Ảnh: Idea Group

 
Hải Đăng Thứ Tư | 28/02/2024 07:30

Học gì để không thất nghiệp?

Tỉ lệ thất nghiệp của lao động thanh niên còn cao cho thấy Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế của giai đoạn dân số vàng.

Theo báo cáo mới nhất về Triển vọng việc làm và xã hội thế giới: xu hướng 2024 vừa được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo, quá trình phục hồi của thị trường lao động trong thời gian tới sẽ còn rất nhiều thách thức. Ông Gilbert F. Houngbo, Tổng Giám đốc ILO, cho rằng những thách thức về lực lượng lao động mà báo cáo phát hiện là mối đe dọa đối với cả sinh kế cá nhân và doanh nghiệp. Điều cần thiết là chúng ta phải giải quyết chúng một cách hiệu quả và nhanh chóng.

 

Những con số này cũng phản ánh thực trạng tại Việt Nam. Năm 2023 cả nước có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, trong đó đáng chú ý là tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao. Số thanh niên thất nghiệp năm 2023 là khoảng 437.300 người, chiếm 41,3% tổng số người thất nghiệp.

Tỉ lệ thất nghiệp của lao động thanh niên còn cao cho thấy Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế của giai đoạn dân số vàng trong khi giai đoạn già hóa dân số đến nhanh. Nhiều sinh viên ra trường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm hoặc phải làm trái ngành, trái nghề, việc làm của thanh niên cũng không ổn định. Tỉ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên phản ánh việc kết nối cung và cầu lao động thanh niên chưa thực sự hiệu quả. Sự thay đổi này đặt ra ngày càng nhiều thách thức đối với nhóm dân số trong lực lượng lao động, trong đó thanh niên sẽ phải gánh vác nhiều trọng trách hơn cả về việc làm và an sinh xã hội.

Một con số đáng chú ý là theo một thống kê cuối năm 2021, Việt Nam có khoảng 200.000 tài xế chạy xe công nghệ Grab, trong đó 26% có trình độ từ cao đẳng trở lên. Tình trạng cử nhân gác bằng tốt nghiệp để chạy xe ôm công nghệ... là hồi chuông báo động về sự lãng phí nguồn lực trẻ của Việt Nam.

Từ “Thất nghiệp do công nghệ” (Technology Unemployment) đã được Giáo sư Lord Keynes phát triển từ thập niên 30 trước sự bùng nổ của máy móc thiết bị, khiến năng suất tăng lên nhưng cũng làm nhu cầu lao động đi xuống. Tại Việt Nam, các nhân viên thu tiền điện, nước đã bị thay thế bằng những ứng dụng MoMo, Mobivi, Paynet. Những nhân viên bán vé tàu xe được thay thế bằng dịch vụ vexere.com, Pasoto.com... Thế nhưng, ngay cả những người trẻ được học hành bài bản cũng bị thất nghiệp do công nghệ lại là vấn đề khác của bài toán giáo dục và đào tạo khi không theo kịp sự tiến bộ như vũ bão của công nghệ thời 4.0 với trí tuệ nhân tạo (A.I), máy học...

 

Bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc Nhân sự của HSBC Việt Nam, cho rằng sự quan tâm dành cho A.I tăng vọt trong năm 2023 là dấu hiệu cho thấy các tiến bộ công nghệ sẽ đóng vai trò lớn trong thay đổi diện mạo thị trường lao động những năm tới. Điển hình nhất, phải kể đến xu hướng tự động hóa sẽ ảnh hưởng đến các công việc tay chân. Robot được dự báo sẽ thay thế công nhân trong nhà máy, kho bãi, dây chuyền sản xuất hoặc nhân viên chạy bàn.

Xu hướng này cũng nhắc nhở doanh nghiệp và người lao động cần có tâm thế sẵn sàng cho những thay đổi trong tương lai. Đây cũng là lời nhắc nhở cho các nhà hoạch định chiến lược đào tạo, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực của quốc gia. Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp nhằm tận dụng năng lực kỹ năng số để cải thiện khả năng làm việc và năng suất lao động của dân số trong độ tuổi lao động, bao gồm nhóm dễ bị tổn thương.

Gỡ nút thắt về vấn đề việc làm cho lao động trẻ có lời giải nằm ở chất lượng nguồn nhân lực và mục tiêu cũng như định hướng giáo dục cần thay đổi theo nhu cầu xã hội nhằm tạo ra sự cân bằng trong đào tạo và sử dụng nhân lực ở các ngành nghề. Đây cũng là vấn đề của ILO chỉ ra mặc dù có tiến bộ công nghệ và đầu tư tăng lên, nhưng tốc độ tăng trưởng năng suất vẫn tiếp tục chậm lại, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

“Đầu tư phát triển kỹ năng ở Việt Nam rất quan trọng. Điều đó tăng khả năng tìm việc làm và tăng năng suất lao động, góp phần giúp Việt Nam có chỗ đứng vững chắc hơn trong nền kinh tế thế giới”, bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), nhấn mạnh. Đó là lý do tại sao IOM phối hợp cùng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đưa ra các nền tảng giúp cho những người lao động có tay nghề thấp và lao động di cư cải thiện các kỹ năng thiết yếu như kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm và kỹ năng số. Điều này làm giảm khả năng dễ bị tổn thương của họ, giúp họ xác định hướng đi tốt hơn và tăng khả năng thích ứng trong môi trường kỹ thuật số, hướng tới phát triển bền vững