Hoài Sa Thứ Năm | 21/12/2017 22:30

Khuê Minh: nhà vô địch quốc gia Việt Nam 14 tuổi

Chức vô địch giải vô địch quốc gia nữ Việt Nam lần đầu tiên được trao cho một golf thủ mới 14 tuổi: Đoàn Xuân Khuê Minh.

Cùng thời điểm chị em nhà Jutanugarn được một nhãn hàng mời sang Việt Nam giao lưu, thì chức vô địch giải vô địch quốc gia nữ Việt Nam lần đầu tiên được trao cho một golf thủ mới 14 tuổi: Đoàn Xuân Khuê Minh. Điều đó không khỏi khiến nhiều người liên tưởng liệu tài năng trẻ Việt Nam có thể vươn tới đẳng cấp như các golf thủ Thái Lan?

Đấy là một sự liên tưởng khá thú vị nếu nhìn vào bảng thành tích của Khuê Minh. Cô bé người Hà Nội này chính là tay golf trẻ nhất của đội tuyển Việt Nam tham dự SEA Games vừa qua, sau khi đánh bại đàn chị Chiêu Dương ở vòng tuyển chọn. Thành tích của Khuê Minh khi đó khiến các quan chức thể thao Việt Nam thay đổi hoàn toàn quan điểm khi chấp nhận để một vận động viên trẻ như vậy dự đấu trường khu vực, thay vì suy nghĩ SEA Games là nơi dành cho các golf thủ trưởng thành. Khuê Minh đã không phụ mong đợi khi tiếp tục tỏa sáng ở giải vô địch quốc gia nữ vừa kết thúc trên sân FLC Quy Nhơn.

Khue Minh: nha vo dich quoc gia Viet Nam 14 tuoi
 

Vậy liệu làn sóng trẻ với Khuê Minh là gương mặt tiêu biểu đã sẵn sàng đưa golf Việt vươn ra biển lớn?

Con đường để một tài năng trẻ Việt Nam vươn tới tầm khu vực đã khó, chứ chưa nói tới thế giới như chị em nhà Jutanugarn. Bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó ngoài tài năng, phần quan trọng hơn là nguồn lực tài chính, đặc biệt ở môn thể thao xã hội hóa cao như golf.

Có lẽ, cần phải điểm qua thành tích của chị em nhà Jutanugarn, đặc biệt là cô em Ariya. Tay golf 22 tuổi này chính là người Thái đầu tiên (cả nam lẫn nữ) vô địch ở một giải đấu lớn, khi lên ngôi tại giải British Open tháng 7.2016. Hiện Ariya đứng thứ 6 trên bảng xếp hạng các tay golf nữ thế giới sau khi vươn lên số 1 vào tháng 6.2017.

Tài năng của Ariya được phát hiện từ khá sớm. Năm 11 tuổi, cô trở thành tay golf trẻ nhất tham dự một giải đấu thuộc hệ thống LGPA Tour, liên tục giành chiến thắng tại các giải trẻ ở Mỹ cũng như ở quê nhà trước khi chuyển sang chuyên nghiệp năm 2012. Trong năm 2017 này, cô dự 27 giải thuộc LPGA và có 2 chức vô địch, 3 lần về nhì, 10 lần đứng trong top 10, kiếm được hơn 1,5 triệu USD, nâng tổng số tiền thưởng mà cô kiếm được lên 4,58 triệu USD. Với thành tích ấy, Ariya xứng đáng có mặt tại Việt Nam hồi đầu tháng này với sứ mệnh “truyền cảm hứng” cho các tay golf trẻ địa phương như tên gọi của chương trình “Tập huấn Golf Truyền cảm hứng” do SCG phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội tổ chức.

Tập đoàn SCG chính là hậu phương vững chắc để Jutanugarn có được thành tích như hôm nay khi đầu tư lớn cho 2 chị em này suốt nhiều năm (họ luôn ra sân với dòng chữ SCG cùng lá cờ Thái Lan trên áo đấu). Bên cạnh đó, sự phát triển của bộ môn golf ở Thái, với dày đặc các giải đấu ở nhiều cấp độ, cũng đã tạo điều kiện để các tài năng trẻ cọ xát, nâng cao trình độ.

Nhưng đấy lại là những thứ còn thiếu ở Việt Nam, để các golf thủ tiềm năng như Khuê Minh có thể vươn xa. Theo luật, chỉ khi chuyển sang chuyên nghiệp vào năm 18 tuổi, các tay golf mới được nhận tài trợ, nhưng ở Thái Lan, các tập đoàn lớn có cách lách luật để tài trợ cho những tài năng trẻ. Hiện Khuê Minh có nhận tài trợ trang phục từ thương hiệu Chervo của HS Golf, còn lại chủ yếu là gia đình đầu tư, từ việc thuê người đào tạo cho đến đăng ký tham dự các giải đấu.

Golf là môn thể thao hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa, không thể trông chờ vào ngân sách nhà nước. Vì thế, câu hỏi “liệu bao giờ Việt Nam có những tay golf đẳng cấp như chị em nhà Jutanugarn?” có lẽ còn cần có thêm vế: bao giờ chúng ta có những đại gia sẵn lòng quảng bá tên tuổi thông qua golf như SCG?