Họa sĩ Bảo Nguyễn.
Họa sĩ Bảo Nguyễn chờ đấu giá triệu USD
Những chiếc túi Hermès Birkin xa xỉ; đồng hồ Hublot, Richard Mille, Patek Philippe Grandmaster, Rolex Daytona... đắt đỏ hay kính mát Chanel, Dior, vòng Cartier sành điệu xuất hiện cùng những chiếc áo dài có họa tiết phụng, rồng đặc trưng trong trang phục vua chúa thời Nguyễn, tưởng như không liên quan gì nhau, vậy mà nó lại tạo nên một sự hòa quyện đẹp mắt làm nên dòng tranh “hàng hiệu” độc đáo của họa sĩ Bảo Nguyễn, cũng là dòng tranh đang được giới nhà giàu ưa chuộng.
Anh biết tranh của mình có những giá trị gì để lọt vào mắt xanh của người giàu?
Có rất nhiều trường phái nghệ thuật và người đam mê nghệ thuật cũng luôn có một vài gu nhất định khi họ mong muốn sở hữu vài tác phẩm thật sự ưng ý. Ngoài chuyện người đam mê nghệ thuật muốn gì thì nghệ sĩ cũng cần con mắt tinh tường để nhận biết, phán đoán và tạo ra những giá trị đặc biệt mà ngoài tác giả yêu thích, người sưu tầm hoặc người mê nghệ thuật cũng đồng quan điểm về sự yêu thích đó.
Nghệ thuật là cuộc đời của mỗi chúng ta, có thể phê phán, có thể ẩn dụ, có thể có nhiều ý niệm được đưa ra nhưng nghệ thuật hiện đại cũng cần một điều quan trọng chính là tính đại chúng. Bởi vì, nó là yếu tố đưa nghệ thuật trở nên gần gũi với mọi người. Khi nắm bắt được những yếu tố đó cộng hưởng với yêu thích của bản thân tôi về những sáng tác nói lên tính con người trong mỗi tác phẩm, thì tôi sẽ có thể kể những câu chuyện dưới sắc thái riêng biệt, đưa những người yêu nghệ thuật lại gần hơn và kích thích được tính sở hữu trong họ.
Anh hay gọi mua tranh, sở hữu những tác phẩm nghệ thuật như một kênh đầu tư. Vậy việc đầu tư vào tranh của anh cũng ẩn chứa những yếu tố may rủi?
Đã gọi là đầu tư thì đương nhiên luôn có tính mạo hiểm trong đó. Bất kể loại đầu tư gì từ vàng, đất đai, chứng khoán, tiền kỹ thuật số... đều có rủi ro nhất định, nhưng nếu bạn có định hướng và đủ bản lĩnh thì sẽ hái được quả ngọt.
Khi đầu tư vào nghệ thuật, chính là nhà sưu tập đang bơm vốn cho người nghệ sĩ để họ có thể tiếp tục quá trình sáng tác. Một khi người nghệ sĩ đó vẫn còn tồn tại được với nghệ thuật, phát triển con đường nghệ thuật thì giá trị tác phẩm của họ sẽ được đẩy cao hơn. Vì hơn hết mỗi nghệ sĩ luôn biết cách để sáng tạo và tạo ra nhiều giá trị mỗi ngày.
Một bức tranh có giá cao nhất mà anh đã bán là bao nhiêu?
Giá trị cao nhất mà tôi đã bán cho một tác phẩm từ trước tới giờ là 25.000 USD cho một nhà sưu tập người Úc. Đó là bức tranh một cô tiểu thư yêu kiều nhẹ nhàng đang ngắm mình.
Hiện nay một bức tranh của anh có giá trung bình khoảng bao nhiêu?
Mỗi bức tranh sẽ tùy thuộc vào nội dung, chất liệu tôi thể hiện trong đó, nhưng đa phần vẫn là chất liệu tổng hợp, có giá dao động từ 4.000-15.000 USD.
Anh có nghĩ đến khả năng tranh của anh trong tương lai sẽ được gõ búa triệu USD trên sàn đấu giá Sotheby’s?
Đương nhiên ai làm nghệ sĩ cũng đều mong muốn tác phẩm của mình vươn xa tầm khu vực và đặc biệt là góp mặt ở những phiên đấu giá triệu USD trên sàn quốc tế. Tôi cũng hy vọng điều đó.
Tôi cho rằng nghệ thuật là một con đường rất dài và gian khó nên tôi luôn có kế hoạch, lộ trình cho quá trình khai phá bản thân và phát triển tư duy trong hội họa. Có như thế người làm nghệ thuật như tôi mới có thể tự tin hơn để sáng tạo và đem giá trị văn hóa Việt Nam trong tác phẩm của mình đi xa hơn trên con đường chinh phục mỹ thuật đương đại thế giới. Lúc đó chuyện tác phẩm của mình tăng giá theo là chuyện hết sức hợp lý và có lộ trình rõ ràng.
Anh đang hướng đến thị trường NFT (Non-fungible token). Anh có thể nói rõ hơn về thị trường này?
Đây là một dạng giấy chứng nhận quyền sở hữu được xác thực bằng công nghệ blockchain. Hiện tại tôi đang tham gia thị trường này, trong đó khách hàng chính là người nhận lại nhiều lợi ích nhất từ nó nhờ tính minh bạch, rõ ràng về giá trị thanh khoản.
Có thống kê trên thế giới cho biết các tác phẩm nghệ thuật chiếm đến 40% tổng tài sản của các nhà tài phiệt. Còn tại Việt Nam, theo quan sát của anh, đã có tỉ lệ này hay chưa?
Đa phần công chúng sẽ khó biết một nhà tài phiệt sở hữu bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật và chúng là những tác phẩm nào, vì cơ bản đó là chuyện đầu tư cá nhân và một phần cũng là đam mê sở thích. Nhưng chắc chắn họ có kiến thức nghệ thuật vững vàng, có gu thưởng lãm để một khi đầu tư vào bất kỳ một tác phẩm nào cũng đều có tính chiến lược, có tầm nhìn rõ ràng. Bởi vì, đã gọi là đầu tư thì họ phải tính đến đường lấy được giá trị từ nó và khi bạn cất giữ đến 40% tài sản vào nó, đương nhiên nó không hề cảm tính và đơn giản. Theo như sự hiểu biết và quan sát chủ quan của tôi thì tôi nghĩ con số đó ở Việt Nam có thể đạt ở mức 10-20%.