_21119593.png)
Bát Tràng Museum Atelier đã có kha khá sản phẩm đương đại, được chọn trưng bày, làm đồ trang trí trong nhiều không gian sang trọng. Ảnh: TL
Hơi thở đương đại trong hồn gốm xưa
Bên cạnh việc số hóa hơn 30 tác phẩm độc bản của cố Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng, sáng lập Bảo tàng từ năm 2016, Bát Tràng Museum (Bảo tàng nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng) còn giới thiệu nhiều câu chuyện văn hóa về nghề và người của làng gốm hơn 700 năm tuổi. Một góc khiêm tốn trên nền tảng số được dành cho những sản phẩm gốm bảo tàng kết hợp cùng các nghệ sĩ đương đại. Đứng sau thành quả ngọt ngào này là anh Vũ Khánh Tùng, Giám đốc Bảo tàng, con trai độc nhất của Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng.
Sáu năm sau khi tiếp quản Bảo tàng của bố, tháng 4/2022, Vũ Khánh Tùng đã tổ chức một triển lãm gây tiếng vang tại Trung tâm Văn hóa Ý (Hà Nội) - Casa Italia với tên gọi vô cùng thảnh thơi “Chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý”. Một triển lãm nhỏ xinh chỉ với đúng 12 hiện vật là 12 chiếc giày gốm mà bố anh đã tạo tác từ 10 năm trước. Mỗi chiếc giày tổng hòa giữa truyền thống (hoa văn, họa tiết, men gốm) và đương đại (chiếc bốt thời trang), kết hợp hài hòa giữa gốm và các vật liệu như bạc, đồng, sơn mài, kén tằm, hoa khô...
Triển lãm gây tiếng vang không chỉ ở giá trị độc đáo của hiện vật mà còn mang đến một định nghĩa mới mẻ về không gian trưng bày hiện đại, thông qua diện mạo chỉn chu, bố cục chặt chẽ, cách kể chuyện súc tích cùng bộ nhận diện nhất quán. Quan trọng hơn, triển lãm đã truyền cảm hứng đến nhiều cá nhân đang theo đuổi công việc sáng tạo. Chị Lê Thu Hương, sáng lập Leap Art Việt Nam, sau khi xem triển lãm đã kết hợp cùng Bát Tràng Museum Atelier - xưởng gốm thuộc Bát Tràng Museum - giới thiệu chiếc đèn bàn Ballerina, kết hợp giữa gốm và nghề thêu thủ công Việt Nam.
Bây giờ, Bát Tràng Museum Atelier đã có kha khá sản phẩm đương đại, được chọn trưng bày, làm đồ trang trí trong nhiều không gian sang trọng, trong các buổi ra mắt của nhiều thương hiệu quốc tế tại Việt Nam. Từ những sản phẩm gốm tối giản kết hợp cùng nghệ sĩ Trần Nữ Yên Khê, kiến trúc sư Nguyễn Hà cho đến tháp và bình Tulipiere, túi gốm Ai Ơi, bình gốm hình mèo, tượng gốm cá chép trông trăng, giày gốm phiên bản nhỏ hay bộ sưu tập Rồng Phố kết hợp cùng nhà thiết kế Diệu Anh...
Ngoài việc gìn giữ và tôn vinh di sản những tác phẩm gốm bố để lại, Tùng vẫn luôn trăn trở làm sao để Bát Tràng Museum trở thành cái tên có tầm ảnh hưởng. “Đó vừa là áp lực, vừa là trách nhiệm vừa là lý do và cả động lực để tôi quyết tâm hết mình”.
Lớn lên giữa tiếng làm gốm lanh canh, trong căn nhà cổ được bố mẹ chăm chút từng chi tiết nhưng Tùng “muốn được sống một cuộc đời tung tăng, bay nhảy hơn là suốt ngày lầm lụi đất cát, cặm cụi bên những mẻ gốm, quay cuồng giữa những hợp đồng... như bố mẹ”.
![]() |
Khi bố anh hoàn thiện căn nhà cũng là lúc ông hoàn thành trọng trách làm trưởng ban phục dựng lại nguyên bản di tích kiến trúc Đình làng Bát Tràng. Khi ấy, Tùng rời quê lên phố lập nghiệp. Thời trẻ, Tùng học khoa tiếng Nhật, rồi dần “dòng đời xô đẩy” anh tới nghề báo ở cương vị nhà sản xuất và giám đốc hình ảnh, đạo diễn cho các chương trình truyền hình trên VTC, HTV3. Năm 2010, anh về tạp chí Đẹp. Tùng luôn mang đến trong những bộ ảnh của anh sự cân bằng tinh tế giữa tính ứng dụng và bản sắc - khiếu thẩm mỹ anh được thừa hưởng từ bố.
Tháng 10/2016, khi Tùng đang đi công tác thì nhận được tin dữ: bố qua đời khi đang xây dựng bảo tàng, để lại một di sản đồ sộ gồm nhiều tác phẩm độc bản, vô giá mà ông kiên quyết không bán để dành thành lập bảo tàng gốm sứ tư nhân đầu tiên tại làng gốm Bát Tràng. “Là con trai duy nhất trong nhà, tôi không thể nào để mẹ - người duy nhất trong gia đình đồng hành cùng bố trong gần 50 năm theo đuổi nghiệp gốm - cô độc trên chặng đường còn lại để bảo vệ sản nghiệp của gia đình, tâm huyết cả đời và cũng là di nguyện cuối cùng của bố”, anh bộc bạch.
Suốt một quãng dài sau khi bố qua đời, Tùng và mẹ cùng anh em trong xưởng rà soát, kiểm kê các hiện vật mà cố nghệ nhân Vũ Thắng đã dày công sáng tác, sưu tầm trong 5 thập kỷ. Tiếp đến, anh bắt đầu phân loại, sắp xếp mọi thứ để mang lại cho những hiện vật này hơi thở mới mẻ hơn mà không làm mất đi giá trị thời gian. Những rối rắm dần gỡ bỏ cũng là lúc bức tranh trở nên rõ nét, đủ để Tùng đặt những viên gạch đầu tiên, xây dựng một cách bài bản website Bát Tràng Museum (www.battrang.museum) - nền tảng số về nghệ thuật đương đại Việt Nam nói chung và làng gốm cổ Bát Tràng nói riêng.
Bảo tàng vật lý, cũng là ngôi nhà cổ do cố nghệ nhân Vũ Thắng xây dựng, vẫn đang tiếp tục hoàn thiện và trưng bày hàng trăm hiện vật quý gồm các bộ sưu tập cổ từ thế kỷ XVIII-XIX đến đầu thế kỷ XX được cố nghệ nhân sưu tầm và nhiều tác phẩm độc bản của ông trong suốt cuộc đời làm nghề.