Các nền tảng cộng tác, A.I và những công cụ thực tế hỗn hợp sẽ trở thành các tiêu chuẩn của lớp học hiện đại. Ảnh: Avatarion.
Lớp học 2030
Sử dụng phần mềm để dịch văn bản hoặc lời nói từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác là nhu cầu ngày càng quan trọng trong các lớp học và những cộng đồng đa dạng ngày nay. Theo đó, nhờ tính năng dịch theo thời gian thực, học sinh có thể tham gia vào những cuộc trò chuyện đa ngôn ngữ.
Đưa robot đến trường
Một ví dụ khác là sử dụng robot được tích hợp trí tuệ nhân tạo (A.I) để hỗ trợ việc học cho những học sinh vắng mặt dài hạn vì lý do sức khỏe. Avatarion, một công ty của Thụy Sĩ, đã cho ra mắt sản phẩm robot đại diện. Robot này sẽ thay thế các em ngồi trong lớp học, đồng thời truyền âm thanh và hình ảnh đến bệnh viện hoặc nhà của học sinh để các em có thể tiếp tục tham gia việc học. Học sinh sẽ sử dụng máy tính bảng để điều khiển chuyển động và lời nói của robot, sử dụng robot để xung phong trả lời câu hỏi bằng cách điều khiển cho robot giơ tay và nói qua micro và loa được kết nối.
Đây chỉ là vài ví dụ về cách mà A.I và robot có thể được sử dụng cho mục đích giáo dục. Có vô số khả năng khác của công nghệ, máy học và sức mạnh tính toán khổng lồ mà chúng ta có thể khai thác trong hoạt động giáo dục.
Theo một nghiên cứu được Microsoft thực hiện cùng với McKinsey & Company’s Education Practice có tựa đề “The class of 2030 and life-ready learning: The technology imperative” (tạm dịch: Lớp học năm 2030 và phương pháp học tập sẵn sàng cho cuộc sống: Vai trò thiết yếu của công nghệ), chúng tôi thấy rằng công nghệ có thể nâng cao chất lượng dạy và học bằng cách giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể về từng học sinh, tạo động lực cho học sinh tham gia vào bài học và mang lại những trải nghiệm học tập phong phú. Đặc biệt, tất cả các lợi ích mà công nghệ mang lại này đều có thể được cung cấp trên quy mô lớn.
Chẳng hạn, những học sinh trung học cơ sở tham gia Sáng kiến Học tập Cá nhân hóa (Personal Learning Initiative - PLI) của Fresno có tỉ lệ đáp ứng hoặc thậm chí cao hơn 25% các tiêu chuẩn môn ngữ văn và toán so với học sinh không tham gia. Học sinh PLI cũng cho thấy sự khác biệt đáng kể trong việc sử dụng công nghệ và công cụ cộng tác số. Và quan trọng nhất, các quan sát viên nhận thấy rằng những học sinh này có khả năng tự chủ tốt hơn trong việc học của mình.
Chúng tôi dự đoán các nền tảng cộng tác, A.I và những công cụ thực tế hỗn hợp sẽ trở thành các tiêu chuẩn của lớp học hiện đại. Thế hệ học sinh 2030 sẽ học tập cùng nhau thông qua các trải nghiệm tương tác, giàu hình ảnh để đào sâu kỹ năng và kiến thức. Các em sẽ áp dụng những kỹ năng xã hội - cảm xúc trong quá trình cộng tác, xây dựng bài thuyết trình, đánh giá và điều chỉnh tư duy, đồng thời có cơ hội rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ mà các em sẽ cần trong tương lai tại nơi làm việc.
Học sinh, cộng đồng và xã hội nói chung có thể thu được nhiều lợi ích nếu chúng ta có thể giúp thế hệ học sinh 2030 mở rộng các kỹ năng xã hội - cảm xúc và nâng cao khả năng nhận thức. Phương pháp học tập cá nhân hóa sử dụng công nghệ có thể là cách hiệu quả để xây dựng lớp học lấy học sinh làm trung tâm và nâng cao các kỹ năng xã hội - cảm xúc cho học sinh.
Khám phá bản sắc cá nhân, kỹ năng - cảm xúc
Nhiều giáo viên, lãnh đạo trường học và hệ thống giáo dục mong muốn thay đổi, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Trên thực tế, có rất nhiều hướng đi mà tất cả các bên liên quan có thể bắt đầu thực hiện ngay hôm nay để tạo ra những thay đổi tích cực cho các lớp học năm 2030.
Đội ngũ giáo viên có thể cộng tác với nhau để thiết kế hoặc thí điểm các chương trình đào tạo tập trung vào việc xây dựng các kỹ năng xã hội - cảm xúc cho học sinh. Ngoài ra, giáo viên còn đóng vai trò quan trọng trong việc tận dụng hoặc tạo ra “những thời điểm thuận lợi” để có thể phát triển hoặc củng cố những kỹ năng xã hội - cảm xúc này.
Ví dụ, khi sử dụng các nền tảng học tập cộng tác, học sinh có thể học được cách thảo luận và làm việc cùng nhau trên tinh thần tôn trọng; giáo viên có thể tận dụng môi trường số để xây dựng một không gian giúp học sinh tự khám phá bản sắc cá nhân và học cách đưa ra những quyết định có tính trách nhiệm.
Nhiều giáo viên, lãnh đạo trường học và hệ thống giáo dục mong muốn thay đổi, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Ảnh: TL. |
Các nhà lãnh đạo trường học sẽ đóng vai trò quan trọng vì họ là những người tạo ra “văn hóa” cũng như xây dựng tầm nhìn và định hướng cho trường mình. Để tạo tiền đề cho quá trình này, có 2 cách mà các nhà lãnh đạo có thể sử dụng là khuyến khích giáo viên tạo ra những trải nghiệm học tập được cá nhân hóa cho học sinh và xác định các kỹ năng xã hội - cảm xúc mà họ muốn giáo viên làm mẫu trong các lớp học.
Brett Webster, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Ormiston ở Úc, chẳng hạn, có kế hoạch cho đội ngũ giảng viên tham gia vào các hoạt động thực hành STEM mang tính cộng tác cao để họ có thể nâng cao kiến thức cũng như áp dụng vào thiết kế bài giảng, phát triển sự đồng cảm và nâng cao nhận thức cho học sinh.
Lãnh đạo trường học cũng có thể tăng cường phát triển chuyên môn giáo viên bằng cách cung cấp các khóa học được cá nhân hóa, cho phép giáo viên tự điều chỉnh lộ trình, thời gian bắt đầu, tín chỉ và phương thức học trong quá trình đào tạo, bao gồm mô hình lớp học đảo ngược (flipped classroom - mô hình giao bài tập nghiên cứu trước khi vào lớp) và mô hình lớp học kết hợp (hybrid classroom - mô hình kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến).
Các nhà lãnh đạo hệ thống giáo dục sẽ cần ưu tiên những kỹ năng xã hội - cảm xúc và các phương pháp học tập được cá nhân hóa, làm rõ tiêu chuẩn, kỳ vọng, cũng như xác định cách đo lường lợi ích mà những thay đổi sẽ mang lại. Tiềm năng mà cách tiếp cận này mang lại trong việc xây dựng giá trị xã hội và đáp ứng nhu cầu của một lực lượng lao động năng động là rất quan trọng đối với chức năng của giáo dục và đào tạo.
Để mở rộng quy mô áp dụng, các nhà lãnh đạo hệ thống phải tạo cơ hội cho lãnh đạo trường học và giáo viên khám phá những công nghệ đang thịnh hành và mới nổi, cũng như vai trò của chúng trong việc phát triển các kỹ năng xã hội - cảm xúc và mô hình đào tạo được cá nhân hóa.
Nhà lãnh đạo cần xác định các trường trong hệ thống đã thí điểm thành công những chương trình đào sâu kỹ năng xã hội - cảm xúc và đào tạo cá nhân hóa hoặc có nhiều tiềm năng triển khai các khóa học đào tạo hoặc công nghệ mới. Bên cạnh thước đo thành công và các phương pháp theo dõi phù hợp, các nhà lãnh đạo cũng có thể áp dụng phân tích sâu hơn để dự đoán tác động của những phương pháp tiếp cận khác nhau trên phạm vi hệ thống giáo dục rộng hơn.
Ngoài ra, khi có cái nhìn cụ thể và đa dạng về dữ liệu, các nhà lãnh đạo hệ thống có thể hiểu rõ hơn tác động của các biện pháp can thiệp, nắm bắt xu hướng và nhân rộng quy mô của những mô hình hiệu quả nhất. Ví dụ, Catholic Education Western Australia (CEWA) đang tập hợp các dữ liệu đa dạng nhưng rời rạc trước đây, bao gồm cả tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, sau đó áp dụng các thuật toán để thúc đẩy phân tích dự đoán. Những cách tiếp cận này đang cung cấp một cái nhìn toàn hệ thống về tác động của các biện pháp can thiệp và sẽ giúp xác định mô hình thành công nào có thể được nhân rộng.
Những người định hình tương lai
Diễn đàn Kinh tế Thế giới lưu ý rằng chặng đường phía trước sẽ đòi hỏi “một hệ sinh thái đa diện gồm các bên liên quan” cùng phối hợp và đưa ra những giải pháp thúc đẩy các kỹ năng xã hội - cảm xúc và những phương pháp đào tạo như học tập cá nhân hóa.
Chúng tôi hiểu rằng các thay đổi sẽ tiếp tục diễn ra khi thế giới chịu tác động bởi công nghệ, toàn cầu hóa, chuyển dịch nhân khẩu học và các yếu tố khác. Cách chúng ta xã hội hóa, cộng tác và tham gia vào đời sống cá nhân theo đó sẽ thay đổi và mang đến những thách thức và cơ hội mới.
Trong khi chúng ta không ngừng dự đoán về xã hội và mô hình hóa các cơ hội làm việc có thể xảy ra đối với thế hệ học sinh tốt nghiệp năm 2030, thì thực tế, các học sinh này mới là những người sẽ định hình tương lai.
Các kỹ năng và thái độ mà giới trẻ phát triển trong quá trình đi học sẽ tác động đến tư duy, kỹ năng và khả năng học hỏi, gạt bỏ những điều đã học và học lại của họ.
Những người trẻ tuổi đã đóng góp vào nghiên cứu mang tính bước ngoặt này có định hướng rất rõ ràng: họ có khát vọng học tập để trong tương lai đảm nhiệm các công việc có ý nghĩa; họ coi trọng sự sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và sử dụng công nghệ; họ muốn dành nhiều thời gian hơn để phát triển các kỹ năng xã hội - cảm xúc, những nhân tố sẽ giúp họ định hướng một tương lai mang tính xã hội sâu sắc.
Chúng tôi tin rằng khi tất cả các bên liên quan cùng nhau thống nhất về các vấn đề cần được giải quyết và ưu tiên, chắc chắn rằng chúng ta có thể giúp giới trẻ phát triển những kỹ năng và tư duy cần thiết để thành công trong công việc và cuộc sống.