Ảnh: Thebank.
Làm ngân hàng không như là mơ
Khi nhắc đến “thưởng”, phần lớn mọi người đều nghĩ ngay đến Ngân hàng, nào là Ngân hàng V thưởng 9-10 tháng lương, Ngân hàng A thưởng hàng trăm triệu... Và rồi, Ngành Ngân hàng được tô hồng thông qua những thông tin về lương cao, thưởng khủng, việc nhàn. Sự thật có phải như thế?
Chia sẻ của chị Ngọc Dung (29 tuổi) hiện đang làm Chuyên viên tư vấn tại một Ngân hàng ở TP. HCM. Chị Dung đã làm việc trong lĩnh vực Ngân hàng được 4 năm. Chia sẻ với Phóng viên Nhịp Cầu Đầu Tư, chị Dung cho biết nhân duyên đưa chị đến với nghề Ngân hàng là những bài báo “tô hồng” ngành Ngân hàng, nào là lương cao, phúc lợi tốt... Chị nhớ lại khoảnh khắc mình thi đậu vào Ngân hàng đúng là một điều gì đó tuyệt vời, như chinh phục được cả thế giới. Bao nhiêu niềm tự hào, hạnh phúc, hãnh diện với gia đình, bạn bè và hàng xóm láng giềng. Thế rồi, khi thật sự bước chân vào ngành này, chị mới thấy được nó khốc liệt đến nhường nào.
Trái ngược với viễn cảnh màu hồng, một môi trường làm việc ngân hàng khá cạnh tranh, mọi người phải tự học hỏi, tự làm việc và trau dồi những kiến thức cả cũ và mới. Những đồng nghiệp lâu năm, họ cũng bận quá nhiều công việc, ai cũng lo cho chạy chỉ tiêu của riêng mình và không có nhiều thời gian để giúp đỡ cho những nhân viên mới.
Nếu như người ngoài nhìn vào, nghĩ rằng Ngân hàng việc nhẹ, lương cao, thì có lẽ, đó là môi trường Ngân hàng trong mơ. Bởi những ngày tháng chị đã trải qua, là công việc bắt đầu từ 7h30 sáng và thường kết thúc lúc 19, 20h tối với mức lương từ 6-7 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh áp lực công việc nhiều, môi trường cạnh tranh, chị Dung cho biết làm dịch vụ thì không thể tránh được những áp lực từ phía khách hàng. Chị cho biết khu vực mà chị làm việc khách hàng rất đông, chưa kể khách hàng chưa có thói quen chờ đợi, nên ai bước đến cũng yêu cầu được giải quyết nhanh và sớm nhất. Có những thời điểm, 1 lúc chị tiếp 2,3 khách hàng là chuyện rất bình thường.
Làm dịch vụ, trăm người vạn ý, mỗi khách lại có những yêu cầu và thái độ khác nhau mà đòi hỏi nhân viên Ngân hàng phải khôn khéo để ứng xử. 1-2 năm trở lại đây, Ngân hàng đưa thêm chỉ tiêu bán bảo hiểm cho nhân viên, khiến lượng công việc và áp lực lại tăng cao lên.
Rồi hàng loạt những bài chia sẻ về Ngân hàng thưởng hàng trăm triệu, điều đó khiến suy nghĩ của khách hàng cũng khắt khe hơn với nhân viên Ngân hàng. Họ cho rằng nhận được lương khủng như thế, cao như thế thì không có quyền được than vãn với khách hàng. “Thật sự, làm Ngân hàng rồi mới biết, nếu có gia đình cũng không có thời gian chăm sóc cho gia đình, cơm nước cho con cái”. “Không phải Ngân hàng nào cũng thưởng cao, không phải Ngân hàng nào lương cũng khủng. Hy vọng khách hàng không vì những tin tức như vậy mà khắt khe với nhân viên Ngân hàng”, chị Dung ngậm ngùi chia sẻ.
Bên cạnh những áp lực mà nhân viên Ngân hàng trải qua như chia sẻ của chị Ngọc Dung thì làm Ngân hàng cũng có nhiều điều thú vị. Phóng viên Nhịp Cầu Đầu Tư có dịp trao đổi cùng chị Mỹ Dung, đang là Giao dịch viên của một Ngân hàng ở trung tâm TP.HCM.
Chị cho biết có những ngày về đến nhà mà thấy trời còn sáng thì hôm đó quả là một ngày đặc biệt và có chút lạ lẫm. Bên cạnh những áp lực của ngành Ngân hàng, thì có những lúc nghề này cũng đem đến cho chị nhiều niềm vui. Có những khách hàng thân thiết, mỗi ngày họ lại đem đến một câu chuyện, mỗi bài học hay kinh nghiệm cho bản thân mình. Có nhiều khách hàng cũng có hoàn cảnh khó khăn, chị cảm thấy giúp được họ cũng là một điều rất hạnh phúc.
Có những ngày cuối năm mệt mỏi, thì những cơn mưa rơi lác đác cũng xoa dịu được phần nào những nỗi nhọc nhằn, đó là tiếng tinh tinh của điện thoại báo tiền thưởng.
Vậy mới thấy, làm nghề nào cũng vậy, cũng có những vai trò và nhiệm vụ khác nhau. Nghề nào cũng cần đòi hỏi sự cố gắng của mỗi người, mỗi nghề mỗi vẻ và thật khập khễnh nếu chúng ta so sánh mà không có sự trải nghiệm.
Như trong một cuốn sách đã từng viết, mỗi chúng ta đều có một quỹ thời gian như nhau, mỗi năm 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày và mỗi ngày 24 giờ... Việc sử dụng quỹ thời gian ấy theo cách như thế nào, nhắm đến mục đích gì cũng như sẽ thực sự đạt được những gì phần lớn do chính ta quyết định. Do đó, chúng ta chỉ cần sống đúng với khung thời gian của bản thân mình là được.
►Nhân lực ngành tài chính – ngân hàng: Thừa nhân sự, thiếu kinh nghiệm