Lựa chọn của Grapevine và 6 nghệ sỹ trẻ
Tiếp nối thành công của Phần 1, nhóm Hanoi Grapevine cho ra mắt triển lãm Lựa chọn của Grapevine Phần 2 vào tháng 03/2015. Khác với Phần 1 có sự tham gia của 8 nghệ sỹ đương đại đã thành danh, Phần 2 năm nay giới thiệu 6 cái tên còn khá mới mẻ xong đầy triển vọng trở thành những tên tuổi danh tiếng của làng nghệ thuật Việt trong một tương lai không xa.
Triển lãm năm nay cũng sẽ có nhiều hoạt động bên lề như tour nghệ thuật, trò chuyện và hội thảo được thiết kế để hướng tới đối tượng khán giả đa dạng.
Các nghệ sỹ và tác phẩm tham dự được lựa chọn kỹ càng bởi nhóm Hanoi Grapevine, bao gồm thành viên sáng lập, nghệ sỹ Brian Ring, với sự hỗ trợ và tư vấn của bà Natasha Kraevskia - sáng lập Salon Natasha và là thành viên Ban cố vấn của Hanoi Grapevine, nghệ sỹ Trần Lương - giám tuyển nổi bật của nghệ thuật đương đại Việt Nam, và là đồng sáng lập Nhà Sàn Collective và KVT - nhà bình luận về nghệ thuật nổi tiếng của Grapevine tại Hà Nội.
6 nghệ sỹ trẻ triển vọng tham dự triển lãm năm nay gồm có:
1. Triệu Minh Hải (Hà Nội)
Một sinh viên kĩ thuật chuyển sang làm họa sỹ, Triệu Minh Hải minh chứng rằng nghệ thuật và khoa học có thể kết hợp hoàn hảo và khái niệm toán học về hệ chiết hình có thể được họa lên khung tranh tuyệt đẹp bằng chì. Loạt tranh khổ lớn tựa đề “Trong Vùng Hữu Hạn” mà anh mang tới triển lãm chắc chắn sẽ làm người xem phải kinh ngạc.
Triệu Minh Hải, “Trong vùng hữu hạn”, Chì và bút mực trên toan, 2014, 135 x 190 cm
2. Lập Phương (Hà Nội)
Lập Phương tham gia nhiều triển lãm nhóm tại Hà Nội trong hai năm qua và gần đây chị cũng tham dự Liên hoan Nghệ thuật Sasaran ở Malaysia. Trong triển lãm lần này, chị mang đến loạt tác phẩm điêu khắc trên chất liệu sắt mang tên “Cánh – Cung”. Cánh lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc Khánh, một loại nhạc khí cổ, trong khi Cung là sự ám ảnh về hình hài tử cung.
Các tác phẩm của chị vừa thể hiện sự nữ tính mỏng manh nhưng vẫn toát lên một sự tự tin và tự ý thức về bản thân đầy mạnh mẽ.
Lập Phương, “Cánh”, Sắt, 2014, 44 x 22 x 18 cm
3. Nguyễn Quỳnh Na (Vinh)
Hiện sống và làm việc tại Vinh, Nguyễn Quỳnh Na chưa hẳn là cái tên quen thuộc trong làng nghệ thuật Việt Nam. Chị từng tham gia một số triển lãm nhóm ở Huế, triển lãm nhóm tại Đại sứ quán Đan Mạch ở Hà Nội và một số dự án nghệ thuật ở Thái Lan, nơi chị lấy bằng Thạc sỹ Mỹ thuật.
Na mang tới triển lãm loạt chân dung tự họa với cách thể hiện cặp mắt và đôi môi đầy ám ảnh, gợi lên tiếng nói mãnh liệt từ trái tim và tâm hồn.
Nguyễn Quỳnh Na, “Vô đề”, Sơn dầu, 2012, 120cm x 170 cm
4. Trương Thế Linh (Huế)
Dù tuổi còn trẻ, Trương Thế Linh đã từng tham dự rất nhiều triển lãm ngay từ những năm đầu đại học. Năm 2013, anh giành được sự chú ý của công chúng sau khi đoạt giải nhất Giải thưởng Nghệ thuật Chân dung Tự họa Dogma và kể từ đó, anh đi sâu thể hiện đề tài này, trong đó sử dụng những mảng màu tối để truyền tải thông điệp xã hội về một thế hệ bị đè nén và chèn ép.
Trương Thế Linh, “Linh hồn và thể xác”, Acrylic trên toan, 2014, 180 x 120 cm
5. Nguyễn Đình Hoàng Việt (Huế)
Nguyễn Đình Hoàng Việt là một chàng trai trầm lặng, khiêm tốn và là một nghệ sĩ tỉ mỉ. Mỗi bức tranh anh vẽ vừa có vẻ tao nhã vừa gợi lên những liên tưởng u ám về sự hủy diệt. Anh thường vẽ trên bìa carton hoặc giấy báo bồi, với những đối tượng vô cùng đa dạng, từ một con thằn lằn nhỏ bé, một con chuột chết, một hay vài con cá cho đến những chiếc xe tăng quân sự khổng lồ.
Nguyễn Đình Hoàng Việt, “Dàn hợp xướng”, Sơn dầu trên giấy báo bồi, 2014, 10 x 13.5cm
6. Lê Hoàng Bích Phượng (TP HCM)
Trong số những nghệ sỹ tham dự triển lãm lần này, Lê Hoàng Bích Phượng có lẽ là cái tên xuất hiện sớm nhất trong làng nghệ thuật Việt. Chị hoạt động nghệ thuật tích cực ngay từ khi tốt nghiệp năm 2010 và đã được công nhận bởi những tổ chức uy tín như Quỹ Văn hóa Nhật Bản, Đại sứ quán Đan Mạch và Giải thưởng Nghệ thuật Chân dung Tự họa Dogma.
Chị từng có triển lãm cá nhân ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đồng thời tác phẩm của chị cũng xuất hiện trong các triển lãm nhóm ở Nhật Bản, Đan Mạch và Thái Lan.
Tại triển lãm, chị trưng bày các tác phẩm sắp đặt bằng sứ mới nhất, đề cập tới những vấn đề về sự phát triển không hoạch định, cùng những âm ỉ tha thiết và tiếc nuối trong xã hội.
Lê Hoàng Bích Phượng, “Bài ca toàn thắng”, Sứ, 2014, 30 x 30 x 15 cm, ảnh: Vũ Lê
Các sự kiện chính trong 7 ngày triển lãm gồm có: – Khai mạc vào thứ ba 03/03. Vào cửa tự do. – Các tour hàng ngày để giới thiệu cho khách tham quan triển lãm về từng nghệ sỹ và tác phẩm. Tour diễn ra 2 lần/ngày vào lúc 10h30 và 16h00. Miễn phí nhưng yêu cầu đăng ký trước. – Trò chuyện với giám tuyển và nhà sưu tầm: Hỏi & Đáp với giám tuyển Trần Lương và một nhà sưu tầm nghệ thuật về tình hình thị trường nghệ thuật trong khu vực. Sự kiện có thu phí và yêu cầu đăng ký trước. |
Nguồn DVO/Grapevine