Từ những năm 1990, hoạt động cưỡi voi bắt đầu đưa vào phục vụ du khách. Thực chất, voi là động vật hoang dã nên không con nào tự nguyện để con người cưỡi lên. Ảnh: Vũ Chi/ baogialai.com.vn
Hồi kết cho nghề thuần dưỡng voi ở Tây Nguyên
Ngày 4.12 vừa qua, Ủy ban Nhân dân xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) xác nhận thông tin Ya Tao, con voi nhà cuối cùng ở Gia Lai, đã nằm xuống vì già yếu, sau hơn 50 năm sống đời thiếu tự do và xa rời đồng loại. Cái chết của chú voi này kéo tổng số lượng voi được thuần dưỡng trên phạm vi cả nước xuống dưới mức 90 cá thể và khép lại những dấu vết cuối cùng của nghề thuần hóa voi ở Bắc Tây Nguyên.
Xuất hiện từ giữa thế kỷ XVIII, nghề quản tượng ở Tây Nguyên ban đầu nhằm phục vụ cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Về sau, nhờ kỹ thuật thuần dưỡng voi rừng điêu luyện, người dân tộc M’nông nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung vẫn tiếp tục thuần dưỡng voi để phục vụ nông nghiệp và khai thác gỗ, dần trở thành biểu tượng văn hóa đặc trưng của vùng đất này, theo Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk (DECC).
Voi có thói quen ăn và uống nước lai rai liên tục từ 70-80% thời gian trong ngày. Ảnh: Thế Anh |
Từ những năm 1990, hoạt động cưỡi voi bắt đầu đưa vào phục vụ du khách. Thực chất, voi là động vật hoang dã nên không con nào tự nguyện để con người cưỡi lên. Muốn làm voi rừng khuất phục, quản tượng thường chọn voi con từ 2-4 tháng tuổi. Trải qua một quá trình bị “hành hạ” đau đớn cho tới khi chúng rơi nước mắt, một biểu hiện của sự khuất phục, chúng mới được cho ăn, vỗ về, nghỉ ngơi vài ngày. Sau đó chúng sẽ tiếp tục được “rèn luyện” từ 5-7 tháng, để học thêm các kỹ năng nghe hiểu hiệu lệnh, quỳ xuống đứng lên để đón khách.
Khảo sát gần đây của Tổ chức Động vật châu Á (AAF) tại Khu Du lịch Buôn Đôn và Khu Du lịch Hồ Lắk cho thấy, voi phải thường xuyên làm việc liên tục từ 6-8 giờ mỗi ngày. Việc khai thác voi quá mức khiến chúng không còn khả năng sinh sản tự nhiên. Hơn một nửa trong số chúng giờ đã trên 37 tuổi, vượt qua độ tuổi vàng cho hoạt động sinh sản. Dù đã có nhiều nỗ lực, can thiệp sinh sản nhân tạo, nhưng hầu hết voi con đều bị chết lưu trong bụng mẹ.
Thống kê của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cập nhật năm 2020 cho thấy, tại Đắk Lắk, tỉnh có nhiều voi thuần dưỡng nhất cả nước, hiện chỉ còn dưới 45 cá thể, giảm 10 lần so với năm 1980.
Tháng 10 vừa qua, một tin vui cho các nhà bảo tồn voi là đại diện Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Đắk Lắk tuyên bố sẽ bỏ hẳn loại hình du lịch cưỡi voi trên phạm vi toàn tỉnh, chuyển sang hình thức du lịch thân thiện gắn liền với loài động vật này như tắm voi, cho voi ăn hay thậm chí sản phẩm cà phê voi.
Tuy nhiên, số phận của các con voi vẫn còn nhiều lo lắng. Ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk, cho biết voi nhà thuộc quyền sở hữu của các gia đình nên họ tùy ý chăm sóc, khai thác sức khỏe của voi. Hiện nay, Trung tâm chỉ có thể mời các hộ lên tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và phát thuốc chứ chưa thể can thiệp nhiều hơn.
Voi có thói quen ăn và uống nước lai rai liên tục từ 70-80% thời gian trong ngày. Nhu cầu về thức ăn trong ngày của một cá thể voi nhà rất lớn (khoảng 3 tạ cỏ và hàng trăm lít nước). Ước tính mỗi ngày một con voi ngốn hết 200.000 đồng tiền mua thức ăn. Nay khi thu nhập từ du lịch sụt giảm, việc chăm sóc đàn voi trở thành gánh nặng với các gia đình. Tăng cường sự tập trung của quần thể voi thuần dưỡng và xây dựng một lực lượng nhân sự chuyên nghiệp để chăm sóc voi là việc cấp thiết, theo PanNature.
Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk, chia sẻ: “Ở nước ta hiện nay chưa có ngạch đào tạo chuyên sâu về chăm sóc và bảo tồn voi. Anh em chúng tôi đều là dân “tay ngang” được phiên qua từ các đơn vị khác. Bỗng chuyển qua làm bác sĩ cho voi nói thật là vô cùng khó, chỉ có những người yêu voi, tâm huyết thật sự mới làm nổi”.
Tính đến tháng 9.2020, số tiền hỗ trợ cho các dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk từ các tổ chức phi chính phủ và Nhà nước đã hơn 100 tỉ đồng, nhưng vẫn chưa có giải pháp nào thật sự hiệu quả, theo Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk.