Livestream kiếm chục triệu USD
Cuối tháng 8 vừa qua, OLive, ứng dụng livestream có trụ sở ở Singapore, đã phát đi thông điệp đạt hơn 1 triệu người sử dụng cùng 1.000 người có ảnh hưởng trên mạng xã hội sử dụng ở Việt Nam chỉ sau 2 tháng gia nhập.
Trong tay có 20 triệu USD
OLive là ứng dụng mới nhất tham vào thị trường Việt Nam, sau các doanh nghiệp nước ngoài như Tik Tok, Bigo Live, Uplive… Còn trong nước, TalkTV Live của VNG là đại diện Việt Nam hiếm hoi trong cuộc đua giành thị phần hiện nay. Livestream là hình thức phát video trực tiếp, được định nghĩa là các ứng dụng chia sẻ video ngắn đang trở thành trào lưu bùng nổ trên toàn cầu với khởi nguồn từ Trung Quốc.
Thị trường livestream tại Trung Quốc được ước tính sẽ đem đến doanh thu khổng lồ lên đến 15 tỉ USD vào năm 2020 (theo Goldman Sachs, 8.2017). Tháng 7 vừa qua, Bigo Live chính thức công bố số người theo dõi có hoạt động (active subscriber), cán mốc 45 triệu trong tổng số 150 triệu người theo dõi.
Theo ước tính của Deloitte, quy mô quảng cáo ước tính đổ vào livestream trên toàn cầu vào cuối năm nay khoảng 7,4 tỉ USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu đến từ riêng Trung Quốc là khoảng 4,4 tỉ USD.
Chưa có con số chính xác về doanh thu livestream ở Việt Nam, nhưng những người trong ngành ước tính dao động từ 8-10% tổng chi tiêu quảng cáo trực tuyến trong năm 2018.
Theo eMarketer, tổng chi tiêu quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam trong năm 2018 ước đạt 255 triệu USD. Nếu ước tính trên chính xác, thị trường livestream Việt Nam hiện trị giá xấp xỉ 20 triệu USD trong năm nay.
Ông Borix Xu, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành OLive, cho biết dù livestream ở Việt Nam chỉ mới phổ biến trong thời gian gần đây nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng hằng năm khiến đây là thị trường đầy tiềm năng cho các ứng dụng như OLive.
Đồng quan điểm, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Sản phẩm TalkTV (VNG), ứng dụng hiện có hơn 100.000 người sử dụng hằng ngày (Daily Active User - DAU) cho biết, vài năm trở lại đây, doanh thu ngành này đang trở thành nam châm thu hút các doanh nghiệp mới tham gia.
“Không tính Facebook và YouTube, thị trường trong vài năm trở lại đây tăng trưởng tối thiểu 2 con số”, ông Lã Xuân Thắng cho biết.
Chưa có thống kê chính xác về đơn vị dẫn đầu thị trường Việt Nam hiện nay, nhưng Bigo Live (Singapore) là đơn vị đang quảng bá lượng người sử dụng nhiều nhất trong thời gian qua, với DAU hiện đã vượt mốc 4 triệu.
Với gần 40 triệu người dùng internet tại Việt Nam, trong đó độ tuổi của người dùng khá trẻ có nhu cầu chia sẻ trải nghiệm, thể hiện bản thân cao thì livestream là một xu hướng nhanh chóng được người dùng internet Việt Nam yêu thích.
Đích nhắm nữ giới
Mặc dù có tính năng livestream như Facebook hay Google, nhưng mô hình kinh doanh của các ứng dụng livestream rất khác. Nguồn thu chính của nhóm này đến từ việc người sử dụng gửi quà tặng cho nhau.
Do đó, các video trên ứng dụng livestream có thời lượng ngắn, có thể là một điệu nhảy, một bài hát của người sử dụng và tạo cơ chế cho họ chia sẻ dễ dàng. Theo thời gian, một người có video được nhiều người xem sẽ trở thành các “siêu sao” và được những người sử dụng khác tặng quà ảo là các vật phẩm để khuyến khích họ tiếp tục sản xuất các nội dung mới. Các “siêu sao” có thể quy đổi quà tặng này thành tiền mặt. Do đó, rất nhiều ứng dụng livestream ở Việt Nam thu hút người tham gia bằng quảng cáo thu nhập lên đến vài chục triệu đồng mỗi tháng.
Về phần mình, các công ty phát triển ứng dụng livestream hoặc sở hữu các ứng dụng livestream sẽ là đơn vị phát hành tiền điện tử, công cụ dùng để mua các món quà ảo và họ thu lợi nhuận dựa trên giá trị chênh lệch giữa đồng tiền điện tử của họ và đồng tiền thực. Ở mỗi quốc gia, giá trị chênh lệch giữ tiền ảo và tiền thực là khác nhau.
Cách làm này đã được các đơn vị phát hành game trực tuyến áp dụng từ khá lâu. Tuy nhiên, với việc phổ biến của trào lưu đầu tư vào đồng tiền kỹ thuật số, việc sở hữu các đồng tiền điện tử đã là lợi thế của các ứng dụng livestream trong việc gọi vốn.
Để giành thắng lợi trong cuộc chiến livestream, các ứng dụng livestream cạnh tranh bằng số lượng người sử dụng và mức độ sử dụng hằng ngày của họ. Cuộc cạnh tranh này, theo ông Thắng của TalkTV, xoay quanh 3 yếu tố: chiến lược doanh nghiệp (quy mô đầu tư), nội dung (sự hấp dẫn của nội dung) và nền tảng kỹ thuật (giao diện, tốc độ xử lý). Trong đó, việc cạnh tranh về nội dung sẽ là yếu tố hàng đầu trong thời gian tới.
“Các ứng dụng livestream phải tạo ra những thần tượng trên nền tảng mới và các nội dung đó phải phù hợp với luật pháp Việt Nam”, ông Vòng Thanh Huy, Giám đốc Sản phẩm khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn AIG, đơn vị sở hữu ứng dụng Uplive, nhận định.
Cách phổ biến nhất trong thời gian tới là các ứng dụng này sẽ gia tăng các chương trình khuyến mãi cho người sử dụng. Song song đó, về lâu dài các ứng dụng sẽ chuyển dần nội dung phục vụ cho nữ giới thay vì chỉ phục vụ nam giới hiện nay.
Bài học này đúc kết từ Trung Quốc, sau một thời gian tạo ra các nội dung liên quan đến các mỹ nữ để thu hút nam giới, hai công ty được định giá lớn nhất là YY (6 tỉ USD) và Momo (9 tỉ USD) bắt đầu phát triển các nội dung giữ chân nữ giới như thời trang, mỹ phẩm và thậm chí là hẹn hò.