Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: coquanhoptacquocte
Lao động "chui" xứ người: Thiên đường "màu hồng" hay hiện thực tàn khốc?
Mong muốn thay đổi cuộc sống, kiếm được một khoản tiền, nhiều người Việt "ôm mộng'" sang nước ngoài lao động "chui" mặc cho đó là hình thức lao động sai quy định. Và dù có là lao động hợp pháp tại các nước nhưng khi hết thời hạn hợp đồng nhiều người vẫn tìm cách ở lại nơi 'đất khách quê người', sống bất hợp pháp, không giấy tờ… đang trở thành vấn đề nổi cộm. Trên thực tế, những lao động "chui" này khi trốn ra ngoài làm rất dễ nhưng đôi khi phải trả giá bằng cả tính mạng của mình.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm hơn 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm. Cả nước có khoảng 500.000 lao động đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.
Theo bà Lê Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB- XH) dù thời gian qua tỷ lệ lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo kênh chính thức tăng nhưng cùng với đó tỷ lệ lao động đi “chui” cũng tăng theo đáng kể.
Xu hướng người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc qua kênh không hợp pháp gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro bị ngược đãi, bóc lột. Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: NLD |
Câu chuyện 39 người thiệt mạng trong trong thùng xe container ở Anh, nghi vấn có người Việt trong số đó, khiến nhiều người bàng hoàng. Một số người dân ở vùng quê đã bỏ tiền theo các đường dây "chui" sang lao động ở nước ngoài. Tuy nhiên, làm việc chui lủi ở nước ngoài có thật sự là thiên đường với toàn "màu hồng" hay những đồng tiền kiếm đều được là xương máu?
Ngoài 110 nghìn lao động xuất cảnh hợp pháp hàng năm theo hiệp định và thỏa thuận hợp tác nhân lực của Việt Nam với các quốc gia, còn có số lượng rất lớn lao động di cư làm việc ở nước ngoài theo nhiều con đường khác nhau và phần lớn trong số đó là bất hợp pháp.
Tình trạng lao động bất hợp pháp cùng với những nguy hiểm trong quá trình di chuyển và môi trường lao động không đảm bảo đã được các bản tin thời sự nhiều lần cảnh báo. Tháng 5 vừa qua, đã có 2 người Hà Tĩnh thiệt mạng do bị cướp sát hại tại Angola. Tuy nhiên, vẫn còn vô vàn những câu chuyện thương tâm khác mà ít người biết đến, thậm chí cả người nhà của họ ở Việt nam.
Câu chuyện xảy ra ở Anh hiện vẫn chưa có kết luận chính xác. Tuy nhiên, điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lao động chui và những cái kết buồn với những ai có ý định tham gia nộp tiền cho các đường dây chui đưa người lao động sang các quốc gia khác.