Thứ Ba | 02/04/2013 12:48

Kẻ tầm xương

Trong căn hộ của mình, designer Nguyễn Quốc Phục từng liên tục lột da, lọc thịt các con vật chết để được những bộ xương thú tinh xảo, độc đáo.

Ấn tượng với câu nói của nhân vật chính trong bộ phim The bone collector (Kẻ tầm xương) của đạo diễn Phillip Noyce, thân xác rồi sẽ mất đi - chỉ có bộ xương là còn ở lại, Nguyễn Quốc Phục bắt đầu hành trình theo đuổi đam mê sưu tập xương thú vật.

Lần đầu tiên Quốc Phục nhìn thấy một xương đầu mèo bị sóng biển đánh dạt vào bờ, cảm giác muốn giữ lại những gì còn sót lại của một sinh vật đã không còn sống trỗi dậy. Trước khi sưu tập xương, Phục đã dồn tiền bạc, công sức vào đủ loại đam mê, nhiếp ảnh, xe, mặt nạ, các con vật như nhện, iguana… nên tìm hiểu về một thú chơi mới là một bắt đầu không khó khăn. Phục bắt đầu lên mạng, tìm hiểu về quy trình và tìm kiếm những bộ xương động vật này.

Thế nhưng, càng tìm kiếm, càng thấy mong manh. Ở nước ngoài, người sưu tập xương khá nhiều, nhiều nơi bán một cách chính thức các bộ xương của động vật nhưng ở Việt Nam quá hiếm hoi. Không người chơi, không hội nhóm và hầu hết chỉ bán sừng trâu. Thế là Phục quyết định tìm kiếm người cùng thực hiện một bộ xương khô.

Rủ rê được một "đồng đội" rành rẽ về hoá chất, cơ thể học từ miền Tây, Phục bắt đầu lân la các tiệm bán chim, thú vật hỏi mua các con đã chết. Cứ có con chim đại bàng, dơi, chó… nào chết thì mọi người gọi Phục đến mua để xử lý hoá học cho các sinh vật này.

Thị trường thỉnh thoảng cũng có vài mẫu xương được bán với giá vài trăm ngàn đồng nhưng hầu hết đều không tinh xảo. Dân chuyên nghiệp và có yêu cầu cao thì sẽ thực hiện các công đoạn cho thú chơi, từ tìm kiếm con vật đến ghép hoàn chỉnh thành một bộ "hài cốt".

Để có được thành phẩm, người chơi phải trải qua các công đoạn công phu. Tìm kiếm con vật (với Phục, đó phải là những con vật đã chết vì một lý do nào đó - anh không chấp nhận việc sử dụng con vật ban đầu còn sống để xử lý lấy xương), sơ chế ban đầu như vặt lông, lột da và lọc bớt phần thịt. Việc lọc thịt phải làm cẩn thận, có thể dùng những con sâu rỉa thịt để tránh tổn hại đến bộ xương.

Tiếp đến, các con vật sẽ được ngâm trong các dung dịch hoá học, hút tuỷ xương, ngâm cồn và sau đó phơi nắng bộ xương để chuẩn bị cho khâu cuối cùng là lắp ghép lại các đoạn xương bị tách rời. "Khâu ghép nối đòi hỏi bạn phải có kiến thức về cơ thể động vật học thì bạn mới làm chính xác được. Vì vậy, thú chơi này có thể nói là công phu ngay từ đầu và cần phải khéo léo đến khâu cuối cùng", Quốc Phục nói.

Các bước thực hiện để có tác phẩm cuối cùng khó khăn bao nhiêu thì quá trình bảo quản sau đó lại cực kỳ đơn giản vì nếu xương đã sạch, khô thì sẽ không có gì khiến bị hư hại.

Lùng sục để có từng con chim đại bàng, hỏi những người ở vùng cao rồi lặn lội qua các cửa hàng ở Thái Lan tìm mua, Quốc Phục tuy tự nhận mình là kẻ mới bắt đầu đã có các bộ xương của dơi, đại bàng, chim cao cát, đầu chó, đầu trâu, đầu khỉ, đầu dê, đầu heo rừng, mu rùa, chân kỳ đà, rắn hổ mang, chim ó… "Thật ra, tôi chỉ là người mới bắt đầu. Trên thế giới người ta chơi món này ngầu lắm, vừa đẹp vừa công phu. Ở Thái Lan, gần Việt Nam thôi, có nhiều cửa hàng bán đầu dê mà bước vào là chỉ muốn khiêng hết về Việt Nam", Phục chia sẻ.

Ngoài giờ làm việc là một designer ở một tập đoàn quảng cáo nước ngoài, hễ có thời gian rảnh, Phục lại dành cho sở thích sưu tập những bộ xương tinh xảo này, cho dù đam mê này còn chưa có hội nhóm và những người cùng chia sẻ thông tin. Vậy là ngoài nhện và iguana, xe, máy ảnh…, giờ đây Phục đã có thêm những người bạn mới…

Một phần trong bộ sưu tập của Phục



Chỉ một phần của những bộ xương sau khi xử lý đã trở thành những vật phẩm trang trí ấn tượng, được thực hiện rất kỳ công như xương dơi ở trên.


Nguồn SGTT


Sự kiện