Trên đỉnh núi Makalu, đằng sau có thể thấy núi Everest và Lhotse. Ảnh: TL
Khải Nguyễn & những động lực vượt qua giới hạn bản thân
Theo danh sách được công bố trên website Explorer’s Grand Slam, Khải Nguyễn là người thứ 50 trên thế giới vượt qua thử thách hoàn thành Adventure Grand Slam gồm 7 ngọn núi cao và Bắc, Nam Cực. Anh đang lên kế hoạch chinh phục 14 ngọn núi cao nhất. Trong hơn 10 năm, Khải Nguyễn đã leo thành công toàn bộ các ngọn núi này. Anh cũng là người Việt đầu tiên hoàn thành thử thách trên.
Khải Nguyễn sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, hiện là kỹ sư công nghệ tại California (Mỹ). Anh yêu thích du lịch ba lô, đi bộ đường dài hiking và trekking, nhưng anh chưa từng nghĩ một ngày nào đó sẽ leo núi vì sợ độ cao từ nhỏ.
Năm 2009, một năm sau chuyến đi tới Bắc Cực, anh chuẩn bị cho chuyến trượt tuyết từ vĩ độ cuối đến Nam Cực. Để làm quen với độ cao, anh quyết định leo một ngọn núi 4.300 m ở California. “Khung cảnh lúc đó rất đẹp. Tôi nghĩ tại sao mình không tận hưởng thiên nhiên tuyệt đẹp kia mà lại phải nghĩ đến những chuyện nguy hiểm có thể xảy ra, từ đó có thêm động lực để tiếp tục leo tới đỉnh. Tôi đã rất thích chuyến leo núi tuyết lần đầu đó và nghĩ sẽ vẫn tiếp tục leo”, anh kể lại.
Đó là hành trình trong suốt 10 năm chinh phục Everest (8.849 m) nằm giữa biên giới Trung Quốc và Nepal (châu Á); Aconcagua (6.961 m) ở Argentina (Nam Mỹ); Denali (6.190 m) ở bang Alaska, Mỹ (Bắc Mỹ); Kilimanjaro (5.895 m) ở Tanzania (châu Phi); Elbrus (5.642 m) ở Nga (châu Âu); Vinson (4.892 m) ở châu Nam Cực và cuối cùng là Puncak Jaya (4.884 m) tại đảo Carstensz Pyramid nằm tại đảo Papua, lãnh thổ của Indonesia ở châu Đại Dương...
Với Khải Nguyễn, thành công chinh phục 7 núi (Thất Đỉnh - Seven Summits) là cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Dù vậy, anh tự nhận mình chỉ chinh phục được thử thách đặt ra và vượt qua giới hạn bản thân. Hơn hết, “tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình để truyền lửa cho những người trẻ có cùng đam mê và cũng muốn vượt qua giới hạn của bản thân”, Khải Nguyễn bộc bạch trong một ngày đẹp trời ở TP.HCM.
Động lực để theo đuổi sở thích
Là người thích thử thách, cả thể chất lẫn tinh thần, học hỏi và khám phá nên leo núi là một quá trình gần như tự nhiên với tôi. Trước đây và cả hiện nay, tôi thích đi du lịch, nhất là đến những vùng đất xa xôi để tìm hiểu, khám phá, và trải nghiệm đất nước, văn hóa, đời sống, ẩm thực của người bản địa. Khi đã đặt chân đến hết tất cả các châu lục, tôi muốn thử thách mình hơn nên đã đặt mục tiêu đi điểm Bắc Cực và Nam Cực của trái đất bằng cách trượt tuyết thay vì chỉ đến những địa điểm này bằng máy bay. Đây là thử thách khó và cần nhiều sự rèn luyện. Sau khi đạt được mục tiêu này, tôi quyết định leo núi vì chưa bao giờ trải qua những thử thách này.
Tôi sinh ra không có tố chất bẩm sinh để leo núi, thậm chí từ nhỏ có hội chứng sợ độ cao, khi leo lên tầng cao của một căn nhà nhìn xuống đã đổ mồ hôi hay bủn rủn tay chân. Ban đầu, ý chí vượt qua nỗi sợ này cũng là động lực để tôi đến với môn leo núi, nhưng giờ thì không cần đến động lực này để theo đuổi sở thích leo núi.
Càng leo càng thấy đam mê hơn vì có những trải nghiệm mà ít khi mình được biết nếu không leo núi. Đây cũng là động lực tốt. Ví dụ, khi leo Everest, leo lúc núi hoàn toàn vắng vẻ. Đa số người leo lên đỉnh Everest trong một khoảng thời gian nhất định. Leo lúc núi không có người xung quanh rất đặc biệt. Nó cho ta cảm giác gần hơn với núi, với thiên nhiên nhưng cũng thật nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ. Dĩ nhiên cũng cảm thấy nguy hiểm hơn nếu khi gặp vấn đề nào đó sẽ không ai giúp. Cũng trong chuyến leo Everest, may mắn chứng kiến hoàng hôn trên đỉnh. Có rất ít người trên thế giới lên đỉnh vào cùng thời điểm trong các chuyến leo của họ và chưa chắc họ đã chứng kiến hoàng hôn do điều kiện thời tiết.
Động lực để vượt qua những thử thách
Để leo núi, đặc biệt là Everest thì cần sức khỏe, sức bền tốt và không có vấn đề về đường hô hấp hay tim mạch. Vì trong hành trình, người leo sẽ đối mặt với những vấn đề sức khỏe như hội chứng độ cao, ho khan dai dẳng, chuột rút vì thiếu chất dinh dưỡng khi leo dài ngày. Nhưng điều quan trọng với một người leo núi là ý chí quyết tâm lớn. Đến một lúc nào đó, chỉ có sự quyết tâm mới đẩy cơ thể lên một giới hạn mới mà bình thường bạn nghĩ không bao giờ đạt được.
Tuy có nhiều thứ thúc đẩy mình leo núi, nhưng đến lúc nào đó sẽ có những việc xảy ra làm mình không có động lực theo đuổi hay vượt qua các thử thách này. Tôi cũng đã trải qua những thời điểm đó. Được biết đến là người có thành tích leo núi nhưng tôi cũng có vài lần không thành công khi leo núi Aconcagua ở Argentina (núi cao thứ 2 trong danh sách Thất Đỉnh) vì nhiều lý do như thời tiết, sức khỏe hay thời gian.
Tôi đã có lúc không muốn leo tiếp núi này và đã không leo trong một thời gian. Tuy vậy, khi đã lên kế hoạch thử thách, tôi đã nhìn lại những lần leo không thành công để từ đó rút kinh nghiệm cho chính mình và rèn luyện thêm ở những núi nhỏ hơn. Ý chí hoàn thiện mình hơn, cả thể chất lẫn tinh thần đã giúp vượt qua những thử thách như vậy. Vì vậy, chỉ có động lực nội tại luôn là động lực giúp mình vượt qua những thử thách mà có khi nguy hiểm đến tính mạng.
Động lực lên kế hoạch chinh phục 14 ngọn núi cao nhất
Tôi đang lên kế hoạch leo tất cả 14 núi cao nhất trên 8.000 m. Đây là một dự án lớn, đầy thử thách và chưa được thực hiện bởi một người Việt, trong hay ngoài nước. Hiện nay, trên thế giới có 45 người đã leo tất cả 14 núi nhưng chỉ có 11 người leo lên các đỉnh thật của 14 núi, trong khi những người còn lại không đến đỉnh thật, do nhầm lẫn hoặc không biết. Dự án này, tôi đã ấp ủ từ khá lâu, cùng lúc với dự án Thất Đỉnh. Nay đã hoàn thành Thất Đỉnh và cũng đủ kỹ năng, kinh nghiệm và sự tự tin nên tôi quyết định bắt tay vào dự án này.
Cùng với dự án Thất Đỉnh, tôi đã leo thành công Everest vào năm 2021. Năm 2022 tôi bắt đầu leo một số núi trong danh sách 14 núi. Tháng 5/2022, tôi leo thành công núi Makalu, cao thứ 5 thế giới và đến tháng 7/2022, leo núi K2, cao thứ 2 sau Everest. Núi K2 tuy thấp hơn Everest 237 m, nhưng khó leo hơn, cần nhiều kỹ thuật và kỹ năng hơn. Núi này cũng thuộc hàng Top nguy hiểm, hơn cả Everest, trong danh sách 14 núi. Do đó, đối với một người leo núi, leo thành công K2 như là một “chứng chỉ” đạt được mức độ cao hơn.
Khi đã leo núi, chắc hẳn ai cũng muốn lên tới đỉnh nhưng điều này là không chắc chắn. Với tôi, trước mỗi chuyến đi, đều đã chuẩn bị tâm lý cho việc không thể lên được đỉnh và có thể phải quay lại. Nhiều người leo núi có quan điểm rằng một là lên đỉnh, hai là chết. Theo tôi, đây là quan niệm rất nguy hiểm. Một người leo núi phải biết khi nào tiến, khi nào quay lại. Tôi đã nhiều lần quay lại, có khi chỉ cách đỉnh khoảng 45 phút.
Cắm trại tại núi Kangchenjunga. Ảnh: TL |
Chẳng hạn, trong chuyến leo Everest năm 2019, khi leo tới độ cao 8.100 m, tôi nhận ra sự cảnh báo của cơ thể khi di chuyển chậm chạp, đôi mắt đã đỏ au và các chi bị tê cóng. Dù luyến tiếc những nỗ lực để đến Everest trong suốt một năm và ước mơ được đứng trên đỉnh, tôi vẫn quyết định quay về trạm IV, vì biết sẽ không an toàn nếu cố đi lên. Sau 2 năm, tôi quay trở lại một lần nữa và chinh phục thành công Everest.
Khi quyết định đi leo núi, tôi đã tìm hiểu kỹ các nguy cơ, cách luyện tập và học các khóa leo núi. Sau đó leo khá nhiều, từ thấp đến cao để học hỏi kinh nghiệm và hiểu bản thân nhiều hơn, nhất là cơ thể phản ứng ra sao khi lên độ cao. Điều này đối với tôi là cần thiết vì không có tố chất tự nhiên để leo núi.
Để thực hiện dự án Thất Đỉnh là một quá trình dài hơi. Trên thế giới có những người hoàn thành Thất Đỉnh rất nhanh nhưng quá trình rèn luyện, chuẩn bị đã rất lâu. Có thể họ không phải rèn luyện cho việc leo núi nhưng những thứ họ làm phải giúp ích cho việc này. Một điều tôi nhận ra là núi nào cũng có cái khó riêng, nên không bao giờ nghĩ là núi nào dễ và luôn “tôn trọng” núi. Và sẽ có những lúc nản lòng thoái chí, nên cần có những động lực từ nội tại mới kiên trì tạo nên thành quả. Và nhất là phải có cam kết và kỷ luật để đạt được mục đích của mình.