Ảnh: reaction.life

 
Ngô Ngọc Châu Thứ Năm | 07/03/2019 10:00

Jaguar Land Rover có thoát hiểm lần 2?

Liệu Jaguar Land Rover có thành công trong cuộc lội ngược dòng lần thứ 2 này?

Những chiếc Range Rover, mẫu xe xa xỉ của Jaguar Land Rover, toát lên vẻ quý phái sang trọng với đồ nội thất bằng da và gỗ. Sự sang trọng đó khiến người ta dễ quên đi rằng Range Rover là một chiếc xe địa hình rất ngầu, khi thì uyển chuyển chạy lên sườn núi, khi thì nhẹ nhàng lướt quanh những cung đường đẹp trong thành phố. Nhưng khả năng vượt địa hình có kéo Jaguar Land Rover ra khỏi vũng lầy hiện tại?

Sau hàng quý thua lỗ, vào đầu tháng 2, Jaguar Land Rover lại tiếp tục công bố một khoản lỗ khác: 273 triệu bảng Anh (351 triệu USD) trong quý gần nhất. Ngoài con số lỗ này, còn có một khoản ghi giảm giá trị tài sản lên tới 3,1 tỉ bảng Anh. Ngay sau thông tin này, giá cổ phiếu của công ty mẹ là Tata Motors, công ty sản xuất ô tô thuộc tập đoàn đa ngành Ấn Độ Tata Group, đã giảm tới 18%. Nếu tính trong năm vừa qua, giá cổ phiếu của Tata Motors đã giảm tới 60%.

Jaguar Land Rover là nguồn sống của Tata Motors khi đóng góp tới khoảng 80% doanh số bán ra và 100% lợi nhuận cho Công ty. Do đó, mặc dù lại có thêm một quý thua lỗ, Natarajan Chandrasekaran, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tata Group đồng thời là Chủ tịch Tata Motors, cho biết Công ty của ông hoàn toàn “cam kết” với Jaguar Land Rover và quyết định lội ngược dòng nhãn xe hạng sang này.

Đây sẽ không phải là cú lội ngược dòng đầu tiên của Jaguar Land Rover. Khi Tata thâu tóm Jaguar Land Rover từ tay Ford vào năm 2008, nhãn hàng này đã mấp mé bờ vực phá sản. Kể từ đó, doanh số bán đã tăng gấp 3 lần, lên hơn 600.000 chiếc mỗi năm vào năm 2017. Lợi nhuận cũng cải thiện rõ rệt. Nhưng Ralf Speth, một cựu nhà điều hành BMW được mời về để dẫn dắt Jaguar Land Rover trên con đường bắt kịp các đối thủ Đức, có thể trong những năm gần đây đã đi quá nhanh và quá xa. Ông ráo riết muốn đạt tới mục tiêu bán 1 triệu chiếc mỗi năm nhằm trang trải chi phí phát triển công nghệ ô tô tương lai.

Dục tốc bất đạt, cuối cùng Jaguar Land Rover đã phải thắng gấp vào năm 2018. Lượng xe bán ra đã giảm 5% trên toàn cầu trong 12 tháng kết thúc vào tháng 12.2018, sau khi sụt giảm mạnh tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái do nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng chậm lại, khiến người mua không mặn mà và do mối quan hệ của Jaguar với các đại lý ô tô tại Trung Quốc cũng trở nên xấu đi.

Công ty hiện đang đối mặt với hàng loạt vấn đề. Thị trường quan trọng nhất của Công ty tiếp tục đi xuống và nó lại dựa vào các động cơ diesel, vốn đang trở nên ít được ưa chuộng hơn. Động cơ diesel hiện được sử dụng trong hầu hết các xe của Hãng ở châu Âu trong khi xu hướng hiện nay cổ xúy cho các loại xe thân thiện với môi trường (cả về mặt chính sách lẫn khẩu vị của người tiêu dùng). Thêm vào đó là mối đe dọa đến từ thuế quan Mỹ và sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit). Điều đó cũng khiến nhiều người lo lắng cho triển vọng của Công ty trong tương lai gần.

Brexit và chiến tranh thương mại hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của Jaguar Land Rover. Nhưng canh bạc đặt cược khổng lồ của Jaguar Land Rover vào động cơ diesel và cách Jaguar Land Rover “giao thiệp” kém với các đại lý ô tô Trung Quốc thì lại không. Các đại lý ô tô phải chấp nhận bán lỗ để đáp ứng các chỉ tiêu doanh số cứng nhắc hoặc để tiếp tục có mặt trong cuộc chơi và kể từ đó đã từ chối duy trì hàng tồn kho, vốn cứ tăng dần. Tình cảnh của Jaguar Land Rover cũng một phần lớn là do tham vọng quá lớn của thương hiệu này. Ông Speth đã chi tiêu quá phóng túng và chi phí đã tăng mạnh.

Để tạo tăng trưởng, hiện tại Jaguar Land Rover chi tiêu rất nhiều vào việc sản xuất quá nhiều mẫu xe so với quy mô của mình. Range Rover rất được ưa chuộng và chiếc Evoque là một thành công bất ngờ nhưng chiếc Discovery mới và chiếc Velar lại không lạc quan. Làm gì với Jaguar lại là một câu hỏi hóc búa khác. Trong thời gian gần đây, nhãn xe này có lẽ chưa bao giờ tạo ra lợi nhuận hằng năm (Tata Motors không chia sẻ con số). Việc Speth quyết định đầu tư vào các xe saloon cao cấp, một phân khúc đang thu hẹp mà người Đức hiện chiếm lĩnh, có vẻ như là một sai lầm đắt đỏ. Các mẫu XE và XF chưa bao giờ bán tốt cả. Bản thân Speth “có lẽ cần phải chịu trách nhiệm cho những gì đã làm sai”, Robin Zhu, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu Bernstein, nói.

Tuy nhiên, Tata vẫn đặt niềm tin vào dàn điều hành đã đưa Jaguar Land Rover từ chỗ gần như phá sản trở thành nhãn xe xa xỉ lớn thứ 4 thế giới. Công ty dự kiến sẽ cắt giảm 2,5 tỉ bảng Anh chi phí trong vòng 18 tháng tới và sẽ sa thải 4.500 lao động (chiếm khoảng 1/10 lực lượng lao động của Hãng) ngoài việc sa thải 1.500 lao động được công bố trong năm 2018. Điều này giúp Công ty có dòng tiền dương trong giai đoạn 2020-2021, theo Tata.

Tập đoàn Ấn Độ này tin rằng Jaguar Land Rover là một mảng kinh doanh lạc quan và sẽ khởi sắc. Tata có thể đã phủi tay đối với Corus, một thương vụ thâu tóm khác của Công ty khi cho nhà sản xuất thép Anh này liên minh với ThyssenKrupp (Đức) vào năm 2018, nhưng Tata lại xem Jaguar Land Rover là một canh bạc đặt cược quan trọng vào công nghệ mới cũng như vào tương lai. Jaguar có thể cần phải cân nhắc lại nên chú trọng sản xuất loại xe nào nhưng Range Rover lại nằm trong số những nhãn xe sinh lợi nhất và các mẫu xe được cải tiến dự kiến ra mắt trong vài năm tới sẽ cho Công ty một lực đẩy rất lớn. Nếu Công ty có thể vượt qua năm tiếp theo, sau đó tập trung vào các mẫu xe SUV đắt đỏ, Jaguar Land Rover sẽ quay trở lại đường đua

Nguồn Economist