Ảnh: freepik.com

 
Tuệ Anh Thứ Hai | 29/08/2022 10:40

Hội chứng sa sút trí tuệ có thể điều trị bằng liệu pháp âm nhạc?

Một nhóm Giáo sư trường ĐH Melbourne (Úc) đang phát triển ứng dụng nhằm sử dụng hiệu quả liệu pháp âm nhạc trong điều trị cho người bị sa sút trí tuệ.

Mới đây, trường Đại học Melbourne công bố công trình nghiên cứu về một ứng dụng và hệ thống cảm biến tích hợp, nhằm sử dụng hiệu quả liệu pháp âm nhạc trong điều trị cho các bệnh nhân bị sa sút trí tuệ.

Theo Giáo sư Felicity Baker (Trung tâm Nghiên cứu về trị liệu bằng âm nhạc và nghệ thuật sáng tạo - Đại học Melbourne), âm nhạc là liệu pháp mang lại những ký ức dài hạn cho các bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ. Việc nghe những bài hát quen thuộc có thể giúp mọi người có xu hướng quan tâm hơn đến môi trường xung quanh và kết nối với các thành viên trong gia đình thông qua những trải nghiệm âm nhạc có ý nghĩa.

Phương pháp trị liệu mới của nhóm Giáo sư Baker có tên là Music Attuned Technology - Care via eHealth (MATCH). MATCH được thiết kế nhằm kích thích sự hồi tưởng, kiểm soát trạng thái hưng phấn, giảm mức độ nghiêm trọng của các hành vi thách thức chống đối, giảm trầm cảm và cải thiện tâm trạng. Ứng dụng trên sẽ đi kèm với các chương trình hướng dẫn những người chăm sóc trong gia đình sử dụng âm nhạc để giúp giảm các triệu chứng mất trí nhớ ở người thân của họ, chẳng hạn như tình trạng đột nhiên trở nên quẫn trí hoặc tức giận vô cớ.

Hội chứng sa sút trí tuệ ngày càng phổ biến cùng với sự già hóa dân số. Ảnh: Vinhomes
Hội chứng sa sút trí tuệ ngày càng phổ biến cùng với sự già hóa dân số. Ảnh: Vinhomes

Ứng dụng trên được phát triển sau 2 đợt thử nghiệm lâm sàng, bao gồm 1 đợt thử nghiệm trị liệu bằng âm nhạc cho các bệnh nhân sa sút trí tuệ tại một cơ sở chăm sóc người cao tuổi và 1 đợt hướng dẫn những người trong gia đình có bệnh nhân sa sút trí tuệ về cách thức hỗ trợ người thân của họ bằng phương pháp âm nhạc tại nhà.

Theo Giáo sư Baker, ở giai đoạn cuối cùng, ứng dụng sẽ được kết nối với các cảm biến công nghệ cao gắn trên cơ thể của các bệnh nhân sa sút trí tuệ, nhằm phát hiện sự thay đổi về hành vi, chẳng hạn như bỗng nhiên tức giận. Các cảm biến đc điều khiển bởi “trí tuệ nhân tạo” (AI) sẽ ghi nhớ cấu trúc hành vi của các bệnh nhân nhằm phát hiện bất kỳ sự thay đổi đột ngột nào và kích hoạt loại nhạc phù hợp để xoa dịu tâm trạng của họ. Ngoài ra, nhịp độ, thể loại và âm lượng nhạc sẽ liên tục được điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.

Nhóm chuyên gia nghiên cứu về MATCH hiện đang thử nghiệm phương  pháp mới này tại nhiều gia đình trên khắp Australia và tiếp tục phát triển các cảm biến và công nghệ AI đi kèm. Các nhà khoa học hy vọng sẽ triển khai ứng dụng vào thực tế trong năm 2023, còn hệ thống cảm biến sẽ được ra mắt vào năm 2025.

Có thể bạn quan tâm: 

Tuổi thọ trung bình của người Việt đạt 73, nhưng chỉ có 64 năm sống khỏe mạnh