cô thậm chí còn được kỳ vọng khi đem so sánh với 2 cây đa cây đề của nhạc Việt là Trịnh Công Sơn và Trần Tiến.
Nhưng Lý không chọn tận hưởng hào quang ấy theo con đường phổ quát. Cô gái nhỏ nhắn, mái tóc ngắn xoăn tít, giọng ca trong trẻo dùng âm nhạc thực hiện sứ mệnh với cộng đồng. Lý du ca đến các vùng nông thôn khắp Việt Nam, lên vùng cao hát miễn phí và kết nối các dự án thiện nguyện, khuyến học... Đi cũng là cách giúp Lý có thêm vốn sống và trải nghiệm.
Lê Cát Trọng Lý không còn viết nhạc để kể chuyện của bản thân, thay vào đó, cô viết những bài hát tạo ra sự kết nối. Ảnh: Facebook nhân vật. |
Trước Dreamers Concert, Lý đã thực hiện Vui Tour (2011-2013), Khù khờ Tour (2016-2018). Mọi thứ được sắp xếp một cách thông minh, tỉnh táo từ một người hình dung rõ bản thân muốn gì và cần gì. Năm 2018, Lý và Tú bàn nhau mở Không gian bền vững Việt Nam tại Hà Nội và Hội An nhằm giới thiệu các vấn đề về môi trường, sức khỏe liên quan đến cách tiêu dùng thiếu tỉnh táo của người Việt. Lý thuê một căn nhà để làm các dự án và ở. Tầng một, cô bán cà phê và sữa hạt. Lúc thiếu người phụ, cô trực tiếp rửa ly, bưng cà phê, đi giao sữa...
Chính những dự án cộng đồng đã thay đổi Lý, cả về tư duy và âm nhạc. Khoảng 4 năm qua, Lý không còn viết nhạc để kể chuyện của bản thân, thay vào đó, cô viết những bài hát tạo ra sự kết nối. Giai điệu chuyên môn hơn, kén khán giả hơn nhưng cô hết sức tránh dùng các từ phức tạp. Còn cuộc sống của Lý thì ngày càng tự nhiên hơn. “Nhu cầu cuối cùng của con người là được yêu thương, nên bài hát viết ra phải có tình cảm. Cao siêu đến đâu mà không tình cảm cũng không còn được gọi là hay nữa. Mà tình cảm lạ lắm, nếu có, nó sẽ chạm đến mọi người. Tôi thường cố gắng thật thà trong mọi chuyện bởi tôi tin đó là nền tảng của mọi thứ”, Lý chiêm nghiệm.
Nếu âm nhạc của Lý giúp người nghe thanh lọc cảm xúc, chữa lành nỗi buồn thì trường học Cẩm Chướng là nơi giúp Lý viết tiếp giấc mơ hành-động-thực-tế. Bàn về sống chậm hay nhanh, Lý bảo quan trọng là sống sao cho sâu sắc. “Sống chậm mà mình u ám, làm mọi người xung quanh chán theo, khổ theo, căng thẳng theo thì chậm làm gì. Sống nhanh nhưng mà luôn muốn kiểm soát người ta, làm người ta hối hả theo thì cũng không nên”, cô nói.