Lagom: Triết lý "vừa đủ" của người Thụy Điển
Vừa đủ chính là một khái niệm “hoàn hảo” mới và đây chính là tinh thần dẫn dắt Thụy Điển vượt những thử thách trong quá khứ và tận hưởng hiện tại một cách trọn vẹn. Thực hành lối sống này không khó nhưng lại đòi hỏi mọi người phải biết tiết chế nhu cầu vật chất và phải thường xuyên đối thoại với chính bản thân mình.
Đủ cho người sau
Thụy Điển thường có vị trí cao trên các bảng xếp hạng của thế giới về sự sáng tạo, chất lượng, tính cạnh tranh và bền vững. Thụy Điển cũng là quê hương của giải Nobel, của ban nhạc ABBA và là đất nước đã sinh ra những thương hiệu vượt trội như Volvo, IKEA, ABB, H&M, Electrolux, Tetra Pak, Skype, Spotify, King với loạt game Candy Crush Saga...
Thụy Điển còn có một thứ không quốc gia nào có, đó là khái niệm Lagom. Lagom thường xuất hiện trong các cuộc trò chuyện của người Thụy Điển và không có từ đồng nghĩa trong tiếng Anh, nhưng có thể được hiểu là “vừa đủ” - không quá ít cũng chẳng quá nhiều, chỉ “vừa đủ”.
Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg |
Rất nhiều người tin rằng từ này bắt nguồn từ thuật ngữ “laget om” của người Viking, nghĩa là “chuyền quanh trong nhóm”. Thuật ngữ này xuất phát từ thói quen những người Viking xưa thường chuyền một chiếc sừng đầy rượu theo vòng, mỗi người nhấp một ngụm vừa đủ để đảm bảo vẫn còn đủ rượu cho những người sau.
Hơn 1.000 năm ứng dụng trong toàn xã hội, đối với nhiều người Thụy Điển, Lagom mang những đặc trưng văn hóa Thụy Điển. Người Thụy Điển không làm việc nhiều hơn hoặc lâu hơn mức cần thiết, họ nghỉ giải lao để uống cà phê và trò chuyện với bạn bè đồng nghiệp. Họ nhận ra sự cân bằng đó: Không quá ít, chẳng quá nhiều, là một yếu tố quan trọng đối với sự hiệu quả, tính sáng tạo và hạnh phúc.
Lagom và sự bền vững đồng hành với nhau. Bạn có thể tìm thấy tinh thần Lagom bằng cách theo dõi các khoản chi tiêu của mình, tái chế các món đồ nội thất, có ý thức giảm những ảnh hưởng mà bạn gây ra với môi trường, bằng cách tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu thay vì chuộng lối sống phung phí. Bạn có thật sự cần 50 đôi giày không? Tất nhiên là không rồi. Và thay vì vắt kiệt sức với 60 giờ làm việc mỗi tuần rồi ngã bệnh, Lagom khuyến khích lối sống cân bằng.
Còn Lagom với môi trường thì sao? Theo chúng tôi, tinh thần đó giúp người dân ý thức trong những việc có thể tác động đến môi trường, cố gắng chỉ thải ra một lượng CO2 mà hệ sinh thái Trái đất có thể hấp thu và không được nhiều hơn mức này. Đó là cách chung tay bảo vệ mẹ thiên nhiên.
Tiết kiệm và sự cân bằng lành mạnh
Lagom cũng khuyến khích tính tiết kiệm và sự cân bằng lành mạnh. Chính sự tự kìm chế này đã giúp Thụy Điển trở thành một xã hội dân chủ, cởi mở và công bằng, nơi mà các tổ chức công đoàn hoạt động hài hòa với các nhà tư bản công nghiệp, nơi người ta làm việc nghiêm túc, chăm chỉ nhưng không thái quá.
Hệ thống phúc lợi xã hội hiện đại nổi tiếng trên toàn thế giới của Thụy Điển được xây dựng trên nền tảng chia sẻ nguồn lực sao cho mọi người đều có một lượng “vừa đủ”. Một “bí mật” có thể khiến mọi người giật mình: người dân Thụy Điển đóng thuế rất cao. Bản thân tôi, mức thuế phải đóng gần 50% thu nhập.
Thế nhưng, người dân vẫn rất hài lòng với điều này vì chúng tôi biết, khoản đóng góp ấy được sử dụng vào những mục đích tốt đẹp, vừa đủ cho cả xã hội. Sự tin tưởng, tinh thần sẻ chia và triết lý sống vừa đủ hoàn toàn có thể tạo nên những nguồn lực cộng đồng mạnh mẽ.
Trong kinh doanh, Lagom là sự cân bằng giữa việc tối đa hóa thế mạnh bên trong với học hỏi từ bên ngoài. Tại một quốc gia nhỏ bé và phụ thuộc vào xuất khẩu như Thụy Điển, các công ty cần tương tác với thế giới rộng lớn để hiểu được nhu cầu chung và để rút ra bài học từ những thành công và thất bại của các công ty khác. Nhiều doanh nghiệp cũng nhanh chóng áp dụng các bài học đó vào thực tế.
Điều này đòi hỏi lòng can đảm và cho thấy người Thụy Điển có tính sáng tạo cùng phẩm chất doanh nhân. Khi bạn liên tục nhận tác động từ bên ngoài, bạn sẽ chất vấn những hành vi mà mình đã tự học được. Và đó chính là điều kiện tiên quyết để liên tục phát triển. Có thể bạn đã biết Stockholm, thủ đô của Thụy Điển, là cái nôi của những công ty khởi nghiệp, nơi sản sinh ra số lượng công ty công nghệ giá trị hàng tỉ USD nhiều thứ 2 thế giới, chỉ sau Thung lũng Silicon.
Từ tháng 10.2016, tôi chính thức được làm việc tại Việt Nam trong vai trò đại sứ. Mối duyên này giúp tôi có điều kiện làm việc và tiếp xúc với nhiều người Việt, thấy được tinh thần hăng say lao động của con người nơi đây. Câu hỏi đặt ra là, với một quốc gia và một dân tộc đang hừng hực khí thế phấn đấu như Việt Nam, liệu có thể ứng dụng Lagom vào đời sống hay không - tất nhiên là điều mà nhiều người Việt quan tâm. Câu trả lời của tôi là có.
Bởi vì, mỗi người sẽ có một mức độ Lagom khác nhau và những điều giúp tôi cảm thấy vui có thể khác với những điều giúp bạn cảm thấy vui. Tuy nhiên, cách hiểu chung vẫn là khi điều gì đó “vừa đủ” thì đó chính là Lagom. Ai cũng có thể sống theo tinh thần Lagom. Bạn có thể ăn một lượng thức ăn vừa đủ, sống trong một ngôi nhà vừa đủ, lái một chiếc xe vừa đủ và chỉnh nhiệt độ phòng ở mức vừa đủ. Nói cách khác, đó là nghệ thuật thỏa mãn với mức độ vừa đủ để tận hưởng cuộc sống.
Đừng nghĩ rằng, quốc gia đã ổn định như Thụy Điển mới có thể thực hành vừa đủ. Hơn 100 năm trước, chúng tôi là quốc gia nghèo nhất khu vực châu Âu. Tinh thần lao động vừa sức, không đòi hỏi sự hoàn hảo thực ra là điều kiện tốt nhất để đạt đến hiệu quả, tính sáng tạo và quan trọng hơn là hạnh phúc. Chẳng phải con người sẽ phát huy được bản thân khi họ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái nhất?
Lagom là những bài học về sự tiết chế và cân bằng: tìm sự cân bằng trong cuộc sống thường nhật để chúng ta có thể tìm được niềm vui, để từ đó có được những lợi ích cả về thể chất lẫn tinh thần cho bản thân. Khi lối sống của từng cá nhân cân bằng thì rõ ràng cộng đồng và môi trường của chúng ta cũng có thể được cân bằng. Đó chắc chắn là điều vô cùng giá trị khi chúng ta sống trong một thế giới rộng lớn hơn, chuyển động nhanh hơn và đắt đỏ hơn
(*) Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam