
Nghệ thuật đang thay đổi vị trí: không còn ở trong tháp ngà mà dịch chuyển vào những không gian mở để “sống” cùng công chúng. Ảnh: TL.
Không gian mở mở ra nghệ thuật
Ngày 9/5/2025, Chillala - House of Art chính thức khai trương tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM như một không gian nghệ thuật mở, nơi giao thoa giữa cái đẹp, cảm xúc và nhịp sống thành thị. Không chỉ là một điểm đến cho người yêu nghệ thuật, Chillala phản ánh một lối sống đang dần định hình: lối sống đòi hỏi sự chú tâm cảm thụ và tình yêu cái đẹp trong từng chi tiết nhỏ.
Khái niệm “thưởng thức nghệ thuật” trước đây thường gắn với hình ảnh nghiêm trang trong các gallery, nhà hát hay bảo tàng lớn, nơi người tham quan phải hiểu và có kiến thức nền. Ngày nay, nghệ thuật đang thay đổi vị trí: không còn ở trong tháp ngà mà dịch chuyển vào những không gian mở để “sống” cùng công chúng.
“Chillala là nơi bạn có thể chạm vào nghệ thuật mà không cần phải gồng mình hiểu nó, chỉ cần cảm thấy dễ chịu là đủ”, bà Tăng Bảo Quyên, sáng lập không gian Chillala, chia sẻ với NCĐT. Chillala là mảnh ghép tiếp theo của Urban Garden - thương hiệu mà vợ chồng bà Tăng Bảo Quyên đã xây dựng hơn 10 năm về nội ngoại thất, decor và thiết kế cảnh quan sân vườn. Hiện tại, không gian Chillala và showroom Urban Garden được đặt sát cạnh và thông nhau để khách tham quan thuận tiện thưởng lãm.
Cũng tại TP.HCM, không gian phức hợp Nam Thi House (quận 1) được phát triển như một “nơi chốn thứ 3” tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn chương, âm nhạc cho mọi lứa tuổi. Mục đích là để khuyến khích mỗi người hiểu biết về bản thân, khám phá vùng đất mình đang sống và tìm hiểu về thế giới rộng lớn thông qua những sinh hoạt văn hóa và các buổi thực hành nghệ thuật quy mô nhỏ. Bà Đặng Nguyễn Đông Vy, quản lý không gian đọc Nam Thi House, cho rằng: “Cảm nhận và thưởng thức nghệ thuật có thể chỉ đơn giản là khoảnh khắc bạn hoàn toàn lắng đọng để nghe nhạc một cách trọn vẹn, tức là thưởng thức có chủ đích”.
Với Nam Thi House, việc tạo ra một không gian mở để mọi người khám phá đời sống phong phú cũng như tự tìm thấy lĩnh vực nghệ thuật mình muốn tìm hiểu trọn đời (văn chương, kiến trúc, âm nhạc, hội họa, điện ảnh...) quan trọng hơn nhiều so với việc định nghĩa nghệ thuật là gì.
Tháng 5/2025, trong khi Chillala chọn ra mắt cộng đồng bằng triển lãm cá nhân của họa sĩ Trần Trung Lĩnh mang tên “Sắc và Không” thì Nam Thi House là nơi tổ chức chuỗi chương trình “Cập nhật từ thực địa - Gò Công 2025”, talkshow “Gốm Quảng Đông trong trang trí kiến trúc Việt Nam”, giao lưu và ra mắt sách Hãy Nói Rằng Con Cần Mẹ - cẩm nang đồng hành với người thân bị trầm cảm, chuỗi trò chuyện “Lịch sử dòng Mê Kông”, chia sẻ dẫn giải và bình thơ Đức và Việt ngữ “Cửa sổ thi - nhân”...
Một trong những thay đổi lớn trong thời đại số là con người khao khát được cảm xúc thật chạm đến mình. Và nghệ thuật, nếu chỉ mang tính trang trí hay biểu tượng, sẽ khó lòng trụ vững. Do đó, cả Chillala lẫn Nam Thi House đều không đơn thuần là nơi trưng bày mà là những không gian hiện hữu như chất xúc tác, nơi nghệ thuật không đứng riêng lẻ mà hòa vào đời sống.
“Chúng tôi xây dựng không gian này như một khung sườn mở. Mỗi tuần đều có thể thay đổi một góc nhỏ, một câu chuyện”, bà Quyên nói về không gian chung của Chillala và Urban Garden, nơi các sản phẩm thủ công như gốm sứ, đồ nội thất, cây xanh hay vật dụng đời thường đều được lựa chọn kỹ lưỡng với tính thẩm mỹ cao. Từ đó, mỗi lần khách tham quan quay lại là một lần khám phá mới mẻ. Trong khi đó, Nam Thi House cũng không tạo ra ranh giới giữa người sáng tạo và người thưởng thức. Các buổi ra mắt sách, tọa đàm về văn học, nghe nhạc... được tổ chức với tinh thần mở để ai cũng có thể góp mặt và tham gia vào câu chuyện văn hóa chung.
![]() |
Nghệ thuật cũng “thẩm thấu” vào nơi làm việc. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh, cho biết nghệ thuật không chỉ là thú vui cá nhân mà là một phần trong chiến lược văn hóa doanh nghiệp. “Chúng tôi biến văn phòng thành một bảo tàng nghệ thuật để nhân viên đến làm việc mỗi ngày trong một không gian đầy cảm hứng”, ông nói. Không gian có thẩm mỹ không chỉ tạo hứng khởi mà còn nâng cao khả năng sáng tạo và kết nối trong công việc hằng ngày. “Nghệ thuật giúp chúng tôi giao tiếp dễ hơn với đối tác. Nó mở rộng tầm nhìn khi tiếp xúc với doanh nhân quốc tế”, ông nói thêm.
Ở góc nhìn kinh doanh, ông Thông cũng nhìn thấy ở nghệ thuật một giá trị đầu tư lâu dài. Bởi vì tranh và các sản phẩm sáng tạo là những kênh đầu tư bền vững, có giá trị tăng theo thời gian và tạo dấu ấn văn hóa cho thương hiệu.
Ông đặc biệt khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp đầu tư vào cái đẹp, không chỉ để tăng chất lượng không gian sống mà còn để xây dựng một bản sắc riêng biệt, điều ông gọi là “bản lĩnh văn hóa”. “Bản sắc của bạn quyết định rất lớn đến việc bạn có thể chứng tỏ cá tính, văn hóa và con người của mình trong hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu người. Điều đó rất quan trọng. Thay vì cố gắng giống người khác, hãy tìm ra những đặc trưng của riêng mình và làm nó trở nên đẹp đẽ, độc đáo”, ông nói.