Lao động là hạnh phúc
Chiếc cuốc trên tay chị Ngô Thị Bê bổ xuống mặt đất ngày một nhanh khi trời gần về trưa. Huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) những ngày cuối năm với cơn gió se lạnh giúp giọt mồ hôi trên gương mặt chị mau khô hơn. Từ sáng tới giờ, người phụ nữ sinh năm 1984 đánh tơi đất cho vụ khoai sắp đến. Chỉ hơn 100 ngày tiếp sau thôi, nơi chị đứng sẽ biến thành một cánh đồng khoai trù phú, rộng hơn 2 ha.
Gia đình chị Bê đại diện cho khoảng 1.500 nông hộ tại khu vực miền Bắc và Tây Nguyên đang hợp tác với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thực phẩm PepsiCo Việt Nam (PepsiCo Foods Việt Nam) mỗi năm. Khoai họ trồng là nguyên liệu đầu vào cho Tập đoàn toàn cầu sản xuất thực phẩm. “Năm ngoái, trừ đi các chi phí, gia đình tôi thu được khoảng 400 triệu đồng”, chị nói với phóng viên NCĐT trong khi tay vẫn không ngừng bổ xuống những nhát cuốc trên khoảnh đất đỏ bazan.
Nguyên liệu cho nụ cười
Sau 17 năm PepsiCo Foods Việt Nam bắt tay cùng người nông dân phát triển vùng nguyên liệu khoai tây nhằm nâng tỉ lệ nguồn cung tại chỗ, giảm nhập khẩu, đến nay tổng diện tích trồng khoai liên kết của Công ty đã đạt gần 1.700 ha. Thống kê cho thấy năng suất trung bình tại Việt Nam là 24,6 tấn/ha, cao hơn mức trung bình tại Thái Lan, Indonesia... Đặc biệt, có những nông hộ đạt 54 tấn/ha, tạo cho họ nguồn thu nhập ổn định từ nông nghiệp. Năm 2024 PepsiCo Foods Việt Nam lần thứ 10 liên tiếp nằm trong Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam và năm thứ 2 liên tiếp giữ vị trí quán quân ở khối doanh nghiệp vừa, theo bảng xếp hạng của Anphabe.
“Nơi làm việc tốt chính là nơi làm việc hạnh phúc”, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe, giải thích. Dưới góc độ nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, Anphabe đã đưa ra định nghĩa và khung đo lường về “Nguồn nhân lực hạnh phúc”. Theo đó, chỉ khi thực sự hạnh phúc, người lao động mới có thể gắn kết cả lý trí, tình cảm với công việc và công ty, từ đó có động lực để đóng góp nỗ lực cho thành công của doanh nghiệp cũng như cam kết gắn bó lâu dài.
Nhưng để người lao động hạnh phúc, tiền có phải là yếu tố quyết định? Có phải khoản thu nhập 400 triệu đồng/năm giúp cho những lao động như chị Bê thấy hạnh phúc trong công việc? Câu trả lời là đúng và không. Bởi lẽ, dữ liệu từ Anphabe chỉ ra, trong 10 năm trở lại đây (2014-2023), mối quan tâm của người đi làm đối với các tiêu chí về nơi làm việc lý tưởng đã có sự thay đổi.
Cụ thể, trong 6 nhóm yếu tố chính, yếu tố “tưởng thưởng” tuy vẫn được người lao động cân nhắc hàng đầu, nhưng sự quan tâm đối với yếu tố này ít hơn so với trước (43% người lao động quan tâm vào năm 2018 xuống còn 34% vào năm 2023). Thay vào đó, 2 yếu tố được quan tâm nhiều hơn là “chất lượng công việc và cuộc sống” (19% người lao động quan tâm vào năm 2018 tăng lên 30% vào năm 2023) và “văn hóa và môi trường” (20% người lao động quan tâm vào năm 2018 tăng lên 29% vào năm 2023).
Dữ liệu trên khá tương đồng với câu chuyện tại PepsiCo Foods Việt Nam. Ngoài việc được cung cấp khoai giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác hiệu quả, chị Bê và các nông hộ khác còn được đi học lớp tập huấn do Công ty tổ chức. “Trước khi vào vụ, chúng tôi học về bình đẳng giới, làm đẹp cho bản thân, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình trước đám đông. Mọi học viên đều tự tin hơn trong cuộc sống”, chị cười và nói. Điều này giải thích vì sao sau 1 năm hợp tác với Công ty, chị Bê đã có ý định mở rộng diện tích trồng khoai.
Ngoài giúp nông dân hình thành tư duy kinh tế nông nghiệp, ông Nguyễn Việt Hà, Tổng Giám đốc PepsiCo Foods Việt Nam, cho biết doanh nghiệp cũng chú trọng trao cơ hội phát triển cho nhân viên. Công ty cải tiến liên tục các chương trình thúc đẩy phát triển kỹ năng làm việc, chuyên môn nghề nghiệp. Đây là quá trình giúp quản lý cấp trung và nhân viên trẻ vượt trội có khả năng bứt phá. Dẫn chứng là đầu năm 2024, một nhân viên quản lý tài chính trẻ tài năng, sau gần 1 năm gia nhập Công ty, đã được thăng chức lên vị trí quản lý khu vực Đông Dương và chuyển sang Bangkok (Thái Lan) làm việc.
Còn đối với AEON Việt Nam - doanh nghiệp đứng đầu bảng xếp hạng nơi làm việc tốt nhất ngành bán lẻ/bán sỉ/thương mại trong 2 năm liên tiếp, đề cao giá trị con người và phát triển nhân sự được xem là chìa khóa cho sự thành công bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Nhân sự, Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam, môi trường làm việc tại Công ty được xây dựng tập trung vào 3 trụ cột gồm phát triển sự nghiệp bền vững; văn hóa làm việc bền vững; doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong đó, “phát triển sự nghiệp bền vững” là hành trình cần được phát triển đầy đủ ở 3 khía cạnh: (1) thăng tiến trong công việc; (2) phát triển về chuyên môn; (3) nâng cao tư duy lãnh đạo và cống hiến cho cộng đồng.
Ở khía cạnh “thăng tiến trong công việc”, việc liên tục mở rộng kinh doanh giúp AEON Việt Nam mang đến cơ hội thử sức, phát triển sự nghiệp cho cả nhân tài nội bộ lẫn ứng viên tiềm năng bên ngoài.
Còn về việc phát triển chuyên môn, tập đoàn Nhật này chủ động đưa ra chính sách tài trợ 50% học phí các khóa đào tạo bên ngoài nhằm khuyến khích nhân tài nội tại chủ động tìm kiếm khóa học phù hợp với nhu cầu, mục tiêu phát triển cá nhân, đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp. “Chúng tôi đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ lãnh đạo kế thừa là nhân tài địa phương thông qua triết lý “leaders create leaders” (tạm dịch: lãnh đạo tạo nên lãnh đạo)”, bà Huệ chia sẻ với NCĐT.
Trước dịch COVID-19, người lao động có xu hướng ưu tiên tìm công việc với mức thu nhập tốt. Sau khi trải qua nhiều biến động, hiện tại, bên cạnh yếu tố lương thưởng, họ còn mong muốn tìm kiếm công việc mang tới cơ hội phát triển, tìm được ý nghĩa trong công việc, doanh nghiệp có môi trường văn hóa lành mạnh.
Đặc biệt, theo bà Huệ, người lao động còn quan sát xem doanh nghiệp có đóng góp giá trị bền vững, tích cực nào cho cộng đồng, hay doanh nghiệp có đồng hành cùng nhân viên trong thời điểm khó khăn hay không. Do vậy, một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải kết hợp chặt chẽ giữa chiến lược kinh doanh và phát triển nhân sự.
Nhân viên hạnh phúc, doanh nghiệp phồn vinh
Dữ liệu khảo sát trong giai đoạn 2018-2023 của Anphabe cho thấy, khi người đi làm cảm thấy hạnh phúc tại nơi làm việc, họ sẽ cống hiến và làm nhiều hơn mức bình thường gấp 1,7 lần để giúp doanh nghiệp thành công. Mức độ mong muốn chọn làm việc ở công ty hiện tại của họ cao gấp 2,5 lần thay vì tìm nơi khác trả lương cao hơn. Doanh nghiệp có nguồn nhân lực hạnh phúc cũng sẽ có mức lợi nhuận trung bình cao hơn 21% so với các doanh nghiệp không có nguồn nhân lực hạnh phúc.
Vậy kiến tạo môi trường làm việc hạnh phúc có khó không? “Đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội”, đại diện AEON Việt Nam trả lời. Xây dựng “nơi làm việc hạnh phúc” là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng. Tìm kiếm, thu hút và giữ chân những nhân tài trong ngành bán lẻ. Rồi chính những con người tài năng này sẽ trở thành nhân tố then chốt, góp phần mang đến sự hài lòng cho khách hàng thông qua các trải nghiệm dịch vụ. Bởi lẽ, khi nhân viên cảm thấy hạnh phúc, họ sẽ sáng tạo hơn, tạo ra những giá trị độc đáo, giúp doanh nghiệp phát triển.
Còn tại PepsiCo Foods Việt Nam, ông Nguyễn Việt Hà cho hay, nâng tầm, đa dạng hóa nhân tài bằng cách trao cơ hội phát triển cho nhân viên, giúp họ có cơ hội làm việc không chỉ tại Việt Nam mà còn trong khu vực và toàn cầu, là một trong những yếu tố tạo nên nơi làm việc tốt. Liên tục đổi mới và sáng tạo các dòng sản phẩm là mảnh ghép tiếp theo. Cùng với đó, Công ty chú trọng yếu tố hòa nhập và tôn trọng. “Các thế hệ, các cá tính đều được lên tiếng và cần được lắng nghe”, ông nói thêm về môi trường làm việc tại doanh nghiệp.
Như vậy, cải thiện lương, thưởng là chưa đủ mà doanh nghiệp còn cần tạo ra văn hóa làm việc hạnh phúc, môi trường tích cực, lấy nhân sự làm trọng tâm để phát triển. Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút, giữ chân nhân tài ngày càng khốc liệt như hiện nay, việc xây dựng môi trường làm việc tốt không chỉ là chiến lược phù hợp mà còn là nền tảng để tạo giá trị bền vững, giúp doanh nghiệp phát triển đường dài.
Sau hơn 14 năm Anphabe thực hiện 1.800 dự án khảo sát nhân sự, lắng nghe trăn trở từ người đi làm tại các doanh nghiệp, bà Thanh Nguyễn đánh giá, xây dựng một môi trường làm việc hạnh phúc không khó nếu doanh nghiệp thực sự hiểu và lắng nghe chính xác mong muốn, kỳ vọng của người đi làm. Để thực hiện được điều đó, doanh nghiệp nên có kế hoạch “khám bệnh” định kỳ thông qua các chương trình khảo sát (bên trong - bên ngoài) với những mô hình có tính khoa học, khách quan, sự hỗ trợ cắt lớp và phân tích dữ liệu từ chuyên gia. Qua khảo sát, những gì nhân viên đang cảm nhận và kỳ vọng ở phía doanh nghiệp sẽ được định danh chính xác.