Ảnh: bloomberg.com
Hyundai lạc lái
Các văn phòng của Hiệp hội các nhà cung cấp ô tô Asan giống như một thời đại đã qua đi. Các bức tường đầy những tấm hình đã phai mờ về các cuộc biểu tình phản đối. Khói thuốc lá bay ra từ phòng giải lao, nơi các công nhân trong bộ quần áo lao động nằm ườn trên chiếc ghế dài cũ kỹ, tận hưởng khoảng thời gian nghỉ giải lao giữa lúc đổi ca. Hầu hết các công nhân đều ở độ tuổi trung niên. Do Sung-dae, ông chủ của hiệp hội này, gây nổi bật với mái tóc muối tiêu, cặp kính có gọng sừng, lại đang tranh đấu với Yoosung Enterprise, một nhà sản xuất phụ tùng thuê các thành viên của nó ở Asan, một thành phố công nghiệp ở phía Nam thủ đô Seoul.
Các nhà sản xuất phụ tùng Hàn Quốc đang trong thế khó. Có nhiều công ty đã phải nộp đơn xin phá sản kể từ mùa thu vừa qua hơn bất cứ thời điểm nào từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhiều công ty, trong đó có Yoosung, cho biết họ đang phải vật lộn để có thể tồn tại. Các vấn đề rắc rối của họ là “triệu chứng” của một cuộc khủng hoảng sâu rộng trong ngành ô tô. Tâm điểm của ngành này là một tập đoàn khổng lồ: Hyundai Motor.
Trong 20 năm qua, Hyundai Motor (cũng kiểm soát cả Kia) đã đi từ chỗ là kẻ vô danh tiểu tốt trở thành hãng xe lớn thứ 5 thế giới bằng cách cho ra đời những chiếc xe tốt nhưng không quá thú vị, có giá rẻ hơn các chiếc xe tương tự được sản xuất bởi các đối thủ Nhật hoặc các hãng xe phương Tây. Nhưng giống như các văn phòng của Hiệp hội các nhà cung cấp ô tô Asan, Hyundai lại thất bại trong việc bắt kịp thời đại.
Doanh số bán toàn cầu của Hyundai đã đình trệ, chỉ đạt 96.800 tỉ won (tương đương 85 tỉ USD) vào năm ngoái. Lợi nhuận ròng năm 2018 đã giảm năm thứ 6 liên tiếp. Kể từ năm 2014 giá cổ phiếu Hyundai đã ở mức thấp hơn các đối thủ chính như Toyota, GM và Ford (tính theo USD).
Một số lý do cho việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của Hyundai. Một đồng yen yếu đã làm bệ đỡ cho các nhà sản xuất Nhật. Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như các mối đe dọa bởi Tổng thống Donald Trump về việc áp thêm thuế quan lên ô tô của Hàn Quốc càng gây thêm sóng gió cho ngành ô tô nước này. Công việc kinh doanh của Hyundai tại Trung Quốc bị tác động bởi động thái tẩy chay suốt cả năm trời của người mua Trung Quốc đối với các sản phẩm xứ Hàn theo sau một cuộc tranh chấp về hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Hàn Quốc vào năm 2017.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề rắc rối của Hyundai lại xuất phát từ thị trường nội địa. Việc Hyundai đi lên phân khúc cấp cao trong những năm gần đây đã khiến cho hãng xe này đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Hãng đã bỏ lỡ cuộc chuyển đổi sang các loại xe SUV ở châu Âu, Mỹ và gần đây nhất là tại Trung Quốc. Nhãn hàng Genesis của Hyundai cũng đã tụt lại đằng sau ở phân khúc xa xỉ có biên lợi nhuận cao nhất. Phân nửa công suất sản xuất của Hyundai tại Trung Quốc hiện tại “ngồi không chơi”, có lẽ tình trạng này liên quan đến việc bành trướng quá nhanh hơn là do bị tẩy chay, theo James Lim, thuộc công ty quản lý quỹ Dalton Investments.
Chi phí lao động đang tăng lên tại thị trường nội địa, nơi chiếm 40% sản lượng sản xuất của Hyundai, đã làm què quặt khả năng cạnh tranh về giá của hãng xe này. “Các khách hàng vẫn kỳ vọng ô tô của chúng tôi sẽ rẻ hơn một chiếc Volkswagen”, Cho Won-hong, Giám đốc Chiến lược của Hyundai, than thở.
Cho Won-hong muốn thuyết phục khách hàng phải trả cao hơn cho chiếc xe của Hyundai bằng cách đặt cược vào các công nghệ tương lại như pin nhiên liệu hydro và các công nghệ di động tích hợp như chia sẻ ô tô, ô tô không người lái… Tuy nhiên, Hyundai hiện chỉ dành 3% doanh số bán cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), so với 6% tại Volkswagen hoặc 4% tại Toyota, theo Bloomberg. Cho Won-hong không tiết lộ liệu Hyundai có kế hoạch tăng cường chi tiêu vào R&D hay không, mà chỉ nói rằng Công ty sẽ “đầu tư vào chuỗi giá trị mới”.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng việc chi phí rót vào R&D không cao là do giá nhân công đang tăng lên. Những chuyên gia phân tích khác thì cho rằng đó là do các thói quen khó bỏ của mô hình chaebol (tập đoàn kinh tế đa ngành), mà công ty mẹ của Hyundai lại là một trong những chaebol lớn nhất Hàn Quốc. Trong thời kỳ ăn nên làm ra, Tập đoàn đã rót những đồng tiền dư dả do bộ phận sản xuất ô tô làm ra vào các khoản đầu tư bất động sản mang tính chất đầu cơ tại quận Gangman hào nhoáng của Seoul và mua lại một công ty xây dựng gặp khó khăn.
Phong cách quản trị một cách thủ cựu tại doanh nghiệp này và công ty mẹ của nó gần đây bị chỉ trích bởi các nhà đầu tư chủ động. Năm ngoái, Elliott, một quỹ đầu cơ Mỹ, đã cản trở một kế hoạch tái cấu trúc mà theo đó trao nhiều quyền lực hơn cho Chung Eui-son, con trai và là người thừa kế của nhà sáng lập Hyundai. Nhưng việc Eliott đòi hỏi cổ tức cao hơn sẽ khiến thiếu hụt đầu tư vào các công nghệ mà Cho mong muốn. Mới đây, các cổ đông của Hyundai đã phản đối yêu cầu của Elliot (và các đại diện của quỹ này ứng cử vào Hội đồng Quản trị). Nếu thay vào đó Tập đoàn rót tiền vào việc cải tiến ô tô thì tình hình của Hyundai mới có thể khởi sắc trở lại.
Nguồn The Economist