Biệt thự cổ 100 tuổi (“biệt thự Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh”, “lầu ông phủ Thanh”). Ảnh: Vietnamnet.
Khoảng trống di sản kiến trúc
Gần đây, câu chuyện căn biệt thự cổ 100 tuổi (“biệt thự Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh”, “lầu ông phủ Thanh”) bên sông Đồng Nai có nguy cơ bị tháo dỡ để làm đường đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Sau khi Tỉnh ủy Đồng Nai có chủ trương giữ lại căn biệt thự, Sở Xây dựng tỉnh này đã đề xuất 4 phương án để bảo tồn, bởi như nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM: “Những biệt thự như nhà lầu ông Phủ có thể trở thành điểm nhấn văn hóa của tỉnh, của khu vực hoặc thậm chí đưa vào phát triển trong kinh tế di sản hay kinh tế du lịch”.
Sự việc trên thu hút nhiều sự chú ý xuất phát từ một thực tế là cho đến nay, Việt Nam chưa có căn cứ luật quy định giải pháp ứng xử cụ thể đối với những di sản mà chưa phải là di tích như trường hợp của nhà lầu ông Phủ.
Về vấn đề này, kiến trúc sư Đặng Văn Tất nêu quan điểm: “Đã là di sản thì đồng nghĩa với một giá trị được xác định. Di sản cần một thái độ và kỹ năng ứng xử đúng đắn để có hiệu quả bảo tồn và phát triển tốt nhất. Rất cần Luật Kiến trúc buộc quản lý nhà nước phải có những chương trình và dự án dài hạn, nhằm đánh giá độc lập các giá trị bản sắc và di sản kiến trúc, làm cơ sở thước đo giá trị khi bắt buộc phải cân nhắc cách thức bảo vệ sự tồn tại của di sản trước áp lực phát triển của thời đại”.
Giáo sư - Tiến sĩ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, cũng cho biết: “Những năm qua, bản thân các cơ quan bảo tồn di tích cũng có những nhận thức sai lệch trong quá trình thực hiện tu sửa, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Nhiều việc làm với mục đích tốt nhưng phương pháp không đúng, thành ra lại phá di tích như việc chụp nhà kính lên tháp Phú Diên ở Thừa Thiên Huế, hoặc lợp mái tôn lên các tháp gạch ở Mỹ Sơn, An Giang, Tiền Giang”.
Có thể thấy việc gìn giữ những công trình kiến trúc độc đáo, có chiều sâu lịch sử và văn hóa trong dòng chảy của cuộc sống đương đại chính là việc tạo ra “quỹ di sản” cho các địa phương cũng như cho Việt Nam. Tuy nhiên, Tiến sĩ Khoa học - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn từng nhiều lần chỉ ra sự thiếu sót cần được điều chỉnh bổ sung để kiện toàn bộ Luật Di sản văn hóa 2001 (bổ sung sửa đổi năm 2009).
Theo đó, công trình di sản có 4 thể loại di sản quy hoạch kiến trúc chính cần có cách ứng xử tương ứng khác nhau tùy theo thể loại. Thứ nhất, các công trình di sản là di tích có giá trị cao và độc đáo về mặt lịch sử và văn hóa, cần được bảo tồn nguyên trạng, dựa theo một số nguyên tắc nhất định, được xác định vào thời điểm được công nhận. Thứ 2 là các công trình di sản có giá trị, nhưng không thuộc thể loại di tích cần bảo tồn nguyên trạng, do đó có thể cho phép bảo tồn một phần, phần khác được cải tạo, chuyển đổi chức năng, chỉnh trang hoặc mở rộng, dựa theo một số nguyên tắc bảo tồn mở rộng. Thứ 3 là các công trình di sản từng được chồng lớp lên nhau nhiều tầng điều chỉnh bổ sung xây dựng qua các thời kỳ, do đó có thể chọn phục hồi lại theo thời kỳ ban đầu, hoặc theo một thời kỳ lịch sử quan trọng tiếp theo sau đó. Thứ 4 là các công trình di sản đã bị hư hại nặng hoặc bị phá hủy, thì các nhà quản lý có thể chọn tái thiết lại theo nguyên mẫu thiết kế ban đầu.
Hiện nay Luật Di sản văn hóa chỉ quan tâm nhiều đến một loại di sản đầu tiên là di tích lịch sử, nhưng lại thiếu những quy định và hướng dẫn cách ứng xử bảo tồn đối với 3 loại còn lại. Tại Việt Nam, di tích lịch sử cần bảo tồn nguyên trạng chiếm số lượng rất ít so với việc có trên 80% công trình di sản thuộc thể loại thứ 2. Và tùy thuộc cấp di tích mà Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoặc Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định công nhận di tích và giao cho Sở chuyên ngành văn hóa quản lý theo Luật Di sản văn hóa. Luật Di sản văn hóa không quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức khoa học, các hội chuyên ngành như Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư, Hội Khoa học Lịch sử, Hội Di sản văn hóa... trong việc hợp tác đa ngành để giúp cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, đánh giá, nghiên cứu và hoạch định các chính sách và quy hoạch liên quan đến di sản.
Vì thế, “Luật Di sản văn hóa cần được gấp rút bổ sung các điều khoản tạo nền tảng pháp lý cho ứng xử đối với mọi thể loại công trình di sản, bao gồm di tích và các thể loại di sản khác, dù không hoặc chưa được xếp hạng di tích. Trong đó, cần bổ sung các điều khoản pháp lý để nhà quản lý đô thị không thể lấy lý do hành chính như chậm làm thủ tục, chưa được đưa vào danh sách di tích… để bỏ qua trách nhiệm bảo tồn các công trình di sản chưa được xếp hạng. Từ đó mới không bỏ sót những công trình di sản như xảy ra hiện nay”, ông Sơn mong mỏi.
Cũng theo ông Sơn, luật này còn có thể tham khảo các bộ luật và nghị định về bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc và các thể loại di sản khác ở nước ngoài, để xây dựng cơ sở pháp lý nền tảng và hướng dẫn chi tiết việc quản lý các loại công trình di sản bảo tồn nguyên trạng, cải tạo, phục hồi, hoặc cải tạo nâng cấp (quy định về không gian, chiều cao, màu sắc, vật liệu, nội thất, thiết bị...), cải tạo mở rộng (nguyên tắc kết nối và cách ly, giới hạn an toàn…) và việc quản lý hoạt động trong các khu di sản.
Tham chiếu với thực tế bảo tồn di sản kiến trúc ở các nước phát triển, kiến trúc sư Phạm Minh Nhựt, người có hơn 40 năm sinh sống và làm việc tại Bỉ, cho biết: “Trên toàn nước Bỉ cũng như các nước thuộc khối châu Âu, tất cả di sản kiến trúc đều được bảo vệ rất nghiêm ngặt theo Công ước Bảo vệ Di sản kiến trúc châu Âu. Chính phủ các nước cũng dồn ngân sách rất lớn cho việc này, biến di sản trở thành mỏ vàng trong khai thác du lịch”.
“Các nước châu Âu có chiến lược cụ thể, có định hướng hoạt động du lịch và các hoạt động dân sinh trong lòng di sản kiến trúc, có các quy định chi tiết về quy tắc ứng xử với di sản mà mỗi công dân phải nắm rõ. Các nước cũng đều ban hành văn bản kiểm soát khắt khe tác động về sức chứa, loại hình hoạt động và cân bằng nhịp sống của hệ sinh thái di sản. Tất cả các công việc phá vỡ, cải thiện, sửa đổi, thay đổi chức năng... đều phải nhận được giấy phép xây dựng thông qua một hội đồng và cơ quan chuyên gia về bảo tồn kiến trúc”, ông Nhựt nói thêm.