Pinterest.com

 
Thứ Ba | 18/07/2017 08:02

Liệu những bê bối của FIFA có giết chết World Cup?

Ngày càng có nhiều nước, tổ chức và công ty tẩy chay, không tài trợ cho World Cup vì thiếu sự minh bạch trong quá trình chọn nước đăng cai.

Không có sự kiện thể thao nào phổ biến hơn World Cup. Gần một nửa nhân loại - hơn 3,2 tỷ người - đã theo dõi World Cup 2014 tổ chức tại Brazil.

Nhưng trước khi các quốc gia cạnh tranh trên sân cỏ, họ đã phải giành nhau quyền đăng cai giải đấu này, vốn mang lại hàng tỷ USD tiền bản quyền truyền hình và tài trợ cho FIFA, cơ quan quản lý cao nhất của thế giới bóng đá. Sự cạnh tranh đó có thể gây rắc rối. Các vụ bê bối liên quan tới những kỳ World Cup trước đây cũng như những mùa World Cup sắp tới tại Nga và đặc biệt là Qatar đã làm cho nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu tình trạng tham nhũng có nhấn chìm môn thể thao vua?

Lieu nhung be boi cua FIFA co giet chet World Cup?
Chi phí tổ chức các kì World Cup (đơn vị: tỷ USD). Ảnh: Bloomberg

Gianni Infantino đã cam kết khôi phục lại danh tiếng của FIFA khi ông bắt đầu đảm nhiệm vị trí chủ tịch tổ chức này vào tháng 2/2016. Tuy nhiên, trong vòng vài tháng nay, công ty kiểm toán cho FIFA là KPMG đã rút lui vì nghi ngờ rằng tổ chức này không đủ nghiêm túc theo đuổi cải tổ. Giám đốc kiểm toán và tuân thủ của FIFA cũng đã từ chức, và nói rằng những quyền lực mới được trao cho các lãnh đạo của tổ chức này sẽ ngăn cản nỗ lực chống tham nhũng.

Vào tháng 5/2017, FIFA đã sử dụng những quyền hạn của mình để sa thải hai công tố viên nội bộ, nói rằng họ đã không thể đảm nhiệm đầy đủ vai trò của mình. Các công tố viên này cho biết việc sa thải họ xuất phát từ động cơ chính trị và có nguy cơ làm chìm xuồng "vài trăm" vụ việc vi phạm đạo đức đang diễn ra. FIFA cũng bãi nhiệm giám đốc bộ phận quản trị tổ chức chỉ sau 8 tháng bổ nhiệm, khiến 3 thành viên của ủy ban FIFA cũng từ chức theo để phản đối.

Người tiền nhiệm của Infantino là Sepp Blatter, người đã bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong 8 năm liền vào năm 2015, vì bê bối chi tiền cho chủ tịch liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) khi đó là ông Michel Platini. Một vụ bê bối lớn hơn đã xảy ra hồi năm ngoái khi hàng chục quan chức bóng đá cao cấp bị bắt trong chiến dịch truy quét của cảnh sát Thụy Sĩ tại môkhách sạn sang trọng ở Zurich. Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội 41 cá nhân và công ty trong một cuộc điều tra về tình trạng tham nhũng trong môn thể thao vua. Các cáo buộc này liên quan đến những vụ việc hối lộ hàng trăm triệu USD, và đã khiến 21 cá nhân bị truy tố, bao gồm 5 cựu lãnh đạo cao cấp của FIFA. Người đầu tiên bị bắt là một người Mỹ có tên Chuck Blazer, và ông này đã qua đời hồi tháng 7. sau khi đưa ra những tiết lộ động trời.

FIFA cũng đã trì hoãn việc tiết lộ toàn bộ cuộc điều tra kéo dài 2 năm về việc Nga và Qatar giành quyền đăng cai World Cup, và người phụ trách cuộc điều tra này đã từ chức để phản đối. Nhiều nước thành viên của FIFA đã kêu gọi rút quyền đăng cai của Qatar vào năm 2022 sau khi có cáo buộc rằng nước này đã hối lộ, nhưng đất nước nhỏ bé và giàu có này đã được "minh oan" sau cuộc điều tra của FIFA, và chuyển giải đấu sang mùa đông để tránh cái nóng nắng nóng của mùa hè.

Chuyện không mới

Những cuộc tranh chấp quyền đăng cai đã xuất hiện kể từ kỳ World Cup đầu tiên vào năm 1930. Khi đó, việc Uruguay được chọn đăng cai đã dẫn tới việc chỉ có 4 đội châu Âu tham gia. Sau đó, Uruguay và Argentina đã tẩy chay World Cup 1938 bởi vì Châu Âu được tổ chức sự kiện này lần thứ 2 liên tiếp. FIFA đã thử nghiệm luân phiên tổ chức giữa các châu lục, và bây giờ World Cup chỉ được tổ chức tại châu lục nào không đăng cai một trong hai giải đấu gần nhất.

Lịch sử gần đây cho thấy có rất ít lợi ích tài chính khi tổ chức World Cup. Nam Phi chỉ thu lại được 10% những gì họ đầu tư cho việc xây sân vận động và cơ sở hạ tầng cho World Cup 2010, lần đầu tiên giải đấu này diễn ra ở châu Phi.

Các nước đăng cai World Cup được bầu chọn bởi 24 thành viên của Ban chấp hành FIFA (về sau được đổi tên thành Hội đồng FIFA) trong một cuộc bỏ phiếu kín. Một cựu thành viên người Mỹ của ủy ban này đã tiết lộ rằng ông và những người khác đã nhận hối lộ liên quan đến việc lựa chọn Nam Phi. Trong khi Canada, Colombia, Mexico và Mỹ đang cân nhắc xin đăng cai World Cup 2026, Mỹ không có ý định nộp hồ sơ trừ khi việc bỏ phiếu phải được minh bạch hóa.

Sự phản đối ngày càng tăng

Việc luân phiên tổ chức World Cup trên toàn cầu giúp thúc đẩy sự phát triển của môn thể thao này. Dưới thời Blatter, FIFA cho biết họ đã đưa World Cup tiến vào "các vùng đất mới" để cho các quốc gia có cơ hội giới thiệu văn hoá của mình ra thế giới.

Những người chỉ trích cho rằng tổ chức World Cup là rất tốn kém và gây thua lỗ cho các nước đang phát triển - như Brazil - trong khi họ có thể dùng số tiền đó để chi tiêu cho việc khác. Những người khác nói rằng quá trình chọn lựa nước đăng cai chỉ là một trò hề khi FIFA đã tham nhũng nguồn thu hàng tỷ USD thu được từ truyền hình và tài trợ.

Trong khi FIFA cho biết họ muốn loại bỏ tận gốc các vấn đề và đã có những thay đổi đối với cơ chế quản trị, người chỉ trích nói rằng những động thái này vẫn là nửa vời. Họ cũng đặt câu hỏi liệu những cải cách có thể được thực hiện bởi các quan chức đã từng là một phần của hệ thống cũ đầy scandal, chẳng hạn như Infantino.

Trong nhóm vận động việc sa thải ông Blatter có cả những nhà tài trợ của FIFA, bao gồm Coca-Cola, Visa và McDonald's. Hiện tại, các nhà tài trợ cho World Cup, bao gồm cả Sony và Adidas (vốn cùng nhau chi 1,6 tỷ USD cho mỗi World Cup), đã ép FIFA điều tra các cáo buộc về bộ hồ sơ xin đăng cai ủa Qatar. Hãng hàng không Emirates của Dubai và các công ty khác đã rút tài trợ. FIFA đã không thể thu hút bất kỳ nhà tài trợ lớn mới từ Châu Âu hoặc Mỹ kể từ khi vụ bê bối tham nhũng xảy ra. Những đối tác tài trợ mà FIFA kí kết được kể từ sau bê bối là đến từ Qatar và Trung Quốc, một nước cũng rất muốn đăng cai World Cup.

Bá Ước

Nguồn Bloomberg