Hoài Sa Thứ Hai | 22/05/2017 12:00

Kinh doanh bóng đá: Thua mà không lỗ

Chuyện lời lỗ trong kinh doanh, nhất là với thể thao, khá khó đánh giá bởi có những giá trị vô hình mà doanh nghiệp có thể hưởng lợi lâu dài.

Việc một đối tác của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chi 10 tỉ đồng để mời đội tuyển U20 Argentina sang đá 2 trận giao hữu trước khi đội này sang Hàn Quốc dự giải U20 thế giới đang được nhiều người ví như hành động ném tiền qua cửa sổ.

Nhiều tờ báo đã “soi” vào những hàng ghế trống trên sân Mỹ Đình trong trận giao hữu thứ hai của đội tuyển U20 Argentina trên đất Việt Nam (thắng U22 Việt Nam 5-0) và lấy đó làm minh chứng cho việc làm ăn thất bại của các nhà tổ chức. Dù Ban tổ chức đã thu hút được khoảng 16.000 khán giả cho trận đấu với U20, so với sức chứa của sân Thống Nhất là 18.000 người.

Để đánh giá phi vụ trên thành công hay thất bại, người ta đánh giá qua hai khía cạnh: chuyên môn và kinh doanh. Nếu xét về khía cạnh đầu tiên, khó có thể kết luận rằng chúng ta thua hay thắng, bởi khoảng cách trình độ giữa các đội tuyển chủ nhà với U20 Việt Nam là quá chênh lệch, thể hiện qua tỉ số 4-1 và 5-0 nghiêng về phía đội khách.

Nhưng với riêng đội U20 Việt Nam, việc được cọ xát với một đội bóng đang giữ kỷ lục về số lần vô địch ở U20 World Cup quả là một bài học quý giá trước khi lên đường sang Hàn Quốc dự giải. Dù có thua, nhưng chúng ta sẽ có cái nhìn thực tế, biết mình đang đứng ở đâu để có sự chuẩn bị tốt nhất cho giải đấu. Đây là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam được tham dự một vòng chung kết World Cup nên hẳn chúng ta có quá nhiều điều bỡ ngỡ. Do đó, có thể khẳng định trận đấu với U20 Argentina là cần thiết, dù giá để được so tài với họ đắt bao nhiêu đi chăng nữa.

Tuy nhiên, có vẻ như đội U22 Việt Nam lại không tận dụng được cơ hội cọ xát này, bởi theo giới chuyên môn, đội bóng của Hữu Thắng vào trận có phần quá hời hợt. SEA Games sắp tới được cho là mục tiêu lớn nhất của bóng đá Việt Nam năm 2017, thậm chí còn hơn cả U20 World Cup, nên khoản tiền chi ra để tổ chức trận đấu trên sân Mỹ Đình quả đã bị phí phạm.

Kinh doanh bong da: Thua ma khong lo
 

Nhưng cùng cần nói rõ, VFF không phải chi số tiền này, đối tác chịu toàn bộ. Mà với đối tác thì họ đã có các nhà tài trợ đứng sau lưng. Chuyện lời lỗ trong kinh doanh, nhất là với kinh doanh thể thao cũng khó đánh giá bởi có những giá trị vô hình mà doanh nghiệp có thể hưởng lợi về lâu về dài.

Một chuyên gia về kinh doanh thể thao (xin được giấu tên) nhận xét: “Các đội tuyển có dịp cọ xát, người hâm mộ được tận mắt xem những cầu thủ đẳng cấp, chưa kể 2 trận đấu còn tạo được nhiều công ăn việc làm, dịch vụ… Nhà nước đang kêu gọi xã hội hóa thể thao và các doanh nghiệp đang chung tay, cớ sao lại có những ý kiến phản đối!”.

Chuyên gia này cũng dẫn lại ví dụ vài năm trước, ông bầu Đỗ Quang Hiển của Ngân hàng SHB cũng chịu lỗ nặng khi bỏ ra gần 35 tỉ đồng mời Manchester City qua Việt Nam thi đấu. Nhưng bù lại, đội bóng Hà Nội T&T của ông Hiển cũng “có số má” hơn khi thu hút được nhiều cầu thủ chất lượng, ký được nhiều hợp đồng tài trợ tầm cỡ và mùa vừa rồi đã lên ngôi vô địch quốc gia. Thành công trên sân cỏ cũng đánh bóng cho thương hiệu ngân hàng của ông bầu.

Lại nhớ cách đây khoảng một thập niên, năm nào chúng ta cũng mời Thái Lan B hoặc đội trẻ của họ sang dự các giải đấu như Cúp Nông nghiệp. Có lần thắng được họ, cả làng ăn mừng hỉ hả. Nhưng khi đến các giải chính thức thì bóng đá Việt Nam luôn chịu cảnh nằm dưới Thái Lan. Có lẽ, đó mới là định mệnh của bóng đá Việt Nam.

Hoài Sa