Vợ chồng Rachael Laine và Dave Bull cùng điều hành Craftymothers. Ảnh: ft.com.

 
Phạm Vi An Thứ Hai | 18/03/2019 10:00

Khi vợ chồng kinh doanh chung

Niềm tin chính là lợi thế lớn cho các cặp vợ chồng cùng nhau điều hành doanh nghiệp, nhưng bất lợi cũng không ít.

Nhìn lại, Rachael Laine cho rằng đã có những dấu hiệu cho thấy việc cùng làm kinh doanh với chồng sẽ như thế nào. “Chúng tôi gặp nhau ở lớp học nhảy. Đó là nhảy đôi. Bạn phải ăn ý với nhau, nếu không sẽ không nhảy được”, Laine, người đã đưa những đôi giày sandal Salt-Water của Mỹ sang thị trường Anh Quốc và châu Âu, cho biết.

Chồng bà là Dave Bull, gần đây đã bỏ công việc trong ngành xây dựng để trở thành Giám đốc hoạt động cho Crafymothers, công ty phân phối do Laine sáng lập cách đây 9 năm. Laine khẳng định, với các kỹ năng của mình, Bull là người phù hợp nhất cho vị trí mới nói trên. “Không phải vì là chồng nên tôi chọn anh ấy. Tôi sẽ chẳng bao giờ tuyển dụng anh ấy nếu tôi không cho rằng anh sở hữu những kỹ năng phù hợp”, bà nói. Hơn nữa, Bull hiểu rất rõ công việc mà bà đang kinh doanh vì Laine đã sáng lập Craftymothers khi 2 người đã lấy nhau.

Khi vo chong kinh doanh chung
 

Thống kê cho thấy rất nhiều doanh nghiệp có vợ chồng cùng tham gia điều hành. Theo một nghiên cứu của FreeAgent, nhà cung cấp phần mềm kế toán, ước tính có tới 1,4 triệu cặp đôi đang cùng kinh doanh ở Anh. Tại Mỹ, Hiệp hội Các Doanh nghiệp độc lập Quốc gia cho biết 43% các doanh nghiệp quy mô nhỏ là công ty gia đình, trong đó 53% các nhà quản lý cùng điều hành hoạt động hằng ngày với người bạn đời của mình.

Tuy nhiên, cũng có những rủi ro. Jeff Reid, Giáo sư về khởi nghiệp tại Đại học Georgetown, cho biết hầu hết các nhà đầu tư chuyên nghiệp đưa một quy tắc bất thành văn rằng “đừng bao giờ đầu tư vào các doanh nhân khởi nghiệp mà đang hẹn hò hoặc đã kết hôn”. Các nhà đầu tư tin rằng công việc kinh doanh sẽ gặp khó khăn nếu mối quan hệ hai vợ chồng trở nên xấu đi, ông cho biết.

Patricia Bacon đã lập nên Couplepreneurs, một mạng lưới hỗ trợ cho những cặp đôi cùng kinh doanh với nhau, sau khi nhận thấy công ty tư vấn kinh doanh trước đây của cô thu hút nhiều khách hàng là vợ chồng cùng làm chung. Khách hàng của cô đến từ “mọi ngành nghề và mọi lứa tuổi”. Bacon cho biết nhiều khách hàng của cô rút ra kết luận, có những yếu tố bất lợi khi làm việc với bạn đời của mình, nhưng cô cho rằng vợ chồng làm chung cũng có những ích lợi thấy rõ. “Tại sao việc nói với mọi người rằng các bạn là vợ chồng lại khiến bạn cảm thấy bối rối? Hãy bày ra cho họ thấy lợi thế bán hàng độc đáo của bạn, kế hoạch kinh doanh và các con số”, cô nói.

Stew Friedman, Giáo sư Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, nhận xét cùng điều hành doanh nghiệp với người bạn đời của mình là chuyện rất phức tạp nhưng cũng mang đến nhiều lợi ích và lợi ích chủ yếu chính là niềm tin. “Một tương lai san sẻ cùng nhau mang đến sự hiểu biết lẫn nhau trong thời gian rất dài”, ông nói. Theo ông, xử lý khéo léo ranh giới giữa mối quan hệ công việc và mối quan hệ hôn nhân hoặc mối dây liên kết gia đình là rất quan trọng.

Gurpreet Singh, cố vấn tại tổ chức hỗ trợ mối quan hệ Anh Relate, thì nhận xét cả 2 vợ chồng cũng cần có “thời gian cho riêng mình” vì làm việc cùng nhau là một việc rất khó xử lý. “Thật ngớ ngẩn khi nói rằng các vấn đề không nảy sinh nhờ hôn nhân gắn bó. Động cơ quyền lực thay đổi khi bạn làm việc cho chính bạn đời của mình”, ông nói.

Khi vo chong kinh doanh chung
 

Cặp đôi Bull và Laine luôn cố gắng tách bạch giữa công việc và gia đình nhưng Laine cho biết đứa con gái 10 tuổi của họ phải lên tiếng khi cả hai tranh cãi công việc khi ở nhà. Cô bé đã phải thốt lên: “Cha mẹ đừng bàn công việc khi ở nhà!”. Chúng tôi cũng cho rằng con gái đã đúng và thế là ngừng tranh luận.

Bull và Laine đã có 2 lần “bất hòa”, cả 2 lần đó đều là tranh cãi về tài chính khi Bull vượt quá quyền hạn của mình, theo Laine. “Chúng tôi tìm ranh giới công việc của cả hai, nhưng đôi khi vẫn có màu xám trong ranh giới đó”, Bull nói. Laine cũng cho rằng vợ chồng bà tranh luận chứ không tranh cãi gay gắt và luôn biết dừng đúng lúc.
Tris Mayhew đã tạo dựng công ty Go Ape với người vợ Rebecca vào năm 2002. Ông cho biết một điểm lợi khi làm việc chung với nhau là vợ chồng rất linh hoạt khi nuôi dạy 3 đứa con. Và ông cũng không phải “ghen tị” với vợ nếu vợ làm chủ doanh nghiệp mà mình vẫn là nhân viên ở một công ty nào đó.

Nhưng điểm bất lợi, theo Mayhew, là họ “ít có những buổi nói chuyện lãng mạn khi nằm trên giường” và cuộc sống vợ chồng thiếu “sắc màu” do cả hai không có thế giới riêng. “Chúng tôi khá trung thực và thẳng thắn về thế mạnh và điểm yếu của mình. Vợ tôi bảo tôi cần thôi chức Giám đốc Điều hành và tôi nói rằng cô ấy không nên tiếp tục làm Giám đốc marketing”, ông nói.

Sky Cracknell và chồng là Kai Knutsen cùng sáng lập nên England Preserves, một công ty có doanh số bán 400.000 bảng Anh mỗi năm. Sky nói biết quá rõ nửa kia cũng có thể là một vấn đề. “Khi công việc kinh doanh trở nên khó khăn, tôi thấy rõ bản thân mình còn thiếu sót những gì, nhưng vì tôi và Kai là vợ chồng, nên tôi cũng thấy rất rõ khuyết điểm của anh ấy, vì thế khiến mối quan hệ của chúng tôi không mặn mà”, bà nói.

Sky và Kai có 2 đứa con và cũng bỏ ra thời gian cùng chăm sóc con. “Sẽ là một cơn ác mộng khi không thể chia sẻ công việc. Cuộc sống sẽ trở nên cứng nhắc”, Kai nói. Không như nhiều cặp đôi khác, Kai và Sky sở hữu số cổ phần bằng nhau và họ lại không hề nghĩ đến việc điều gì sẽ xảy ra cho công ty nếu hôn nhân thất bại. Mike Cherry, Chủ tịch Quốc gia Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ, cho biết: “Việc có một cơ cấu tổ chức đúng đắn và các vai trò được xác định rõ ràng là rất quan trọng và dĩ nhiên một kế hoạch kế vị cũng cần đưa ra nếu vợ chồng đường ai nấy đi”, ông nói

Nguồn FT