Lê Phan Thứ Ba | 06/03/2018 08:30

Lo cho Tranh Đông Hồ!

Mới đây, báo chí đã gióng lên nỗi lo ngại: làng nghề truyền thống này có nguy cơ biến mất vĩnh viễn.

Từ năm 2016 đến nay, có thể thấy khá nhiều dự án đơn lẻ, độc lập cho đến cấp quy mô, tiếp cận tranh Đông Hồ và tìm cách bảo tồn, quy hoạch, khôi phục và đưa tranh đến gần hơn với đại chúng, đặc biệt là những người trẻ và trẻ em. Tuy nhiên, nỗ lực có vẻ chẳng thể cứu vãn tình hình khi mới đây, báo chí đã gióng lên nỗi lo ngại: làng nghề truyền thống này có nguy cơ biến mất vĩnh viễn.

Không ít nỗ lực

Ở góc độ đơn lẻ và độc lập, có thể kể đến không ít dự án tâm huyết đưa tranh hoặc hình ảnh trong tranh Đông Hồ vào đời sống hiện đại bằng cách vẽ lại tranh, thiết kế cho phù hợp rồi in trên những sản phẩm thông dụng. Lần đầu tiên, chủ đề quen thuộc của tranh Đông Hồ như tranh gà, lợn, cá chép, cậu bé ôm gà... được thêu duyên dáng, tỉ mỉ trên những tà áo dài, áo yếm của các thương hiệu thời trang cao cấp Việt Nam Thủy Design House, Nâu Corner, 6thmay, Mystique Handmade... Bên cạnh đó là nhiều sản phẩm khác như lịch để bàn, túi vải, tranh treo tường, sổ ghi chép... Đây cũng chính là hình thức mà hiện nay rất nhiều người trẻ chọn cách theo đuổi, bắt nguồn từ ý thức giữ gìn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống.

Một dự án tạo được nhiều tiếng vang nhưng cũng đầy thử thách phải kể đến là INGO (in gỗ) của Nguyễn Thị Thanh Mai. Xuất phát từ nỗi hổ thẹn không biết một chút gì về tranh Đông Hồ khi được bạn bè quốc tế bất ngờ hỏi đến trong thời gian học tập tại nước ngoài, Mai trở về, tìm đến các nghệ nhân ở làng tranh Bắc Ninh tìm hiểu về tranh, bản khắc, màu sắc...

Tháng 10.2017, bản khắc gỗ của 4 bức tranh: bé trai, bé gái, cá voi và bọ ngựa ra đời, với bảng màu truyền thống đã tạo nên tranh Đông Hồ, vẽ trên nền giấy dó được Mai tự tin đem giới thiệu đến các em nhỏ tại một vài trường học và điểm sinh hoạt cộng đồng lên đến gần 2.000 trẻ em tại quận 2, TP.HCM, trong đó có không ít trẻ là người nước ngoài tỏ ra hứng thú với hình thức làm tranh Đông Hồ khi chính chúng là người tạo nên những bức tranh yêu thích.

Việc để trẻ tự mày mò sáng tạo và tìm hiểu, theo Mai, là cách tiếp cận và nuôi dưỡng hữu hiệu nhất tình yêu dành cho những giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng chừng đó với Mai hãy còn quá khiêm tốn với khát vọng đưa tranh Đông Hồ đến với nhiều người bằng hướng đi dài hơi, bền vững.

Một vài doanh nghiệp cũng không đứng ngoài dòng chảy này khi Tết 2018, Highlands Coffee lần đầu thực hiện dự án “Đương đại hóa tranh Đông Hồ”. Ba bức tranh được chọn là “Bắt Trọn Vinh Hoa” (họa sĩ Phạm Quang Phúc) kết hợp giữa nét hiện đại và truyền thống, hình ảnh em bé miền Nam ôm gà trống ngậm đồng xu selfie được lấy cảm hứng từ bức tranh Vinh Hoa “Cậu Bé Ôm Gà”, biểu hiện nguyện ước sinh sôi; “Thả Tim Se Duyên” (Nguyễn Thị Phương Trinh) với hình ảnh bà Nguyệt se duyên trong không khí mùa xuân, mong mọi người có cuộc sống sung túc, đủ đầy, tươi vui.

Lo cho Tranh Dong Ho!
Trẻ em tìm hiểu quy trình làm tranh Đông Hồ.

Hình ảnh bà Nguyệt gắn liền với hình ảnh mạng xã hội như bà Nguyệt ngày nay như Facebook, Instagram...; “Nhà nhà đấu vật” (họa sĩ Phạm Rồng) với hình ảnh các bạn trẻ tập gym, là sự kết hợp giữa bộ môn đấu vật trong truyền thống và không gian hiện đại, mong muốn một năm tràn đầy sức khỏe. Có 3.000 bản tranh được sản xuất theo đúng quy trình, nguyên liệu của tranh Đông Hồ truyền thống do chính gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế sản xuất sẽ được bán tại hơn 200 cửa hàng Highlands Coffee trên toàn quốc. Toàn bộ số tiền thu được dùng cho việc bảo vệ và phát triển tranh Đông Hồ.

Trước đó, dự án “Vẽ lại tranh dân gian” của Nguyễn Xuân Lam cũng đã được Nestby AIA hỗ trợ trưng bày tại một trong những trung tâm thương mại sầm uất nhất tại Hà Nội. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận nỗ lực của các cá nhân, bảo tàng tại TP.HCM và Hà Nội, trưng bày và giới thiệu tranh, hiện vật của các dòng tranh dân gian nói chung đến với đông đảo công chúng, trong đó có tranh Đông Hồ.

Làm thế nào cho đúng?

Điều mà các nghệ nhân và người làm văn hóa quan tâm hiện nay, đồng thời cũng là dấu hỏi lớn khi nhắc đến sự mai một không riêng về tranh Đông Hồ, chính là sự kém quan tâm hoặc quan tâm hời hợt, như chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Văn Quả trên báo chí: “Truyền thống đâu phải là thứ rót tiền vào ào ào là xong, họa hoằn dăm bảy chục năm nhớ về một tí, hứng lên thì bảo tồn, hết hứng lại thôi”.

Năm 2013, nghề làm tranh Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đi cùng là dự án khảo sát, quy hoạch và khởi dựng với số vốn hơn 60 tỉ đồng. Năm năm trôi qua, dự án bặt hơi tăm tích. Số tiền kia chẳng ai biết đi về đâu, chỉ có nghệ nhân ngậm ngùi khi thấy những bức tranh mệnh danh Đông Hồ làm cẩu thả bán đầy ngoài cửa hàng lưu niệm, còn người trẻ thì liên tục loay hoay tìm kiếm nguồn lực và kinh phí cho dự án của họ.

Lo cho Tranh Dong Ho!
 

Các nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Lê Đình Nghiên cũng có niềm vui nho nhỏ là 2 người con trai Nguyễn Đăng Tâm, Lê Hoàn nối nghiệp cha. Tuy nhiên, ngọn lửa ấy có được giữ gìn và tiếp tục cháy hay không là điều mà không chỉ 2 ông mà còn của rất nhiều người yêu tranh Đông Hồ trăn trở.

Trong khuôn khổ triển lãm “12 dòng tranh dân gian” tại Hà Nội vào năm 2016, họa sĩ Bùi Hoài Mai đưa ra giải pháp: “Tôi nghĩ nên làm sách đỏ về các nghề truyền thống. Bên cạnh đó, cần đưa tranh dân gian vào dòng thương mại. Nghĩa là cần sự tham gia của các nhà thiết kế, các nhà thương mại để nghệ nhân không bán tranh theo giá của một sản phẩm thủ công, mà bán như một sản phẩm văn hóa”.

Đáng lưu tâm và thiết thực nhất là ý kiến của Phó Giáo sư Trương Quốc Bình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Phải quảng bá về tranh dân gian trong chiến lược phát triển văn hóa, du lịch. Nhà nước phải có chính sách tiêu thụ sản phẩm, kèm theo chính sách thuế sao cho phù hợp. Cũng như rất cần tôn vinh nghệ nhân sao cho xứng tầm. Đặc biệt, phải có chính sách truyền nghề cho thế hệ trẻ”.

Nguồn lực như họa sĩ Mai băn khoăn đã có, vấn đề là làm thế nào để huy động và tập hợp cho một cuộc khôi phục dài hơi, có lộ trình thiết thực, bền vững, thay vì hô hào hoặc rục rịch cho có mỗi khi truyền thông lên tiếng.