Ảnh: Giao lưu đoàn làm phim Về Nhà Đi Con.
Khơi thêm giá trị sống
85 tập phim Về Nhà Đi Con có thể mang về cho VTV hơn 150 tỉ đồng, bằng với 1 “bom tấn” chiếu rạp đang giữ kỷ lục doanh thu tại Việt Nam. Việc tôn vinh giá trị sống, tình cảm gia đình đang giúp những người kinh doanh văn hóa có được nguồn thu bất ngờ.
Thời của phim gia đình
Tháng 8, Về Nhà Đi Con, bộ phim truyền hình nhiều tập của Việt Nam chính thức khép lại với số lượng lên đến 85 tập, vượt xa kịch bản dự kiến ban đầu. Theo đơn giá quảng cáo trong khung giờ phát sóng phim VTV đưa ra từ ngày 25.3.2019, mỗi clip quảng cáo 10 giây có giá 37,5 triệu đồng, 15 giây là 45 triệu, 20 giây hơn 56 triệu và 30 giây là 75 triệu. Tuy nhiên, sự đón nhận quá nồng nhiệt từ khán giả khiến VTV tự tin nâng giá. Từ ngày 1.7, giá quảng cáo đã được điều chỉnh lên 120 triệu đồng/30 giây.
Tuy mỗi tập phim chỉ chiếu trong 22 phút nhưng tính cả thời gian quảng cáo, khán giả phải ngồi trước màn hình tivi khoảng 30 phút. Như vậy, với mỗi tập phim phát sóng, nhà đài có thể thu 2 tỉ đồng từ cho khoảng 10 phút quảng cáo. Theo thông tin tổng kết, 155,5 tỉ đồng là số tiền VTV đã thu được từ quảng cáo trong thời gian phát sóng Về Nhà Đi Con. Đó là chưa kể các quảng cáo banner, ngoại truyện và các hình thức quảng cáo khác.
Trước đó, Tình Mẫu Tử, bộ phim truyền hình do đạo diễn Hoàng Tuấn Cường phát sóng trên Truyền hình Vĩnh Long cũng tạo tiếng vang lớn khi khai thác câu chuyện về gia đình và tình thương của người mẹ dành cho các con. Tương tự, Gạo Nếp Gạo Tẻ, loạt phim truyền hình Việt hóa từ kịch bản của Hàn Quốc cũng tạo nên làn sóng suốt năm 2018 với gần 100 tập phim. Tuy không công bố doanh thu cụ thể nhưng chỉ riêng việc chia sẻ bản quyền khai thác phát sóng lại trên FPT TV, Công ty Cổ phần DID TV, đơn vị đầu tư, sản xuất loạt phim này, đã định giá 120 triệu đồng/tập.
“Có thể gọi đây là thời của những bộ phim gia đình bởi nhu cầu thưởng thức những câu chuyện về đề tài đời sống đang rất cao. Khán giả vẫn chú trọng các câu chuyện ghi nhận từ đời sống, các mối xung đột thuộc về thế hệ cũ - mới”, đạo diễn Hồ Ngọc Xum nhận xét. Theo vị đạo diễn mát tay với những bộ phim lấy bối cảnh miền quê Nam Bộ này, những thông tin tiêu cực phổ biến trên mạng xã hội, những thói quen của đời sống hiện đại như việc chìm vào kết nối internet đã khiến các thành viên trong gia đình ngày càng ít có thời gian tương tác với nhau, khiến khoảng cách thế hệ ngày một lớn.
Những bộ phim đề tài gia đình “hot” trong thời gian qua được đầu tư nghiêm túc về mặt diễn xuất, hình ảnh... lại có nội dung nêu lên được các mâu thuẫn chạm đến được tâm lý của nhiều thành viên trong gia đình. Nhờ đó, phim có thể giúp các thành viên có câu chuyện chung, gắn kết với nhau nhiều hơn nên sự đón nhận từ phía khán giả ngày một lớn cũng là điều dễ hiểu.
Những giá trị không cũ
Cùng với truyền hình, xu hướng gây dựng lại các giá trị nền tảng, xưa cũ nhưng cần thiết cho đời sống gia đình cũng hiện diện ở những lĩnh vực văn hóa khác. Mùa Vu Lan vừa qua, khán giả khóc hết nước mắt với vở Bông Hồng Cài Áo của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Dựng lại với tinh thần tôn trọng tối đa bản dựng trên truyền hình thập niên 90, từ khi ra mắt đến nay, vở diễn tôn vinh tình mẫu tử, tình anh em này luôn ở trong tình trạng đón khách kín rạp - một tín hiệu đáng trân trọng trong bối cảnh khán giả đã không còn mặn mòi với việc đến sân khấu, thưởng thức nghệ thuật như xưa.
Tương tự, 10 tiểu thuyết của Tùng Long, một tác giả nữ nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975 cũng được đón nhận nồng nhiệt ngay từ những ngày đầu tái xuất bản. Trong đó, có 3 tác phẩm lần đầu được in sách là Những Ai Gieo Gió, Bên Hồ Thanh Thủy và Một Vụ Án Tình. Bảy cuốn còn lại, đều là những feuilleton (truyện nhiều kỳ) từng đăng trên báo.
Dù là những tác phẩm đã viết cách đây hơn 60 năm, thế hệ người đọc hoàn toàn mới nhưng những câu chuyện về gia đình, về tình cảm anh em, cả về tình yêu với những luân lý vẫn chinh phục được người đọc. Để có được quyền xuất bản bộ sách, Nhà xuất bản Trẻ đã đầu tư đến 1,4 tỉ đồng. Ông Nguyễn Minh Nhựt, cựu Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, cho biết, đơn vị này rất tự tin trong khoản đầu tư trên bởi nội dung bộ sách rất dễ chạm đến người đọc, gần với đời sống. Do đó, không chỉ xuất bản, Nhà xuất bản Trẻ đã có kế hoạch khai thác nội dung để nhượng quyền cho các lĩnh vực văn hóa khác như truyền hình, điện ảnh...
Hiện nay, Nhà xuất bản Trẻ đang thương thuyết để tiến đến việc độc quyền khai thác toàn bộ tác phẩm của Bà Tùng Long trong tương lai. “Những giá trị gia đình dù là thời điểm nào cũng dễ dàng chinh phục thị trường. Nếu người làm văn hóa biết cách khai thác và đầu tư nghiêm túc, đề tài ấy chắc chắn không chỉ mang đến lợi nhuận mà còn góp phần nâng cao giá trị sống”, ông Nhựt nói.