Các cửa sổ bằng kính của trụ sở Uber ở San Francisco có thể di chuyển được, cho phép không khí ra vào tòa nhà.
Kiến trúc sức khỏe
Trong con hẻm nhỏ giữa một khu dân cư tại Thủ Đức (TP.HCM) là một căn nhà ống có thiết kế khác thường có tên Nhà lam trắng (White Louvers House). Mặt tiền căn nhà ánh lên màu kim loại được lắp ghép từ 260 lá thép hình chữ V theo những góc khác nhau tùy độ cao, nắng mưa có thể thông qua giếng trời. “Sau 1 năm sống trong nhà, cậu bé 4 tuổi, con của chủ nhà đã khỏi bệnh hô hấp”, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Huỳnh Văn Khang, đồng sáng lập Passive Design Laboratory (PDL), kể về một trong những thành tựu mà căn nhà mất gấp 3 lần thời gian thiết kế thông thường đã mang lại.
Những năm gần đây, kiến trúc sức khỏe (wellness architecture) nổi lên như một xu hướng kiến trúc mới, bên cạnh kiến trúc xanh và kiến trúc bền vững. “Kiến trúc sức khỏe là một khái niệm quan trọng gần đây”, ông Khang nhận xét. Tương tự như kiến trúc xanh, đã có các tiêu chuẩn cho kiến trúc sức khỏe qua việc cung cấp các chứng chỉ. 7 yếu tố quan trọng được đề cập trong Tiêu chuẩn Xây dựng WELL bao gồm không khí, nước, ánh sáng, dinh dưỡng, thể chất, sự thoải mái và tâm trí. Những mối quan tâm để tối ưu sức khỏe có thể được cân nhắc từ đầu, ngay tại giai đoạn thiết kế. Tuy vậy, các ngôi nhà cũ cũng có thể được nâng cấp và cải tạo để đạt được hiệu quả về sức khỏe như mong muốn.
Trong một bài viết trên ArchDaily, Ankitha Gattupalli, một nhà báo, kiến trúc sư người Ấn Độ, nói rằng Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi đặt sức khỏe tinh thần và phúc lợi cho tất cả mọi người thành ưu tiên toàn cầu. Việc thiết kế vì sức khỏe và phúc lợi có thể được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau như các yếu tố về môi trường, trí tuệ, tinh thần và thể chất.
Bằng cách thiết kế các không gian tập trung vào tác động của chúng đối với sức khỏe, kiến trúc sức khỏe có khả năng mang đến những tòa nhà chứa đựng định nghĩa đa chiều này. Theo Ankitha, thiết kế sức khỏe có thể là một thuật ngữ tương đối mới, nhưng nguyên tắc này vay mượn ý tưởng từ các kỹ thuật thiết kế lịch sử.
Cảnh quan thị trấn Hy Lạp cổ đại là sự kết hợp hài hòa giữa các đền thờ, phòng khám, nhà chữa bệnh cho người mất ngủ và nhà hát nhằm hỗ trợ văn hóa, tinh thần và thể chất. Người La Mã nhận ra tầm quan trọng của ánh sáng, gió, nước và mối quan hệ của nó với các tòa nhà để thúc đẩy cuộc sống lành mạnh. Ở phương Đông, truyền thống thiết kế của Trung Quốc và Ấn Độ tập trung vào các hoạt động mang lại sức khỏe tốt như phong thủy. Nguyên tắc cốt lõi của kiến trúc sức khỏe nằm ở việc thiết kế thân thiện với môi trường và kết nối thiên nhiên. Các không gian này ưu tiên ánh sáng, thông gió tự nhiên và tối ưu hóa nhiệt lượng từ mặt trời. Song song đó là việc sử dụng vật liệu tốt cho sức khỏe.
Lợi ích của loại hình kiến trúc sức khỏe đã được chứng minh. Nghiên cứu được Viện Xây dựng WELL Quốc tế thực hiện vào năm 2018 cho thấy những công nhân làm việc trong tòa nhà được chứng nhận WELL ghi nhận tăng năng suất 6,4% so với công nhân ở những tòa nhà không được chứng nhận. Delos Living cũng cho biết nhân viên làm việc tại những tòa nhà đạt chứng nhận WELL tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe hằng năm trung bình 6.500 USD.
Với tiềm năng lớn này, Technavio dự báo thị trường bất động sản sức khỏe sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ 21,77%/năm giai đoạn 2022-2027. Mặc dù hiện chỉ chiếm khoảng 3,5% quy mô của thị trường bất động sản toàn cầu, tốc độ tăng trưởng nhanh gấp 4 lần thị trường cho thấy tầm quan trọng và tiềm năng trong tương lai của phân khúc này. “Các con số về quy mô và tốc độ tăng trưởng của bất động sản sức khỏe có thể khác nhau tùy theo các tiêu chí và dữ liệu đầu vào”, ông David Jackson, CEO Avison Young Vietnam, bình luận. “Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng nhu cầu cơ bản của con người là có một môi trường sống an toàn và lành mạnh”, vị CEO nói thêm.
Đáng chú ý, việc đòi hỏi cao hơn về các sản phẩm và dịch vụ mang tính bền vững của Gen Y và Gen Z, chiếm một nửa dân số thế giới, là những người mua nhà chủ chốt ngày nay, được cho sẽ tạo nên sự thay đổi trong cách các công ty bất động sản kinh doanh, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới.
Theo Viện Xây dựng WELL Quốc tế, chi phí xây dựng tòa nhà đạt chứng nhận WELL có thể cao hơn so với tòa nhà truyền thống từ 5-10%. Ngoài ra, việc kết hợp nhiều tính năng và công nghệ tốt cho sức khỏe vào thiết kế tòa nhà có thể yêu cầu chuyên môn chuyên biệt và thiết kế kỹ càng. “Tôi thường trao đổi với chủ đầu tư để vừa cân bằng ngân sách, vừa đảm bảo cân bằng các yếu tố kiến trúc và kinh tế nhằm tối ưu hóa chất lượng không gian sống và các tiện nghi nhiệt như thông thoáng tự nhiên, giảm các tác động do bức xạ nhiệt”, ông Khang cho biết.
Lối sống chất lượng, lợi ích lâu dài và giá trị tài sản dự kiến tăng cao khiến bất động sản sức khỏe có sức hấp dẫn đối với một nhóm nhất định những người có nhu cầu nhà ở và người mua với mục đích đầu tư. Các nhà phát triển có thể bù đắp chi phí đầu tư nhờ áp dụng mức giá bán cao. Đối với các đơn vị vận hành, bất động sản sức khỏe được xây dựng hài hòa trong tổng thể khu nghỉ dưỡng lớn có thể giúp họ đa dạng hóa nguồn doanh thu cũng như nâng cao nhận diện thương hiệu.
Hiện nay, lĩnh vực bất động sản sức khỏe chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ so với các loại tài sản khác trong danh mục đầu tư bất động sản. Và chi phí phát triển bất động sản sức khỏe thường cao hơn so với phát triển bất động sản truyền thống, do đó đây chưa phải là sản phẩm dành cho đại chúng. “Với các công nghệ mới, vật liệu xây dựng mới và sự phổ biến của công nghệ nhà thông minh, người ta kỳ vọng các yếu tố chăm sóc sức khỏe sẽ ngày càng được tích hợp vào môi trường xây dựng của các dự án nhà ở, khiến nó trở nên dễ tiếp cận hơn với nhiều khách hàng”, ông David Jackson kết luận.'