Quân Đội Tây Sơn không kể chuyện theo phương thức giả tưởng hoặc phóng tác trên nền lịch sử có thật như cách nhiều bạn trẻ thường làm. Ảnh: TL.

 
Minh Lan Thứ Hai | 07/08/2023 08:38

Kể sử bằng tranh, ảnh

Sử chỉ sống khi có tính tiếp nối thế hệ và được kể bằng ngôn ngữ theo nhiều cách tiếp cận khác nhau...

Tháng 7/2023, sau 5 năm miệt mài tìm cứ liệu từ rất nhiều thư viện, bảo tàng, di tích... trong và ngoài nước, cuốn sách mang tên Quân Đội Tây Sơn - Lịch Sử Bằng Hình Ảnh của Đào Nguyên Khánh - chàng trai làm trong ngành marketing và phát triển bền vững - đã chính thức ra mắt độc giả.

Quân Đội Tây Sơn không kể chuyện theo phương thức giả tưởng hoặc phóng tác trên nền lịch sử có thật như cách nhiều bạn trẻ thường làm. Khánh chọn kể một giai đoạn sử người thật, việc thật với nội dung cô đọng, hình ảnh sinh động, thiết kế bắt mắt, dễ hiểu. Trong cuốn sách này, Khánh sử dụng nhiều hình ảnh gồm hiện vật, tranh cổ, ảnh minh họa tổng hợp từ nhiều tư liệu lịch sử tại các bảo tàng trong nước và quốc tế như Thái Lan, Mỹ, Pháp, Anh, Hà Lan và Đài Loan (Trung Quốc) mà anh cất công sưu tầm nhằm mô tả và diễn giải cụ thể về vũ khí, quân đội Tây Sơn và các thông tin thú vị khác có liên quan.

Bên cạnh đó, sách cũng cung cấp nhiều thông tin lịch sử so sánh quân đội Tây Sơn với quân đội các nước cùng thời như Xiêm La (Thái Lan), nhà Thanh (Trung Quốc)... Hai trận chiến nổi tiếng là Rạch Gầm - Xoài Mút và Ngọc Hồi - Đống Đa cũng được hình ảnh hóa đẹp mắt.

Song song đó, sách còn có mã QR dẫn đến 3 video do tôi khai triển thêm. Ảnh: TL.
Song song đó, sách còn có mã QR dẫn đến 3 video được khai triển thêm. Ảnh: TL.

Trước ngày sách ra mắt, Khánh đã có những chia sẻ chân tình với NCĐT về niềm đam mê mãnh liệt với lịch sử và những thử thách dành cho một “tay ngang” khi lấn sang lĩnh vực nghiên cứu, viết lách.

Là người con của đất Bình Định, không khó hiểu khi anh chọn chủ đề quân đội Tây Sơn cho quyển sách đầu tay. Ngoài lý do trên, còn điều gì thôi thúc anh thực hiện cuốn sách này?

Là tình yêu và niềm say mê đặc biệt trước những câu chuyện lịch sử mà tôi được ba mẹ truyền cho từ thuở nhỏ. Dù hiện tại theo ngành nghề khác, tình yêu ấy vẫn vô cùng đặc biệt. Tôi chọn Tây Sơn vì triều đại này không chỉ gắn liền với quê hương, nơi tôi sinh ra và lớn lên mà còn là niềm tự hào chung của người dân Việt Nam. Người xưa có câu “Loạn thế xuất anh hùng”. Tây Sơn chính là một triều đại như thế. Có rất nhiều điều thú vị và hay ho để kể. Nếu được dựng thành phim thì chắc chắn sẽ hấp dẫn lắm. Tôi không làm được phim nên chọn sách. Tôi vẫn luôn thắc mắc, điều gì đã tạo nên chiến thắng thần tốc và oai hùng của quân đội nhà Tây Sơn? Và cuốn sách này phần nào là lời giải, ít nhất là cho sự tò mò của tôi.

Vì sao anh không chọn cách thức dễ dàng hơn là sách thiên về chữ kèm minh họa?

Tôi muốn sách có thể thu hút được nhiều bạn đọc trẻ tuổi. Xu hướng bây giờ, đa phần người trẻ thích xem hình ảnh nhiều hơn. Do đó, để sách đến gần với họ hơn thì cần đa dạng hơn trong cách thể hiện. Quân Đội Tây Sơn dày 185 trang thì có 175 tranh ảnh lịch sử, 73 ảnh hiện vật vũ khí. Đi kèm mỗi hình ảnh đều có chú thích, chú giải rõ ràng để người đọc hình dung.

Song song đó, sách còn có mã QR dẫn đến 3 video do tôi khai triển thêm. Người đọc có thể dễ dàng xem video cách sử dụng súng hỏa mai khi quét mã QR ở trang 35; xem video mở rộng về Bổ tử dành cho quan võ nhà Thanh khi quét mã QR ở trang 135; xem video so sánh thú vị về Hoàng đế Quang Trung và Alexander Đại đế khi quét mã QR ở trang 171. Bằng cách này, người đọc không chỉ được tiếp nhận thông tin bằng trực giác mà còn bằng thính giác, tăng sự hứng thú, tò mò tìm hiểu lịch sử nhiều hơn.

 

Là tay ngang rẽ lối sang sách và lại là sách sử bằng hình ảnh, anh đã bắt đầu từ đâu?

Có vô vàn thử thách khi bắt tay làm quyển sách này. Thứ nhất, không biết bắt đầu từ đâu. Tôi chọn khởi điểm từ những gì mình nghe được, đọc được trước đó. Thứ 2, khi tìm hiểu sâu, lục lọi tư liệu khắp trong và ngoài nước thì tôi rơi vào tình trạng “bơi” trong cứ liệu. Không biết nên dùng gì, cái gì cần, cái gì không. Có những thông tin đọc một năm trước thấy hay nhưng chưa dùng đến, năm sau cần dùng thì không nhớ chi tiết đó nằm ở cứ liệu nào. Quá trình tìm tòi này cũng cho tôi nhiều vỡ lẽ về cách quản lý tư liệu một cách khoa học phục vụ cho dự án.

Thứ 3, khi đã có kha khá thông tin để viết ra thì tôi lại có rất nhiều ý tưởng thú vị muốn thể hiện vào trong quyển sách đến mức ôm đồm và lắm lúc đi chệch khỏi nội dung quyển sách. May mắn là tôi gặp được Thạc sĩ Nguyễn Phước Quý Khanh. Khanh không những cung cấp nhiều tư liệu quý mà còn cho tôi nhiều lời khuyên bổ ích. Quyển sách này không thể hoàn thành nếu không có những buổi thảo luận liên tục giữa tôi và Khanh trong suốt 2 năm cuối của dự án.

Ở tuổi của anh, nhiều người bận tâm đến việc kiếm tiền, tích sản. Với việc kể sử bằng tranh, có vẻ như anh đang đi ngược lại đám đông?

Thực ra tôi cũng bận tâm đến việc kiếm tiền và tích sản. Tuy nhiên, làm sách không thuộc mục tiêu đó. Riêng về ý kiến rằng tôi đang đi ngược lại đám đông thì tôi không cho là vậy. Tôi đã thấy nhiều bạn trẻ, bằng khả năng và sức lực của riêng họ, tụ hội lại làm những dự án hay ho về sử. Có thể là phim ngắn bằng đồ họa, có thể là kể truyện tranh giả tưởng, cũng có thể là truyện tranh.

Tôi là fan cứng của truyện tranh. Dù là bằng hình thức nào thì đều cho một mẫu số chung: vẫn còn rất nhiều người trẻ yêu thích lịch sử và muốn làm mới những câu chuyện quen thuộc. Sử chỉ sống khi có tính tiếp nối thế hệ và được kể bằng ngôn ngữ theo nhiều cách tiếp cận khác nhau. Đấy là tín hiệu tích cực. Như bản thân tôi khi làm quyển sách này cũng đã nhận được sự giúp đỡ vô điều kiện từ các bác, các chú, anh chị em trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Sau cuốn sách này, anh có ấp ủ dự án nào khác?

Tôi hy vọng mình sẽ có đủ thời gian để làm quyển sách về văn hóa Chăm. Nhiều sách viết về văn hóa Chăm hiện nay thiên về tính nghiên cứu và rất dài, dày, khiến người mới tiếp cận hoặc muốn tìm hiểu ngại đọc. Mục tiêu của tôi là có thể làm một cuốn sách khổ bỏ túi, cung cấp những thông tin khái quát nhất về văn hóa Chăm với hình ảnh hấp dẫn.