Sự thành công của Saeko trong việc biến hóa sơn ta trên chất liệu mới thể hiện tiềm năng to lớn của sơn ta trong thời hiện đại và cả tương lai.
Họa sĩ Nhật Saeko Ando "phải lòng" sơn mài Việt Nam
Biến hóa sơn mài truyền thống trên chất liệu mới
Tốt nghiệp khoa Triết, Đại học Waseda, Tokyo năm 1992, Saeko Ando chưa bao giờ nghĩ cô sẽ gắn bó với sơn mài hay hội họa vì sự cầu kỳ, chi tiết của loại hình này. Tuy nhiên, từ niềm yêu thích đặc biệt với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Ando thường tự tay làm các đồ vật nhỏ xinh để bày biện và thích xem các sản phẩm sơn mài do nghệ nhân Nhật thực hiện.
Trong một lần đến Hà Nội vào năm 1995, Saeko nhìn thấy các sản phẩm sơn mài dùng chất liệu sơn công nghiệp (người bán nói là sơn ta) có kỹ thuật khá thô mộc. Cô chợt thấy tiếc rồi nảy sinh ý định tìm thầy học để hiểu thêm về chất liệu sơn ta, mong muốn đẩy tính thủ công của sản phẩm và màu sơn lên một đẳng cấp cao hơn.
Dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Trịnh Tuấn, bậc thầy sơn mài Doãn Chí Trung và nghệ nhân sơn mài Lâm Hữu Chính, Saeko không ngừng trau dồi kiến thức và kỹ năng thực hành nghệ thuật với sơn ta. Năm 2000, với sự thông hiểu nghệ thuật sơn mài truyền thống, Saeko trở thành hội viên nước ngoài đầu tiên của Hội Mỹ thuật Hà Nội.
Bức tranh S302, mặt trước trong loạt tranh The Specimen của Saeko Ando. |
2023 là một năm nhiều ý nghĩa với nghệ sĩ đương đại Nhật Saeko Ando, khi thời gian cô sinh sống tại Việt Nam đã dần vượt quá khoảng thời gian cô sinh ra và lớn lên ở Nhật. 2023 trùng hợp cũng là kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật. Và Saeko thì đang tất bật chuẩn bị cho triển lãm cá nhân thứ 2 tại Việt Nam sau hơn 10 năm.
Ở triển lãm này, Saeko lần đầu giới thiệu bộ sưu tập lớn nhất từ trước đến nay của cô mang tên Specimen. Điều đặc biệt, ở loạt tác phẩm này, cô đã mạnh dạn thay thế các tấm gỗ - chất nền thông thường làm vóc cho tranh sơn mài - bằng một chất liệu hoàn toàn mới: mica (acrylic). Đây là cách tiếp cận đương đại và gần như duy nhất trên thế giới hiện nay trong việc sử dụng sơn ta.
Trong ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và lĩnh vực hội họa nói riêng, sơn ta Việt Nam luôn xếp sau và thường được nhận định là thua kém về chất lượng so với sơn tự nhiên của các nước trong khu vực như Nhật, Trung Quốc. Với sự hiểu biết sâu sắc về sơn ta và cách khai thác những phẩm chất khác thường của nó, Saeko đã chứng minh điều ngược lại. Tranh sơn mài trên mica gồm 2 mặt, mỗi mặt là một nội dung, lớp màu khác nhau. Người xem có thể treo tác phẩm giữa không gian để chiêm ngưỡng cả 2 mặt. Khi ngắm nhìn ở những góc độ khác nhau, tranh sẽ mang đến trải nghiệm thị giác khác nhau.
Sự thành công của Saeko trong việc biến hóa sơn ta trên chất liệu mới thể hiện tiềm năng to lớn của sơn ta trong thời hiện đại và cả tương lai. Loạt tranh này của Saeko đã gây ngạc nhiên cho nhiều đồng nghiệp của cô và các chuyên gia, nhà nghiên cứu mỹ thuật khắp nơi trên thế giới, từ Triển lãm Nghệ thuật châu Á ở London, Munster (Bảo tàng sơn mài duy nhất tại châu Âu) đến Thượng Hải (Khoa Nghệ thuật, Đại học Thượng Hải), Tokyo (Đại học Nghệ thuật Tokyo) và Đại Lải (Bảo tàng Nghệ thuật đương đại).
“Sơn mài tự nhiên Việt Nam từ lâu đã là chất liệu hoàn hảo cho các tác phẩm của tôi. Độ trong và độ bóng tuyệt vời của nó có sự chuyển biến tự nhiên như một thực thể sống. Việc của tôi là khai thác và đẩy tối đa vẻ đẹp đó, mang đến cho người xem cảm giác hiện hữu về sự sống ngay cả trên những tác phẩm trừu tượng, bằng cách thực hành nghệ thuật, không phải trên nền ván gỗ truyền thống, mà trên các tấm mica. Điều này cho phép ánh sáng soi rọi, xuyên qua các tác phẩm. Kết cấu và độ sâu do các lớp sơn mài tạo ra dưới sự soi chiếu của ánh sáng, có thể được xem là phần mới mẻ của một thực thể sống mà chính tôi cũng chưa biết”, Saeko nói.
Chung thuỷ với sơn ta
Chọn sơn ta làm chất liệu đồng nghĩa Saeko tốn nhiều thời gian hơn, vất vả hơn so với việc dùng sơn mài công nghiệp. Số lượng tranh vì thế cũng ít hơn. Nhưng cô hài lòng với điều đó. Bởi nó không chỉ tôn vinh nghệ thuật truyền thống mà còn hỗ trợ sinh kế cho những người nông dân trồng cây sơn. Saeko tận tâm hỗ trợ việc phát triển, canh tác, phân phối các vật liệu chế tác tranh sơn mài tại địa phương.
Trong suốt sự nghiệp kéo dài gần 3 thập kỷ, Saeko được biết đến khắp thế giới như là một nghệ sĩ đương đại sử dụng sơn ta. Cô kết hợp các kỹ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam và kỹ thuật sử dụng sơn ta được từ các thế hệ bậc thầy sơn mài tạo ra các phương pháp độc đáo mà cô đã phát triển qua nhiều thập kỷ thử nghiệm.
Việc chuyển đến Hội An sinh sống vào năm 2016 được xem là dấu mốc trong sự nghiệp, giúp Saeko nhìn sâu hơn vào nội tại bản thân và nhìn rõ hướng đi với sơn mài. Triết lý Zen, niềm say mê với thiên nhiên và ảnh hưởng của thẩm mỹ Nhật đều được thể hiện rõ trong các tác phẩm của cô. Thúc đẩy niềm đam mê của Saeko là triết lý Monozukuri của người Nhật, nghĩa là các tác phẩm đạt chất lượng cao nhất về kỹ thuật, hài hòa với thiên nhiên và có giá trị cho xã hội.
Với Saeko, trước đây việc vẽ là cách cô giải phóng bản thân, tìm sự kết nối với thiên nhiên và vạn vật. “Việc sáng tạo mang lại cho tôi cảm giác thanh thản, vui vẻ và tràn đầy năng lượng nhất. Vì lý do này, trong nhiều năm, tôi thấy quá trình sáng tạo quan trọng hơn các tác phẩm đã hoàn chỉnh”, cô nói. Tuy nhiên, suy nghĩ này đã thay đổi trong đại dịch COVID-19 khi Saeko nhận được email từ người phụ trách một trong những bảo tàng nghệ thuật lớn ở London. Lá thư bày tỏ niềm biết ơn Saeko.
“Sự rung cảm của sơn mài tự nhiên đang chữa lành tâm hồn tôi”, một dòng trong email viết. Saeko nói email này giúp cô nhận ra, có thể dùng sơn mài truyền đi nguồn năng lượng tích cực, sự bình yên mà cô nhận được từ thiên nhiên và gửi gắm vào tranh.
Là thành viên của Dự án Trao đổi Nghiên cứu Sơn mài Thủ công châu Á, Saeko tích cực tham gia nhiều triển lãm, hội nghị và hội thảo chuyên đề tại nhiều nước để chia sẻ kiến thức, kỹ thuật và cống hiến không ngừng nghỉ cho việc nghiên cứu và bảo tồn sơn mài. Dù từng thử nghiệm qua chất liệu sơn tự nhiên tại một số quốc gia như Thái Lan, Myanmar, Campuchia... nhưng cuối cùng cô vẫn “chung thủy” với sơn ta. “Sơn mài Việt đa sắc và cách thể hiện rất tự do, phóng khoáng, có khi bóng, khi mờ, khi thô ráp... tùy vào tung hứng của họa sĩ”, Saeko nói.