Đổi mới công việc là điều mà nhiều HR khao khát sau hàng chục năm gắn bó với nghề nhân sự.

 
Hoàng Kim Thứ Năm | 24/02/2022 12:00

Khi người làm nhân sự trăn trở về cơ hội nghề nghiệp của chính mình

Sở hữu bộ sưu tập kỹ năng đặc biệt, cơ hội thăng tiến hoặc ‘đá chéo sân’ của người làm nhân sự trước những xu thế nghề nghiệp mới rộng mở hơn.

Đổi mới sự nghiệp với nghề HR, dễ hay khó?

Trịnh Gia Huy (28 tuổi, TP.HCM) đã có 3 năm gắn bó với nghề HR. Chuyển từ công việc trợ lý giám đốc sang lĩnh vực nhân sự, Huy toàn tâm theo đuổi đam mê kết nối con người, xây đắp tài sản “nhân lực” cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, 3 năm quen thuộc với các nghiệp vụ nhân sự, Huy cảm thấy sự nghiệp của mình đang bị “tua chậm”, và băn khoăn không biết nên tiếp tục bám nghề hay chuyển đổi, và nếu nhảy thì có thể “đá chéo sân” sang nghề nào?

Trăn trở về con đường nghề nghiệp phía trước cũng nhen nhóm trong tâm trí chị Hà Thu Minh (34 tuổi, Hà Nội), sau 13 năm làm nhân sự. Trải qua “khúc cua gắt” 2021 với nhiều áp lực giữ chân nhân tài, chị Minh muốn tìm kiếm công việc mới an nhàn hơn để dành thời gian cho gia đình. Song, nhà quản lý 400 lao động này lại đang cảm thấy “bế tắc” trên con đường tiến thân, thậm chí không biết có thể đi về đâu sau khi đã làm hết các vị trí trong ngành nhân sự.

“13 năm quyết định lộ trình tiến thân cho nghìn nhân viên ở nhiều công ty, song tôi lại hoang mang khi nhìn vào con đường sự nghiệp sắp tới của bản thân. 34 tuổi, bắt đầu từ con số 0 ở một ngành mới, mới nghĩ thôi cũng đã thấy âu lo, không biết nên tiến hay lùi!”, chị Minh bộc bạch.

Có vẻ mâu thuẫn khi nhiều người làm nhân sự - giữ vai trò vạch ra con đường nghề nghiệp cho người khác, lại cảm thấy con đường nghề nghiệp của mình không được rộng mở, và tự nhận thấy khả năng “đá chéo sân” không cao so với các nghề có tính linh hoạt khác (như Marketing, Sales…). Nhưng điều này cũng đến từ những lý do khách quan.

Đặc thù của nhóm ngành nhân sự là tính ổn định với những đầu việc chuyên biệt, ít thay đổi như: tuyển dụng nhân sự, hoạch định chiến lược, chế độ lương thưởng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp… Do đó, không ít HR cho hay, mình bắt đầu có cảm giác “giậm chân tại chỗ” sau thời gian dài làm việc trong ngành. 

CEO Talentnet hiến kế ‘đá chéo sân’ cho HR

Nhiều năm đồng hành với người làm HR, bà Tiêu Yến Trinh, CEO Công ty Cổ phần Kết nối Nhân tài Talentnet hiểu rõ tiềm năng của người làm nghề HR. Trên thực tế, những kĩ năng và kinh nghiệm thực tiễn của nghề nhân sự giúp người HR có cơ hội nghề nghiệp rộng mở với nhiều công việc khác nhau mà họ không nghĩ tới. 

 HR kỳ cựu có thể trở thành đối tác tư vấn chiến lược nguồn nhân sự cho các start-up.
HR kỳ cựu có thể trở thành đối tác tư vấn chiến lược nguồn nhân sự cho các start-up.

CEO Talentnet gợi ý thay vì khởi đầu lại, người nhân sự có thể chọn nối tiếp với những công việc yêu cầu kỹ năng tương tự, dựa trên bước đệm hiện có. Với kinh nghiệm và thế mạnh trong việc xây dựng chính sách lương thưởng, đào tạo, phát triển, thu hút nhân tài,... người HR hoàn toàn có thể bước lên một bậc trong nấc thang sự nghiệp, trở thành đối tác tư vấn cho các công ty start-up hoặc đang phát triển trong việc hoạch định chiến lược nguồn nhân lực, đảm bảo phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, với thế mạnh làm việc với con người, đánh giá năng lực ứng viên, hoạch định lộ trình phát triển con người,… các HR kì cựu cũng có thể trở thành mentor (người cố vấn) hoặc coach (người khai vấn) cho những bạn trẻ đang trong quá trình khai phá bản thân, hoặc nhóm lãnh đạo cấp trung đang mong mỏi phát triển lên những vị trí cao hơn trong sự nghiệp. Quan sát cho thấy, ngày càng có nhiều chuyên gia nhân sự đi theo hướng phát triển này, trở thành một xu hướng trong cộng đồng nhân sự. Tuy nhiên, để trở thành một mentor hay coach thực thụ, người HR cần học thêm các khóa đào tạo về khai vấn cũng như lấy thêm chứng chỉ từ các tổ chức quốc tế. 

“Nhân sự vốn là một nghề rất triển vọng, như “cái nôi” bồi dưỡng nhiều kỹ năng hữu dụng. Với những kỹ năng đó, HR hoàn toàn có thể lựa chọn đi lên - kiên trì theo đuổi công việc nhân sự, tiến thân để trở thành Giám đốc Chiến lược Nhân sự hay Trưởng bộ phận Đào tạo Nhân sự số. Họ cũng có thể đi ngang - mở rộng sang những lĩnh vực khác, làm trainer cao cấp dự giảng các khóa học HR hoặc chương trình đào tạo nội bộ cho nhiều doanh nghiệp, thậm chí nếu tự khởi nghiệp sẽ có nhiều thế mạnh nhất định về tuyển dụng và quản trị con người.... Miễn là bạn không ngừng trau dồi kỹ năng và nghiệp vụ cần thiết từ hôm nay thì dù là lựa chọn gì, bạn đều có thể “thăng hoa” trong sự nghiệp” - Bà Tiêu Yến Trinh kết luận. 

Một nghiên cứu kéo dài 9 tháng của Harvard Business Review gần đây cũng đưa ra 21 chức danh nghề nghiệp mới cho các HR sẽ phổ biến trong 10 năm tới. Giám đốc Chiến lược Nhân sự, Trưởng nhóm Phát triển ‘Work from home’, Trưởng phòng Thiết kế Kỹ năng, Trưởng bộ phận Đào tạo Nhân sự số, Giám đốc Dữ liệu Ứng viên, Giám đốc Tài chính, Giám đốc Sức khỏe An sinh, Chuyên gia Quan hệ Công chúng, Đại diện Dịch vụ Khách hàng… là những lựa chọn công việc thú vị mà người HR hoàn toàn có thể trau dồi thêm kĩ năng, kiến thức để đảm nhận mà không cần thiết phải học lại từ đầu.

Chưa cần chờ đến thập kỷ tới, kể từ tháng 6/2020, các công ty như ABN-AMRO, ING, IBM, HPE, Novartis, Walmart… đều đã có HR giữ chức Giám đốc Trải nghiệm nhân sự Toàn cầu (EX).Có thể thấy, con đường của người làm nhân sự sau khi làm nhân sự cũng sẽ sôi động không kém ngành nghề khác.